Từ những ngày đầu tiên của mạng di động đến 5G ngày nay, ngành công nghiệp viễn thông đã trải qua một bước tiến dài.
Hơn 80 năm qua, ngành viễn thông đã có sự phát triển vượt bậc để có được "diện mạo" như ngày hôm nay. Nhiều người đam mê điện thoại thông minh (smartphone) ngày nay thực sự không thể hình dung được ngành công nghiệp này đã trải qua những giai đoạn phát triển như thế nào. Đây là lí do Gizchina đã tổng hợp các thông tin thú vị xung quanh sự phát triển của ngành công nghiệp viễn thông và VnReview xin phép được lược dịch lại để các bạn tiện tham khảo.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, máy bộ đàm dòng SCR của Motorola đã đạt được những thành tựu to lớn trên chiến trường. Nó đã cho thế giới thấy sức hấp dẫn kỳ diệu của giao tiếp không dây. Từ đây, nhiều người đã có ý tưởng áp dụng thành tựu này vào các lĩnh vực dân sự.
Lịch sử của điện thoại di động
Sau chiến tranh, năm 1946, nhà mạng AT&T của Mỹ đã kết nối bộ thu phát không dây với mạng điện thoại chuyển mạch công cộng (PSTN). Họ cũng chính thức ra mắt dịch vụ điện thoại di động MTS (Mobile Telephone Service) cho mục đích dân dụng.
Với MTS, nếu người dùng muốn thực hiện cuộc gọi, trước tiên anh ta phải tìm kiếm một kênh không dây đang "thông suốt" theo cách thủ công. Nếu anh ta nhận được một kênh, sau đó anh ta sẽ nói chuyện với nhà điều hành, yêu cầu bên kia thực hiện kết nối thứ hai thông qua mạng PSTN.
Cuộc gọi theo công nghệ này chỉ cho phép 1 bên nói chuyện trong cùng 1 lúc và người còn lại sẽ trả lời sau khi người thứ nhất nói xong. Khi nói chuyện, người dùng phải nhấn công tắc "push-to-talk" trên điện thoại. Nếu căn cứ vào các tiêu chuẩn ngày nay, bạn có thể thấy quá trình này quá rườm rà và phức tạp. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, đây đã là một sự tiến bộ vượt bậc.
Phương thức tính phí hoặc thanh toán của MTS cũng rất sơ khai. Tổng đài sẽ nghe cuộc gọi giữa hai người, sau đó họ sẽ tính toán thủ công chi phí và xác nhận hóa đơn. MTS được xem là hệ thống điện thoại thương mại đầu tiên của loài người.
Chẳng phải chúng ta từng được nghe điện thoại di động được phát minh vào năm 1970 sao? Tại sao bây giờ người ta lại đề cập đến thời điểm năm 1940? Bạn đừng quá bất ngờ vì Mobile Telephone của hệ thống MTS không phải là điện thoại di động. Chính xác thì nó được xem như là một chiếc bộ đàm cầm tay với khả năng thoại 1 chiều (tại cùng thời điểm, chỉ có thể chấp nhận 1 người nói và 1 người nghe).
Điện thoại ô tô
Theo Wikipedia, điện thoại ô tô là điện thoại vô tuyến di động được thiết kế đặc biệt và lắp vào ô tô. Dịch vụ này bắt nguồn từ Hệ thống Bell, và được sử dụng lần đầu tiên tại St. Louis.
Với công nghệ điện tử và công nghệ pin lúc bấy giờ thì việc phát minh ra điện thoại di động là điều không khả thi. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, xe ô tô đã trở nên tương đối phổ biến.
Lúc này, "trạm gốc" (base station) cho các dịch vụ điện thoại có kích thước rất lớn, tương đương với các tháp phát thanh truyền hình ngày nay. Và mỗi thành phố cũng chỉ có 1 trạm như vậy. Nó nằm ở trung tâm thành phố và có độ phủ sóng khoảng 40 km.
Vào tháng 12 năm 1947, nhà nghiên cứu của Bell Labs, Douglas H. Ring, đã đưa ra ý tưởng tiên phong về "cellular" (tạm dịch: mạng thiết bị di động – theo Wikipedia, mạng thiết bị di động hay mạng di động, mạng mobile là một mạng vô tuyến bao gồm một số lượng các tế bào vô tuyến, gọi tắt là tế bào (cell), được phục vụ bởi một máy phát cố định, được gọi là các trạm gốc).
