- Dù đã lường trước tính khốc liệt ở sân chơi Asiad, nhưng những khó khăn mà đoàn TTVN đang đối mặt có lẽ vượt ngoài tưởng tượng của người trong cuộc. VĐV Việt Nam không có nhiều người ở đẳng cấp tầm thế giới, trong khi không phải lúc nào may mắn cũng mỉm cười. 

Các niềm hy vọng vàng rơi rụng

Sau kỳ Asiad 2014 chỉ giành duy nhất 1 tấm HCV của võ sĩ Dương Thuý Vi, lần tham dự Á vận hội này đoàn TTVN mạnh dạn đặt mục tiêu 3-5 HCV. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, ngay cả khi các VĐV trọng điểm vừa có một kỳ SEA Games 2017 rất thành công, đặc biệt là ở các môn Olympic.

Asiad còn đó những sự cố về công tác tổ chức, nhưng khi bước ra thảm đấu, sân chơi này vẫn cho thấy tính cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt.

{keywords}
Dương Thuý Vi không bảo vệ được tấm HCV Asiad nằm trong dự đoán của giới chuyên môn. Ảnh S.N

Dù đã lường trước những khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý, nhưng không thể phủ nhận nhiều VĐV Việt Nam vẫn bị “khớp” khi bước vào tranh tài. Điều đáng nói, những VĐV này có không ít là niềm hy vọng vàng.

Hoàng Xuân Vinh một lần nữa thất bại cay đắng ở Aisad, dù anh đang là đương kim vô địch Olympic. Giới chuyên môn cho rằng Hoàng Xuân Vinh đã qua thời đỉnh cao nhất của mình ở Rio, giờ anh thi đấu chỉ là chỗ dựa về tinh thần cho lớp trẻ.

Ánh Viên cũng thất bại khó tin ở nội dung sở trường 400m hỗn hợp. Nếu bơi đúng với thông số như tập luyện, ít nhất VĐV người Cần Thơ đã có thể giành HCB. Sau phần thi không đạt thành tích như mong muốn, Ánh Viên đã bật khóc, lặng lẽ cùng thầy rút lui về làng VĐV. 

{keywords}
Gương mặt thẫn thờ của Ánh Viên khi thành tích của cô kém hơn rất nhiều so với tập luyện. Ảnh S.N

Ở những niềm hy vọng khác, Thuý Vi (wushu) đã có tuổi nên không thể bảo vệ tấm HCV, vốn rất mong manh bởi đây là môn chấm điểm cảm tính. Thạch Kim Tuấn giành HCB cũng không phải là bất ngờ khi đối thủ của anh là VĐV CHDCND Triều Tiên đang là ĐKVĐ Olympic.  

Cũng ở môn cử tạ, Trịnh Văn Vinh (hạng 63kg) đã không thể có cú đẩy thần kỳ như ở SEA Games khi quyết định nâng 13kg để đánh bại VĐV chủ nhà Indonesia, qua đó giành HCB.

Trong khi đó, cua-rơ Nguyễn Thị Thật thất bại ở cự ly 104 km xe đạp đường trường cá nhân do kiệt sức ở đoạn về đích vì đường đua khốc liệt, nhiều dốc ở Indonesia. Tay đua này thậm chí chỉ về thứ 5, thua xa so với thành tích HCB tại Asiad cách nay 4 năm. Việc Nguyễn Thị Thất thất bại ở nội dung sở trường đồng nghĩa với một "hy vọng vàng" của đoàn TTVN rơi rụng.

Nhìn nhận về những niềm hi vọng đều hụt vàng, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho hay: "Thất bại của Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên là bình thường. 

Asiad là sân chơi khốc liệt nên việc các VĐV được kỳ vọng thất bại không có gì là bất ngờ. Tất cả họ cố gắng hết sức rồi. Chúng ta đặt ra chỉ tiêu cho VĐV để họ phấn đấu chứ đoàn thể thao Việt Nam không tạo sức ép gì với VĐV. Chúng tôi hoàn toàn để họ có tinh thần thoải mái, thi đấu mà không chịu sức ép nào về thành tích".

Còn những niềm hy vọng nào?

Trong những ngày sắp tới, đoàn TTVN vẫn còn một số gương mặt xuất sắc ở điền kinh, karate, pencak silat, wushu (tán thủ), xe đạp, vật… nhưng khả năng hoàn thành chỉ tiêu 3-5 HCV là rất khó. 

{keywords}
Tú Chinh và các VĐV điền kinh sẽ bước vào thi đấu trong ít ngày tới

Asiad trôi đi từng ngày trong cơn khát HCV, khiến áp lực càng đè nặng lên các VĐV cũng như lãnh đạo đoàn TTVN.

Tất nhiên, sẽ chẳng ai trách các VĐV Việt Nam nếu không giành huy chương bởi dù sao họ cũng đã chiến đấu hết sức mình. Chính Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhấn mạnh rằng các VĐV hãy thi đấu hết khả năng, còn nếu đối thủ mạnh hơn ta, không gặp may mắn, thì thất bại cũng phải chịu!.

Chia sẻ với VietNamNet, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhấn mạnh: "Các VĐV Việt Nam dù có đạt hay không đạt thành tích cao đều đã cố gắng hết sức. Asiad vẫn còn gần 10 ngày thi đấu nữa, và tất cả các đội tuyển đều đang có quyết tâm cao nhất sẽ có HCV".

Giờ là lúc đoàn TTVN cần vứt bỏ những nỗi lo về nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu HCV, để dồn sức cho những trận đánh quyết định phía trước.

Song Ngư (từ Indonesia)