Nghị định 116/2017 (NĐ116) của Chính phủ ban hành ngày 17/10, quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô không chỉ “đóng cửa” hoàn toàn với các doanh nghiệp buôn xe đã qua sử dụng mà còn khép cửa với các doanh nghiệp nhập khẩu xe sang.
Trước đây, một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên, tuy nhiên, theo quy định mới của NĐ116, mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một xe để kiểm định, dù xe ở mọi lô đều cùng một loại.
Chẳng hạn, đầu tháng 9 doanh nghiệp vừa nhập một lô 10 xe Porscher 911 GT2RS (giá tính phí trước bạ khoảng 19 tỷ đồng), giữa tháng 9 lại nhập tiếp lô 5 xe này, mỗi lần lại phải chọn 1 xe để kiểm định, dù giống hệt nhau.
“Kiểm định xe là cần thiết nhưng mỗi kiểu loại chỉ cần kiểm định một lần là đủ. Thủ tục mới của NĐ116 gây lãng phí, tốn kém cho doanh nghiệp, thực sự không cần thiết”, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu xe sang từ Anh chia sẻ.
Theo tính toán của vị đại diện này, mỗi xe kiểm định sẽ tốn kém từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Nếu hồ sơ, giấy tờ không đầy đủ, thất lạc có thể mất 1-2 tháng mới kiểm định xong. Một lô về một xe hay 100 xe thì cũng tốn số tiền kiểm định như trên. Do đó, các doanh nghiệp nhập khẩu những dòng xe siêu sang như Lamborghini, Rolls-Royce, Porscher, Land Rover, Audi, Lexus…sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Thông thường, khách hàng phải đặt cọc đơn hàng 1-2 năm doanh nghiệp mới nhập dòng xe sang và siêu sang này về nước. Tuy nhiên, với những điều khoản của NĐ116, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải cân nhắc, tính toán làm sao để nhập cùng lúc 1 lô nhiều xe giống nhau để tiết kiệm chi phí kiểm định.
Tại Việt Nam, hiện mới chỉ có đúng 1 chiếc siêu xe Lamborghini Aventador S được đưa về nước từ hồi tháng 5/2017 |
Nếu không, cứ mỗi một lô xe về, mỗi xe sẽ gánh thêm hàng chục triệu đồng, dẫn tới giá xe bán ra cho khách hàng sau khi cộng các khoản phí, thuế khác cũng sẽ tăng thêm từng đấy tiền. Lợi nhuận vẫn phải đảm bảo, do đó, khách hàng sẽ phải chi thêm tiền để trả cho chiếc xe mà mình mua sắm.
Trước đó, Bộ Tài chính đã công bố Quyết định số 2018 bổ sung Danh mục Bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy có hiệu lực kể từ ngày 12/10/2017 nhằm bổ sung giá tính phí trước bạ đối với các dòng ô tô, xe máy chưa được quy định tại Bảng giá của Bộ này đã ban hành.
Đáng chú ý nhất trong 67 loại ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu là mẫu xe Lamborghini Aventador S với mức giá tính phí trước bạ lên tới 40 tỷ đồng. Như vậy, khi mua siêu xe Lamborghini Aventador S, người Việt sẽ phải nộp lệ phí trước bạ ít nhất là 4 tỷ đồng và cao nhất là 4,8 tỷ đồng.
Như vậy, thị trường xe sang ngày càng chật hẹp hơn tại Việt Nam. Đó cũng là lý do khi cả tháng 9/2017, không có chiếc xe nào của Pháp nhập vào Việt Nam. Còn trong tháng 8, tuy có khá khẩm hơn nhưng cũng chỉ được 1 chiếc.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá xe bình quân nhập từ Pháp về Việt Nam thuộc top đắt nhất với khoảng 156.000USD/chiếc (tương đương khoảng 3,5 tỷ đồng/chiếc); tiếp đó là xe Anh với 62.500USD/chiếc; Đức với 60.200USD/chiếc; Nga với 45.339USD/chiếc.
Theo các chuyên gia ô tô, xe châu Âu bán tại Việt Nam thường có giá cao do thuế suất thuế nhập khẩu cao và tiêu chuẩn cao. Thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ châu Âu về Việt Nam hiện nay từ 55-70% tùy loại, không được giảm vào năm 2018.
Trong khi xe nhập từ ASEAN về được giảm thuế về 0%. Vì vậy, cạnh tranh rất khó khăn. Ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ Đức và Anh đại đa số đều mang các thương hiệu hạng sang hoặc siêu xe như Audi, BMW, Mercedes-Benz, Land Rover, Jaguar hay Bentley…
(Theo Tiền phong)