Ý tưởng này đánh dấu bước phát triển đầu tiên của ngành viễn thông sau này. Bell tin rằng thay vì tăng công suất truyền tín hiệu một cách mù quáng, tốt hơn là nên giới hạn phạm vi truyền tín hiệu và kiểm soát tín hiệu trong một khu vực giới hạn (cell).
Bằng cách này, các cell khác nhau có thể sử dụng cùng tần số mà không ảnh hưởng đến nhau, từ đó giúp tăng dung lượng hệ thống.
Mặc dù ý tưởng về truyền thông di động là rất tốt nhưng nó vẫn còn nhiều hạn chế vào thời điểm đó. Vì vậy, Bell Labs chỉ mới đưa ra ý tưởng chứ chưa biến nó thành hiện thực được.
Châu Âu và Mỹ phát triển điện thoại ô tô
Vào những năm 1950, nhiều quốc gia bắt đầu xây dựng mạng điện thoại trên xe hơi. Ví dụ, vào năm 1952, Tây Đức đã tung ra A-Netz. Năm 1961, kỹ sư Liên Xô Leonid Kupriyanovich cũng đã phát minh ra điện thoại di động ЛК-1, loại điện thoại này cũng được lắp trên ô tô. Sau đó, Liên Xô đã giới thiệu hệ thống điện thoại trên xe ô tô Altai, phủ sóng hơn 30 thành phố trong cả nước.
Năm 1969, Mỹ giới thiệu một hệ thống điện thoại ô tô cải tiến được gọi là IMTS (Improved MTS). IMTS hỗ trợ chế độ full-duplex (2 người gọi điện có thể nói chuyện cùng 1 lúc), quay số tự động và tìm kiếm kênh tự động. Hệ thống này có thể cung cấp 11 kênh (sau này là 12). Đây là một bước tiến nhảy vọt về chất so với MTS.
Năm 1971, Phần Lan khai trương mạng điện thoại di động công cộng ARP (Auto Radio Puhelin - Puhelin có nghĩa là điện thoại trong tiếng Phần Lan). Thiết bị này hoạt động ở dải tần 150MHz nhưng vẫn chuyển đổi thủ công và chủ yếu dành cho các dịch vụ điện thoại trên ô tô.
Các dịch vụ Altai, IMTS hay ARP… sau này được thống nhất gọi là công nghệ truyền thông di động "0G" hoặc "Pre-1G (trước 1G)". Đây là lịch sử của ngành viễn thông trước 1G và dưới đây là những gì diễn ra ở các thời kỳ tiếp theo.
Kỷ nguyên 1G của ngành viễn thông
Sự tiến bộ của công nghệ bán dẫn tạo điều kiện cho ngành viễn thông phát triển. Và điều này chỉ thực sự bùng nổ từ những năm 70. Năm 1973, các kỹ sư của Motorola, Martin Cooper và John F. Mitchell, cuối cùng đã viết nên lịch sử. Họ đã làm được điều này bằng cách phát minh ra điện thoại di động thực sự đầu tiên trên thế giới (điện thoại di động cá nhân cầm tay - handheld personal mobile phone).
Điện thoại được đặt tên là DynaTAC (Dynamic Adaptive Total Area Coverage). Nó cao 22cm, nặng 1,28kg, có thể đàm thoại trong 20 phút và có ăng ten trồi lên.
Năm 1974, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã phê duyệt một phần phổ tần số vô tuyến để sử dụng trong thử nghiệm mạng di động. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm đã bị trì hoãn đến năm 1977. Vào thời điểm đó, hai đối thủ AT&T và Motorola đã tham gia vào cuộc thử nghiệm.
AT&T đã bị Quốc hội Mỹ "tước đoạt" quyền sử dụng thương mại vệ tinh truyền thông vào năm 1964. Trong cơn "tuyệt vọng", họ thành lập bộ phận truyền thông di động tại Bell Labs, tìm kiếm những cơ hội mới.
1G khá chậm nhưng là một bước tiến dài của ngành viễn thông
Giữa năm 1964 và 1974, Bell Labs đã phát triển một hệ thống tương tự gọi là HCMTS (High-Volume Mobile Telephone System). Mạng điện thoại này sử dụng băng tần FM 30kHz, tốc độ truyền tín hiệu là 10kbps.
Vì không có tổ chức tiêu chuẩn hóa cho các hệ thống di động không dây vào thời điểm đó, AT&T đã thiết lập tiêu chuẩn riêng cho HCMTS. Sau đó, Hiệp hội Công nghiệp Điện tử (EIA) đã đặt tên cho hệ thống này là Interim Standard 3 (IS-3).
