Giới doanh nhân rất kỳ vọng vào chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barrack Obama tới Việt Nam. Đây được xem là thời khắc thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư Việt - Mỹ bùng nổ với chìa khóa TPP - một di sản của thời ông Obama.
'Chìa khóa' TPP
Khi ông Obama có chuyên thăm Việt Nam thì Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, ở Việt Nam, văn kiện TPP cũng đã được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt thông qua. Giới doanh nhân hai nước đang kỳ vọng, TPP chính thức có hiệu lực sẽ là chìa khó quan trọng thúc đẩy giao thương giữa 2 nước.
Riêng đối với Obama, TPP là một di sản quan trọng mà ông đã theo đuổi và thúc đẩy trong suốt 2 nhiệm kỳ tổng thống của mình. Hơn ai hết, ông rất trông đợi thời điểm TPP chính thức có hiệu lực. Còn phía Việt Nam cũng trông đợi TPP mang lại những cơ hội đột phá mới cho nền kinh tế.
Tại họp báo thông báo kết quả hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang trưa 23/5, Tổng thống Obama cho biết, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được nhiều thượng nghị sĩ ủng hộ và tin tưởng hiệp định sẽ được thông qua.
“Tôi tin tưởng nó sẽ được hoàn thành vì nó tốt cho Mỹ, cho khu vực và cho cả thế giới”, Tổng thống Obama chia sẻ.
Chuyến thăm châu Á, trong đó có Việt Nam lần này được xem là nỗ lực ngoại giao nổi bật trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Obama nhằm triển khai chính sách “xoay trục châu Á” và TPP là một trong những điểm nhấn của chinh sách này.
Cũng tại cuộc họp báo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, TPP là thỏa thuận liên kết thương mại và kinh tế lớn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam cũng như khu vực. Việt Nam tích cực chuẩn bị phê chuẩn TPP và cam kết sẽ thực hiện các điều khoản trong Hiệp định.
Tổng thống Mỹ Barrack Obama thăm Việt Nam. |
Nhiều chuyên gia cho rằng, TPP sẽ là cầu nối gắn kết lớn nhất giữa 2 nền kinh tế Mỹ và Việt Nam. Chuyến thăm của Tổng thống Obama còn là động lực khiến các nhà đầu tư Mỹ tăng cường rót vốn vào Việt Nam.
CNBC cho rằng, TPP sẽ dẫn nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam sang một giai đoạn phát triển mới sau 7 năm phát triển với tốc độ nhanh hàng đầu thế giới vừa qua.
“Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn nhất từ TPP. Lĩnh vực dệt may sẽ được hưởng lợi nhờ vào việc giảm thuế ngay tức thì khi vào Mỹ và một số thị trường khác”, chuyên gia tư vấn chính sách Eric Shimp tại công ty luật Alston & Bird nói trên CNBC.
Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, nước Mỹ trong năm 2015 mua gần một nửa hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Ưu đãi về thuế theo TPP (giảm từ khoảng 20-30% như hiện nay dần về 0%) được xem là yếu tố thuận lợi cho DN dệt may tại Việt Nam mở rộng thị phần tại Mỹ.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính TPP có thể góp 10% tăng trưởng vào GDP của Việt Nam tính tới 2030 và sự trì hoãn của hiệp định này có thể ảnh hưởng tới xấu tới xu hướng nổi lên của Việt Nam.
Tổng thống Obama tin tưởng TPP sẽ được thông qua và có lợi cho các nước thành viên. |
Về quan hệ giữa 2 nước, tại cuộc họp báo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho hay, sau hơn 20 năm, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao 1995 tới nay, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có bước tiến quan trọng trong nhiều lĩnh vực.
“Về kinh tế, kim ngạch thương mại giữa 2 nước tăng vọt lên 44 tỷ USD vào năm 2015. Hoa Kỳ là nhà đầu tư lớn thứ 7. Hy vọng, Hoa Kỳ sớm là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong làn sóng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ vào Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính tới tháng 4/2016, các NĐT Mỹ đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 12 tỷ USD, với nhiều công ty Mỹ như: Intel, Microsoft, Ford Motors, AIG, Ford và General Electric...
Ngay trước cuộc họp báo, một bản hợp đồng trị giá 11,3 tỷ đã được Vietjet Air và Boeing ký trưa 23/5 tại Phủ Chủ tịch dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama.
Chiều 23/5, Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức sự kiện tiếp xúc doanh nghiệp tại Hà Nội. Hội nghị chứng kiến các lễ ký kết các hiệp ước về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch; Thay đổi khí hậu tại ĐBSCL; Hợp tác nghiên cứu hạ lưu sông Mê Kông.
Đồng thời nhiều hợp tác lớn cũng được khởi động như: Biên bản ghi nhớ GE về phát triển 1.000MW điện gió; Thỏa thuận hợp tác dự án năng lượng mặt trời giữa First Solar và Thiên Tân; Hợp tác Chiến lược giữa PetroVietnam với Honeywell và Murphy; Biên bản ghi nhớ về Nhà máy Biomass Minnesota. Bên cạnh đó, còn có lễ ký kết các dự án đầu tư tương lai gồm: Biên bản ghi nhớ The Grand Hồ Tràm Strip phát triển tháp khách sạn thứ 2...
Hợp tác giữa các DN Việt Nam và Hoa Kỳ được đẩy mạnh. |
Việt Nam hiện là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, thu hút nhiều công ty Mỹ như: Intel, Microsoft, Ford Motors và General Electric... Tổng thống Obama tin tưởng các DN lớn của Mỹ sẽ đến Việt Nam để thúc đẩy sự sáng tạo.
Hãng tin Reuters nhận định chuyến thăm 3 ngày là một quãng thời gian khá dài đối với một chuyến công du nước ngoài của tổng thống Mỹ và nó thể hiện ông Obama rất coi trọng việc mở rộng quan hệ với Việt Nam.
Trong năm 2014 và 2015, Việt Nam đã đứng đầu Đông Nam Á về thị trường xuất khẩu sang Mỹ. Và chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama được kỳ vọng sẽ càng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, phát triển quan hệ thương mại - đầu tư Việt - Mỹ bước vào một giai đoạn bùng nổ mới sau BTA và WTO.
V. Hà