- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trung ương Lê Hồng Anh khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn coi Thông tin và Truyền thông là một "ngành quan trọng hàng đầu để hình thành xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là yếu tố có ý nghĩa chiến lược, góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và tăng năng suất, hiệu quả lao động xã hội".
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trung ương Lê Hồng Anh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Ngành Bưu điện. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Sáng nay, Lễ Kỷ niệm và phát hành đặc biệt bộ Tem 70 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam, 68 năm ngày thành lập Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam (15/8/1945 - 15/8/2015) đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội.
Tái cấu trúc, vươn ra quốc tế
Sau 70 năm hình thành và hoạt động, ngành bưu điện, thông tin, truyền thông đã không ngừng đổi mới và hội nhập, với thành tựu quan trọng là đổi mới cơ cấu tổ chức, tách riêng lĩnh vực quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tháng 8/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập, tăng cường tạo dựng môi trường pháp lý, xây dựng và ban hành nhiều văn bản Luật như: Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện, Xây dựng Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về viễn thông công nghệ thông tin, truyền thông vào năm 2020 Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, từng bước hình thành các Tập đoàn, Tổng công ty lớn. Trong đó, VNPT với Vinaphone, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Mobifone... là những đơn vị chủ lực thúc đẩy thị trường phát triển.
Lĩnh vực viễn thông đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 40% đến 50%. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông năm 2014 đạt gần 305.000 tỷ đồng; nộp ngân sách ước đạt 26.000 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng thông tin truyền dẫn hiện đại công nghệ IP, mạng cáp quang băng rộng, mạng thông tin di động 2G/3G, hệ thống vệ tinh Vinasat 1 và 2 phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và nhiều nước trong khu vực... Lĩnh vực công nghệ thông tin đã có chuyển biến và phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài với trị giá hàng tỉ USD; tăng trưởng doanh thu toàn ngành giai đoạn 2010-2014 đạt mức từ 20 25%.
|
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Lễ Kỷ niệm. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đánh giá quyết định thành lập "Ban Giao thông chuyên môn" ngày 15/8/1945 của Hội nghị toàn quốc ĐCS Đông Dương là một mốc son lịch sử. "Sinh ra từ nhu cầu của Cách mạng, trưởng thành và phát triển lên để phục vụ Cách mạng; trong hai cuộc kháng chiến gian khổ và oanh liệt, lực lượng cán bộ ngành Bưu điện ở cả hai miền Nam - Bắc đã không tiếc xương máu để giữ vững mạch máu thông tin, liên lạc thông suốt, đảm bảo vận chuyển công văn, tài liệu của Đảng và Nhà nước an toàn, bí mật và kịp thời. Những chiến công thầm lặng đó góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc. Gần một vạn cán bộ, công nhân viên ngành Bưu điện đã anh dũng hy sinh anh dũng trên khắp các chiến trường".
Bước vào giai đoạn mới , mạng lưới viễn thông đã được số hóa, tự động hóa hoàn toàn, thị trường phát triển nhanh, nhiều dịch vụ mới được cung cấp cho xã hội, mở rộng vùng phục vụ, bắt đầu hình thành một số doanh nghiệp mới trong lĩnh vực viễn thông, CNTT. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn hạ giá thành, tự tin và chủ động hội nhập quốc tế, Bộ trưởng phân tích. Ứng dụng những thành tựu của viễn thông - công nghệ thông tin trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thuế, hải quan, các dịch vụ hành chính công... hình thành chính phủ điện tử không chỉ tạo thuận lợi cho người dân trong việc thụ hưởng các tiện ích đối với mọi mặt đời sống xã hội, mà còn góp phần quan trọng trong việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Cùng với Bưu chính, Viễn thông, CNTT; lĩnh vực báo chí, xuất bản đã không ngừng phát triển cả nội dung và hình thức, số lượng và chất lượng. Cả nước hiện có gần 850 cơ quan báo, tạp chí in; 66 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương với 181 kênh phát thanh và truyền hình quảng bá, 40 kênh truyền hình nước ngoài; 100 cơ quan báo điện tử, trên 2.000 trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội với trên 18.000 phóng viên, nhà báo được cấp thẻ đang hoạt động trong nước và ở nước ngoài.
Với những thành tích đạt được, Ngành vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập và nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới...
Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu to lớn, trong quá trình phát triển của mình, Ngành Thông tin và Truyền thông gặp không ít những khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt và trước những yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế, ông chỉ ra. Nhiều doanh nghiệp chủ lực của Ngành vừa phải duy trì sản xuất, kinh doanh bảo đảm không gián đoạn trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội; vừa tiến hành quá trình tái cơ cấu thành công với những bước chuyển biến đầy ấn tượng như: tái cấu trúc VNPT với việc đưa Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ra hoạt động độc lập; thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone để khẳng định vai trò và tăng cường hiệu quả hoạt động của một nhà mạng độc lập, góp phần hình thành thị trường viễn thông, CNTT phát triển bền vững theo tinh thần Quyết định số 32/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch thị trường viễn thông Việt Nam đến năm 2020.
Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức
Để khắc phục những thách thức nói trên, đồng thời tận dụng thời cơ, tiếp tục đổi mới và phát triển bền vững, Bộ tưởng đã chỉ ra một số nhiệm vụ cơ bản mà ngành TT&TT cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên số một chính là phát triển ngành công nghiệp CNTT thành một ngành kinh tế kỹ thuật trọng điểm. Bên cạnh đó, cần phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Việc ứng dụng có hiệu quả CNTT trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội cũng cần được đẩy mạnh để tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần cải cách hành chính hiệu quả. Quá trình tái cấu trúc lĩnh vực bưu chính viễn thông cần tiếp tục được triển khai quyết liệt, tiếp tục phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng.
Riêng trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, cần giúp toàn xã hội nhận thức sâu sắc về tình hình thế giới, trong nước, những thuận lợi, khó khăn, những thời cơ và cả những thách thức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng; đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai trái, các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Đánh giá ngành TT&TT là "Một trong những ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới đất nước", Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trung ương Lê Hồng Anh khẳng định, bước vào những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước, ngành bưu điện còn rất nghèo nàn, lạc hậu nhưng với truyền thống sáng tạo, tự lực," tự cường, kiên quyết bứt khỏi cơ chế cũ, Ngành đã chủ động thực hiện đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, hiện đại hóa mạng lưới viễn thông quốc gia một cách nhanh chóng, ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển đất nước".
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trung ương Lê Hồng Anh chụp ảnh lưu niệm cùng các lãnh đạo ngành Bưu điện qua các thời kỳ Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Có ấn tượng sâu sắc với những thành tựu phát triển vượt bậc của ngành TT&TT, Thường trực Ban bí thư Trung ương Lê Hồng Anh nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn coi TT&TT là một "ngành quan trọng hàng đầu để hình thành xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là yếu tố có ý nghĩa chiến lược, góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và tăng năng suất, hiệu quả lao động xã hội".
Tái khẳng định cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông là hạ tầng kinh tế - xã hội được ưu tiên phát triển, đảm bảo công nghệ hiện đại, quản lý khai thác có hiệu quả, ông cho rằng phát triển cơ sở hạ tầng TT&TT phải đi trước một bước nhằm tạo cơ sở cho phát triển và ứng dụng CNTT&TT. Chính vì thế, trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thường trực Ban bí thư Trung ương Lê Hồng Anh "nêu đề bài" cho ngành TT&TT, việc tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu quả, Đẩy mạnh phát triển CNTT&TT, sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT&TT trong khu vực và trên thế giới được nhắc đến đầu tiên.
Song song với đó, ngành TT&TT cần không ngừng đổi mới sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý, năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Xây dựng mối quan hệ hợp tác cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật giữa các doanh nghiệp CNTT&TT. Trên cơ sở đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo sự chủ động trong hội nhập quốc tế.
Nhiệm vụ thứ ba là tăng cường công tác nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ, tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực của ngành TT&TT. Tăng cường công tác thực thi, công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cũng cần được chú ý do nhu cầu nhân lực rất lớn của ngành. Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội cũng cần được quan tâm thường xuyên.
Thường trực Ban bí thư Trung ương Lê Hồng Anh tin tưởng rằng với truyền thống vẻ vang và sức sáng tạo đổi mới của mình, ngành TT&TT sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công phương châm hành động "Đoàn kết, trí tuệ, Đổi mới, Hội nhập và Phát triển", đạt được những kết quả to lớn hơn nữa để sớm đưa VN trở thành một nước mạnh về CNTT & Truyền thông.
T.Cầm - Ảnh: Lê Anh Dũng