Năm 1976, HCMTS đổi tên thành AMPS (Advanced Mobile Phone Service). AT&T đang sử dụng công nghệ AMPS để tiến hành các thử nghiệm FCC ở Chicago và Newark.
Hãy nhìn lại Motorola
Trong những ngày đầu, Motorola đã phát triển công nghệ RCC (Radio Common Carrier) và kiếm được rất nhiều tiền. Do đó, họ đã phản đối mạnh mẽ việc FCC phát hành phổ tần cho liên lạc di động vì sẽ ảnh hưởng đến thị trường RCC của họ. Nhưng đồng thời, họ cũng đang phát triển một công nghệ truyền thông di động mới tạo tiền đề cho sự ra đời của DynaTAC.
Sau khi FCC phát hành các phổ tần di động, Motorola đã tiến hành các thử nghiệm ở Washington với thiết bị DynaTAC. Và trong khi Motorola chậm rãi thử nghiệm, nhiều quốc gia khác đã dẫn đầu về công nghệ này.
Nhật Bản có mạng thương mại 1G đầu tiên
Năm 1979, Nippon Telegraph and Telephone (NTT) đã ra mắt hệ thống liên lạc di động tự động thương mại đầu tiên trên thế giới ở khu vực thủ đô Tokyo. Hệ thống này sau đó được coi là mạng thương mại 1G đầu tiên trên thế giới.
Tại thời điểm đó, mạng này có 88 trạm gốc, hỗ trợ chuyển đổi cuộc gọi hoàn toàn tự động giữa các cell khác nhau mà không cần can thiệp thủ công. Hệ thống sử dụng công nghệ FDMA, băng thông kênh là 25KHz, nó nằm trong dải tần 800MHz.
Na Uy và Thụy Điển xây dựng mạng 1G hàng đầu ở châu Âu
Hai năm sau, vào năm 1981, các nước Bắc Âu (Na Uy và Thụy Điển) thành lập mạng di động 1G đầu tiên của Châu Âu - NMT (Nordic Mobile Telephones). Ngay sau đó, Đan Mạch và Phần Lan cũng tham gia xây dựng mạng 1G của riêng mình. NMT trở thành mạng điện thoại di động đầu tiên trên thế giới có khả năng chuyển vùng quốc tế.
Sau đó, Ả Rập Xê-út, Nga, một số nước Baltic và châu Á khác cũng giới thiệu NMT.
Motorola sản xuất điện thoại di động 1G thương mại đầu tiên trên thế giới
Vào tháng 9 năm 1983, Motorola đã phát hành điện thoại di động thương mại đầu tiên trên thế giới, DynaTAC 8000X. Thiết bị này nặng 1kg và có thể đàm thoại liên tục trong 30 phút. Phải mất 10 giờ để sạc đầy và thiết bị có giá khá cao 3.995 USD (khoảng 4 chiếc iPhone hay Galaxy cao cấp ngày nay).
Mỹ dẫn đầu công nghệ 1G ở Nam và Bắc Mỹ
Năm 1983, Mỹ chính thức tập trung phát triển mạng 1G thương mại của riêng mình. Vào ngày 13 tháng 10 năm 1983, Công ty Truyền thông Di động Americitech đã ra mắt mạng 1G đầu tiên tại Hoa Kỳ dựa trên công nghệ AMPS.
Mạng này có thể sử dụng cả điện thoại ô tô và DynaTAC 8000X. FCC đã phân bổ băng thông 40MHz cho AMPS ở dải tần 800MHz. Sau đó, FCC đã phân bổ thêm băng thông 10MHz cho mạng di động này.
Trong năm đầu tiên đưa vào sử dụng thương mại, Americitech đã bán được khoảng 1.200 điện thoại di động DynaTAC 8000X và có khoảng 200.000 người dùng thường xuyên. Năm năm sau, số lượng người dùng đã phát triển lên con số 2 triệu người.
Số lượng người dùng tăng nhanh vượt xa khả năng của mạng AMPS. Sau đó, để tăng dung lượng, Motorola đã giới thiệu một phiên bản băng thông hẹp của công nghệ AMPS, đó là NAMPS. Nó chia kênh thoại 30KHz hiện có thành ba kênh 10KHz (tổng số kênh trở thành 2.496) để tiết kiệm phổ tần và mở rộng dung lượng.
