Sáng ngày 6/6/2017, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã họp sơ kết công tác đổi mã vùng điện thoại cố định giai đoạn 2 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 3. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì buổi họp.

Theo báo cáo từ Cục Viễn thông, giai đoạn 3 sẽ chuyển đổi mã vùng 23 tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh. Bắt đầu chuyển đổi từ 0h ngày 17/6/2017 đến hết ngày 16/7/2017, hoàn thành chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Đây là các tỉnh/thành phố có số lượng thuê bao nhiều nhất trong 3 giai đoạn với số lượng là 3,07 triệu thuê bao, tương đương với 58% tổng số thuê bao cả nước.

Trước đó, giai đoạn 2, Bộ TT&TT đã chuyển đổi mã vùng của 23 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng. Bắt đầu chuyển đổi từ 0h ngày 15/4/2017, kết thúc quay số song song vào 23h59 ngày 14/5/2017 và kết thúc thời gian duy trì âm thông báo từ 23h59 ngày 16/6/2017.

Kế hoạch chuyển đổi mã vùng là một bước trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch kho số viễn thông có hiệu lực từ 1/3/2015. Việc chuyển đổi mã vùng này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Để đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường, công nghệ… trong từng thời kỳ, việc điều chỉnh quy hoạch kho số viễn thông là cần thiết.

Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết một số kết quả đã đạt được trong công tác chuyển đổi mã vùng giai đoạn 2: Các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch thử nghiệm cho nội mạng của mình, trong đó VNPT chủ trì, các doanh nghiệp viễn thông khác phối hợp xây dựng và thực hiện thử nghiệm liên mạng. Các doanh nghiệp cũng có sự phối hợp tích cực, chủ động, sớm xây dựng kế hoạch thực hiện công việc một cách khoa học, phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng. Vì vậy, công tác thử nghiệm kỹ thuật cả nội mạng và liên mạng diễn ra nhanh hơn, ít gặp trục trặc hơn so với giai đoạn 1. Các tỉnh, thành phố đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền cơ sở, các đài phát thanh truyền hình trên địa bàn tổ chức thông tin, tuyên truyền đến người dân các nội dung theo công văn hướng dẫn của Bộ TT&TT.

Về phản ánh của khách hàng, theo số liệu doanh nghiệp báo cáo về tình hình tiếp nhận phản ánh của khách hàng thì tổng số phản ánh đã tiếp nhận là 3.490 phản ánh, tăng 72% so với giai đoạn 1 (giai đoạn 1 là 2.034 phản ánh). Các phản ánh của khách hàng đều là về cách quay mã vùng mới, mục đích, ý nghĩa của việc chuyển đổi mã vùng và một số câu hỏi về ứng dụng/phần mềm giúp cập nhật tự động mã vùng mới trong danh bạ điện thoại. Các câu hỏi, phản ánh của khách hàng được doanh nghiệp viễn thông giải đáp đúng hướng.

Về số lượng và tỷ lệ cuộc gọi quay theo mã vùng mới, các cuộc gọi liên mạng, liên tỉnh theo mã vùng mới là 13.419.262 cuộc gọi, chiếm tỷ lệ trung bình toàn mạng khoảng 42%. Đối với cuộc gọi quốc tế chiều về có 160.607 cuộc gọi quay theo mã vùng mới, chiếm 15% tỷ lệ trung bình toàn mạng. Như vậy tỷ lệ % cuộc gọi theo mã vùng mới giai đoạn 2 so với giai đoạn 1 tăng 2% đối với cuộc gọi trong nước và 188% đối với cuộc gọi quốc tế chiều về. Nếu tính theo số lượng cuộc gọi theo mã vùng mới giai đoạn 2 so với giai đoạn 1 thì tăng 2,4 lần đối với cuộc gọi trong nước và 31,3 lần đối với quốc tế chiều về.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2, công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện tốt, Bộ TT&TT đã gửi công văn tới các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí và đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phản ảnh tích cực nêu bật thành công của việc chuyển đổi mã vùng tại 23 tỉnh/ thành phố giai đoạn 2.

Tại buổi họp, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông cho biết, các đơn vị này đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, kĩ thuật cho giai đoạn 3. Các doanh nghiệp đều cho rằng, trong giai đoạn 3 các đơn vị cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau về kĩ thuật, có sự thống nhất về kế hoạch thực hiện ở các địa phương để tránh trùng lặp về mã vùng mới và mã vùng cũ.

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá cao sự nỗ lực của Cục Viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông trong kế hoạch chuyển đổi mã vùng giai đoạn 2 ở 23 tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng Phan Tâm chỉ đạo, giai đoạn 3 của Kế hoạch chuyển đổi mã vùng, Cục Viễn thông và Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tiếp tục gửi văn bản tới các UBND tỉnh, thành phố; các cơ quan báo chí và các đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng cách quay số theo mã vùng mới.

Cục Viễn thông có văn bản gửi các cơ quan truyền thông có các bản tin tiếng Anh, đưa thông tin trên một số báo bằng tiếng Anh để một số cơ quan, Bộ, ngành đặc thù nắm được thông tin chuyển đổi mã vùng.

Các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục tăng cường thực hiện công tác chăm sóc, tiếp nhận và giải đáp cho khách hàng; tiếp tục triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền đến khách hàng thông qua thông báo cước, tờ rơi, website của doanh nghiệp, nhắn tin đối với doanh nghiệp di động, đưa tin trên hệ thống truyền hình và đặc biệt sử dụng mạng xã hội như Facebook, các mạng xã hội của cộng đồng giới trẻ.

Về cước phí sau khi chuyển đổi mã vùng, Thứ trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần rà soát kỹ trước khi tính cước, phải lưu ý, loại trừ lỗi do chuyển đổi mã vùng tính nhầm.

Về vấn đề kỹ thuật, Thứ trưởng giao cho VNPT tiếp tục chủ trì, các doanh nghiệp viễn thông khác phối hợp kế hoạch xây dựng để sớm hoàn thành công tác thử nghiệm nội mạng của doanh nghiệp mình và liên mạng đối với các doanh nghiệp khác  trong giai đoạn 3.