Gia tăng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc kháng sinh

Theo Bộ Y tế, tình trạng lạm dụng kê đơn thuốc, kê đơn không hợp lý và bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc đã gây ra những tác hại nặng nề đối với xã hội, đặc biệt là tình trạng lạm dụng kê đơn thuốc kháng sinh và sử dụng thuốc kháng sinh khi không có đơn của thầy thuốc là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Hiện tại, tình trạng gia tăng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc kháng sinh đang rất báo động, không chỉ tại mỗi quốc gia mà là vấn đề toàn cầu.

Điều này kéo theo người bệnh phải nằm viện lâu hơn, tăng chi phí, tăng tỉ lệ tử vong ở tất cả nhóm tuổi. Như tại Châu Âu, số ngày nằm viện tăng thêm 2,5 triệu, thêm 25.000 người chết mỗi năm.

Tại Việt Nam, theo điều tra của Bộ Y tế, có tới 88% thuốc kháng sinh ở thành thị bán không cần đơn, con số này ở nông thôn lên tới 91%. Đáng lưu ý, càng ở BV tuyến dưới, tỉ lệ sử dụng thuốc kháng sinh càng cao.

Trong nông nghiệp, Cục Thú Y cho biết, mỗi năm phát hiện hàng chục mẫu thuỷ sản nuôi, thịt gà, thịt lợn chứa dư lượng chất cấm, thuốc kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.

Việc mua bán, sử dụng kháng sinh thiếu kiểm soát trong y tế, nông nghiệp đã làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.

{keywords}
 Một nhà thuốc đã được kết nối ứng dụng phần mềm quản lý nhà thuốc để kiểm soát các đơn thuốc bán ra

Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc

Để kiểm soát tình trạng bán thuốc không kê đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh, Bộ Y tế đã xây dựng đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020.

Trong đó đến năm 2020, việc kê đơn thuốc phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 70% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác.

Riêng với thuốc kháng sinh, từ 2020, 100% thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

Để thực hiện đề án này, trong giai đoạn 2017-2018, đề án đã thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh Nam Định, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Cần Thơ, sau đó sẽ được đồng bộ trên toàn quốc.

Tại 4 tỉnh sẽ được thí điểm triển khai ứng dụng kết nối phần mềm quản lý nhà thuốc với danh mục gồm hàng chục nghìn loại thuốc.

Lộ trình đến năm 2020, tất các nhà thuốc phải hoàn thành kết nối mạng. Đến đầu năm 2021 tất cả các quầy thuốc phải nối mạng. Sau đó đến các tủ thuốc tại trạm y tế xã. Việc nối mạng sẽ giúp các cơ quan chức năng kiểm soát tất cả các đơn thuốc bán ra.

Ngoài ra, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe. Theo quy định đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Thực hiện Đề án sẽ góp phần giảm tỷ lệ kê đơn thuốc không đúng quy định, giảm tỷ lệ mua thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và người dân về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, trọng tâm là kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh.

Song song với đó, Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh truyền thông cho cộng đồng về tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc kê đơn, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, hậu quả của kháng kháng sinh; và các lợi ích mang lại khi khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh cho cộng đồng.

Đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn của các cơ sở sau khi có giải pháp can thiệp kiểm tra lần 1, áp dụng hình thức phạt tiền ở mức phạt tiền cao nhất theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn của các cơ sở sau khi có giải pháp can thiệp kiểm tra từ lần 2 trở đi, ngoài việc áp dụng hình thức phạt tiền ở mức phạt tiền cao nhất, cơ sở có các vi phạm khác trong việc thực hiện quy định của pháp luật trong hoạt động kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc sẽ bị áp dụng mức phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm khác.

Trước đây, mức xử phạt rất hạn chế, cụ thể đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc chỉ bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; đối với hành vi kê đơn thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng, không chính xác trong đơn bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Bộ Y tế kỳ vọng, Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn sẽ góp phần giảm tỉ lệ kê đơn thuốc không đúng quy định, giảm tỉ lệ mua thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.

T.Thư