Vương Quốc Anh tham gia mạng 1G
Ngoài NMT và AMPS, một tiêu chuẩn 1G khác được sử dụng rộng rãi là TACS (Total Access Communication Systems), được phát hành lần đầu tiên ở Anh.
Tháng 2 năm 1983, chính phủ Anh thông báo rằng hai công ty BT (British Telecom) và Racal Millicom (tiền thân của Vodafone) sẽ xây dựng mạng thông tin di động TACS dựa trên công nghệ AMPS.
Ngày 1 tháng 1 năm 1985, Vodafone chính thức triển khai dịch vụ TACS (thiết bị mua từ Ericsson). Vào thời điểm đó, chỉ có 10 trạm cơ sở bao phủ toàn bộ khu vực London.
Hệ thống TACS chủ yếu do Motorola phát triển và thực sự là một phiên bản sửa đổi của hệ thống AMPS. Ngoại trừ dải tần, khoảng cách kênh, độ lệch tần và tốc độ truyền tín hiệu, chúng hoàn toàn giống nhau.
So với NMT ở Bắc Âu, các đặc tính hoạt động của TACS có sự khác biệt đáng kể. NMT phù hợp với môi trường nông thôn thưa dân cư của các nước Bắc Âu (Scandinavia). Nó sử dụng tần số 450MHz (sau này được đổi thành 800MHz) và có phạm vi "cell" lớn hơn.
Ưu điểm của TACS là dung lượng chứ không phải khoảng cách phủ sóng. Hệ thống TACS có công suất máy phát thấp và phù hợp với quốc gia có mật độ dân số cao và các khu đô thị lớn như Vương quốc Anh.
Khi số lượng người dùng tăng lên, TACS sau này đã thêm một số dải tần (10MHz) và trở thành ETACS (Extended TACS). NTT Nhật Bản đã phát triển JTACS dựa trên TACS.
Trung Quốc tham gia phát triển 1G
Điều đáng nói là trạm gốc di động đầu tiên do Trung Quốc xây dựng ở Quảng Châu năm 1987 sử dụng công nghệ TACS và đối tác là Motorola.
Ngoài AMPS, TACS và NMT, công nghệ 1G còn bao gồm C-Netz ở Đức, Radiocom 2000 ở Pháp và RTMI ở Ý. Những công nghệ nở rộ này đã chính thức mở ra kỷ nguyên truyền thông di động. Trên thực tế, trong ngành viễn thông, không có tên gọi 1G vào thời điểm nó được sử dụng. Chỉ sau khi công nghệ 2G xuất hiện, chúng mới được gọi là 1G để dễ dàng phân biệt.
Kỷ nguyên 2G của ngành viễn thông
Năm 1982, Ủy ban Bưu chính và Viễn thông Châu Âu đã thành lập "Mobile Expert Group" để chịu trách nhiệm nghiên cứu các tiêu chuẩn truyền thông.
"Mobile Expert Group" sau này được đổi thành "Global System for Mobile communications". Đây là tiền thân của tổ chức GSM ngày nay.
Mục đích của việc thành lập GSM là thiết lập một tiêu chuẩn mới và phát triển hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng toàn châu Âu. Họ đưa ra các yêu cầu để sử dụng hiệu quả phổ tần, hệ thống chi phí thấp, thiết bị đầu cuối cầm tay và chuyển vùng toàn cầu.
Trong những năm tiếp theo, tổ chức này đã xây dựng thành công thông số kỹ thuật mạng GSM 900MHz và 1800MHz (DCS).
Năm 1991, công ty Phần Lan Radiolinja (nay là một phần của ELISA Oyj) đã ra mắt mạng 2G đầu tiên trên thế giới dựa trên tiêu chuẩn GSM.
Như chúng ta đã biết, 2G áp dụng công nghệ kỹ thuật số để thay thế công nghệ tương tự của 1G. Điều này giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc gọi và độ ổn định của hệ thống. Nó cũng làm cho việc trao đổi thông tin trở nên an toàn hơn và giảm tiêu thụ điện năng của thiết bị.
Ngoài GSM, một tiêu chuẩn 2G nổi tiếng khác là CDMA cũng được Qualcomm đưa ra. Nói chính xác, nó là IS-95 hoặc cdmaOne. IS-95 có hai phiên bản là IS-95A và IS-95B. Trong đó, IS-95A có thể hỗ trợ tốc độ dữ liệu cao nhất lên đến 14,4kbps, trong khi cái còn lại hỗ trợ tốc độ truyền dữ liệu 115kbps.
Ngoài IS-95, Mỹ còn cho ra đời tiêu chuẩn IS-54 (North America TDMA Digital Cellular) và IS-136 (1996). Trên thực tế, 2G không chỉ là GSM và CDMA. Hiệp hội Công nghiệp Điện thoại Di động đã phát triển một phiên bản kỹ thuật số của AMPS dựa trên công nghệ AMPS, được gọi là D-AMPS (Digit-AMPS). Đây thực sự là một tiêu chuẩn 2G. Một tiêu chuẩn 2G khác là PDC (Personal Digital Cellular) của Nhật Bản.
Kỷ nguyên 2.5G
Vào cuối thế kỷ 20, với sự bùng nổ của Internet, con người đặt ra nhu cầu truy cập Internet di động mạnh mẽ. Do đó, GPRS (General Packet Radio Service, General Packet Radio Service) đã được ra mắt.
Chúng ta có thể coi GPRS như một "plug-in" của GSM. Với sự trợ giúp của GPRS, mạng có thể cung cấp tốc độ dịch vụ dữ liệu lên đến 114Kbps.
Ý tưởng về GPRS ra đời lần đầu tiên vào năm 1993. Tuy nhiên, phải đến năm 1997 thì nó mới được phát triển hoàn thiện. Đây được xem là một bước ngoặt trong lịch sử của ngành viễn thông. Tại thời điểm này, dịch vụ dữ liệu đã trở thành hướng phát triển chính của truyền thông di động.
Kỷ nguyên 2.75G
Sau khi công nghệ GPRS ra mắt, các nhà khai thác viễn thông cũng đã đưa ra một công nghệ nhanh hơn. Công nghệ này được gọi là EDGE.
Tính năng lớn nhất của EDGE là nó có thể cung cấp gấp đôi tốc độ dịch vụ dữ liệu của GPRS mà không cần thay thế thiết bị. Mạng EDGE đầu tiên trên thế giới được AT&T triển khai vào năm 2003 dựa trên mạng GSM của riêng mình.
Kỷ nguyên 3G của ngành viễn thông
Năm 1996, Châu Âu thành lập diễn đàn UMTS (Universal Mobile Telecommunications System) để tập trung vào việc phối hợp nghiên cứu tiêu chuẩn 3G. Nokia, Ericsson và Alcatel đã sớm nhận ra những lợi ích thiết thực của CDMA. Vì vậy, họ đã phát triển một hệ thống W-CDMA với các nguyên tắc tương tự.
Nó được gọi là W-CDMA (Wide-CDMA) vì băng thông kênh của nó đạt tới 5MHz, rộng hơn so với 1,25MHz của CDMA2000.
Nhiều người nhầm lẫn về mối quan hệ giữa UMTS và WCDMA. Trên thực tế, UMTS là thuật ngữ chung cho 3G ở Châu Âu. WCDMA là một hệ thống được triển khai từ UMTS và thường đề cập đến phần giao diện không dây. TD-SCDMA mà chúng ta sẽ đề cập sau đây cũng thuộc về UMTS.
Để có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ, ETSI Châu Âu cũng đã cùng nhau thành lập 3GPP (3rd Generation Partnership Project) cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, v.v. để hợp tác xây dựng các tiêu chuẩn di động thế hệ thứ ba toàn cầu.
Trong khi đó, "phe" Bắc Mỹ lại có quan điểm khác.
Cuộc chiến 3G
Các công ty do Lucent và Nortel đại diện hỗ trợ WCDMA và 3GPP. Tuy nhiên, Qualcomm đã thống nhất với Hàn Quốc để thành lập tổ chức 3GPP2 để cạnh tranh với 3GPP. Tiêu chuẩn mà họ đưa ra là CDMA2000 được phát triển dựa trên CDMA 1X (IS-95).
Mặc dù CDMA2000 là chuẩn 3G nhưng tốc độ đỉnh ban đầu không cao, chỉ 153kbps. Sau đó, nó được phát triển thành EVDO (EVolution Data Optimized), tốc độ dữ liệu được cải thiện đáng kể. Nó cung cấp tốc độ tải xuống cao nhất là 14,7Mbps và tốc độ tải lên cao nhất 5,4Mbps.
Trong giai đoạn này, Trung Quốc cũng giới thiệu tiêu chuẩn 3G của riêng mình (hay còn gọi là TD-SCDMA) để cùng tham gia cạnh tranh quốc tế.
Cuộc cạnh tranh là khá khốc liệt, cuối cùng, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã xác nhận ba tiêu chuẩn 3G toàn cầu, đó là WCDMA do Châu Âu dẫn đầu, CDMA2000 do Hoa Kỳ dẫn đầu và TD-SCDMA của Trung Quốc.
Xét về tiến độ thương mại hóa 3G, NTT của Nhật Bản một lần nữa dẫn đầu.
Vào ngày 1 tháng 10 năm 1998, NTT Docomo ra mắt mạng 3G thương mại đầu tiên trên thế giới (dựa trên WCDMA) tại Nhật Bản.
Kỷ nguyên 3.75G của ngành viễn thông
Trên cơ sở UMTS, ETSI và 3GPP, các tổ chức di động thế giới đã phát triển thành HSPA (High-Speed Packet Access), HSPA+, dual-carrier HSPA+ và HSPA+ Evolution. Tốc độ của các mạng mới này rõ ràng là nhanh hơn rất nhiều so với mạng 3G nguyên bản nên người ta gọi chúng là thế hệ 3.75G.
Tốc độ của HSPA+ quá nhanh, thậm chí còn vượt qua cả LTE và WiMAX đời đầu. Do đó, một số nhà khai thác (chẳng hạn như T-Mobile ở Mỹ) đã không bắt đầu ngay việc xây dựng LTE. Thay vào đó, họ nâng cấp HSPA hiện tại lên HSPA+. Trung Quốc cũng có lựa chọn tương tự vào thời điểm đó.
Kỷ nguyên 4G của ngành viễn thông
Năm 1999, Ủy ban Tiêu chuẩn IEEE đã thành lập một nhóm làm việc để phát triển các tiêu chuẩn mạng không dây khu vực đô thị. Năm 2001, phiên bản đầu tiên của IEEE 802.16 chính thức được phát hành và sau đó được phát triển thành IEEE 802.16m. IEEE 802.16 sau này được biết đến rộng rãi với tên gọi WiMAX (Worldwide Interconnection for Microwave Access).
WiMAX đã giới thiệu các công nghệ tiên tiến như MIMO (đa ăng-ten) và OFDM (ghép kênh phân chia theo tần số trực giao). Tốc độ tải xuống cao hơn đáng kể và điều này gây nhiều áp lực lên 3GPP.
Do đó, trên cơ sở UMTS, 3GPP đẩy mạnh việc giới thiệu LTE (MIMO và OFDM) để cạnh tranh với WiMAX. Sau đó, nó tiếp tục phát triển thành LTE-Advanced (2009) và tốc độ được tăng lên nhiều lần.
Năm 2008, Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU đã ban hành các yêu cầu mà tiêu chuẩn 4G phải tuân theo và đặt tên là IMT-Advanced. Chỉ có LTE-Advanced của 3GPP, 802.16m của IEEE và TD-LTE-Advanced do Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đệ trình mới thực sự đủ điều kiện. Nói cách khác, chúng là chuẩn 4G thực sự.
Vào ngày 14/12/2009, mạng dịch vụ LTE thương mại đầu tiên trên thế giới đã được khai trương tại Stockholm và Oslo. Thiết bị mạng đến từ Ericsson và Huawei, trong khi thiết bị đầu cuối người dùng đến từ Samsung.
Sau một cuộc chiến tranh công nghiệp khốc liệt, LTE cuối cùng đã đánh bại WiMAX và nhận được sự ủng hộ, công nhận trên toàn thế giới. WiMAX nhanh chóng bị lãng quên sau đó.
Kỷ nguyên 5G
Chúng ta không cần phải nói nhiều về sự phát triển 5G, phải không? Mỗi chúng ta là một nhân chứng của giai đoạn lịch sử này. Mạng di động thế hệ mới nhất đang được triển khai và mở rộng từng ngày trên toàn thế giới.
Tương lai của ngành công nghiệp di động sẽ đi về đâu? Chưa ai có thể khẳng định được nhưng chắc chắn 5G chưa phải là đích đến cuối cùng mà ngành công nghiệp này hướng đến.
(Theo VnReview)
Không chỉ 5G, thời đại của Wi-Fi 6E đã đến
Hé lộ từ năm ngoái, những dòng sản phẩm hỗ trợ Wi-Fi 6E đầu tiên đã sắp có mặt trên thị trường với giá bán lẻ không dưới 500 USD.