Từ chiếc lò xo mang tên T&T Group…

Liên tiếp đưa 4 nhà máy điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất lên tới 245 MWp - đó là con số ấn tượng mà T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã thực hiện trong năm bản lề 2020. Thế nhưng, rất ít người biết được, để cán đích con số 245 MWp ấy, T&T Group đã dành rất nhiều năm để chuẩn bị và sẵn sàng cho “sân chơi” mang tên năng lượng. Nhiều chuyên gia cho rằng, giống như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, 2020 chính là thời điểm doanh nghiệp của “bầu Hiển” bật lên mạnh mẽ.

Không phải tới năm 2020, T&T Group mới bắt đầu bước chân vào địa hạt năng lượng. Trước đó, tập đoàn này đã có thời gian dài nghiên cứu thị trường, chuẩn bị các bước đi bài bản, sẵn sàng đón đầu khi cơ hội tới.

Từ 10 năm trước, bám sát chủ trương của Chính phủ, T&T Group đã bắt tay vào việc hoạch định chiến lược cho sân chơi khi đó vẫn còn rất mới mẻ. Vào thời điểm đó, theo “Quy hoạch tổng thể Phát triển năng lượng tái tạo”, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, sản lượng điện tái tạo chiếm khoảng 5% tổng nguồn điện, trong đó sẽ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo theo hướng thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời…

Trong đó, tiềm năng về năng lượng mặt trời của Việt Nam tương đối phong phú, với ánh nắng trung bình hàng năm là 4,5 kWh/m2/ngày, trên toàn quốc. Đặc biệt, tiềm năng này ở các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ, nơi có tỷ lệ bức xạ ổn định quanh năm là rất lớn.

Về năng lượng gió, tiềm năng của nguồn năng lượng này tại các khu vực với tốc độ gió là 3m/giây được đánh giá là 600 MW. Đây cũng được coi là hướng đi bền vững hơn trong bối cảnh các chuyên gia trong và ngoài nước liên tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ mất an ninh năng lượng từ các nguồn truyền thống khác.

Quá trình tích lũy và chuẩn bị các nguồn lực để tham gia lĩnh vực năng lượng của T&T Group được ví như một chiếc lò xo được nén lâu ngày và thực sự “bật tung” sau gần một thập kỷ.

Từ đầu năm 2020, T&T Group đã đẩy mạnh quyết tâm phát triển năng lượng và cho thấy hướng đi đúng đắn, hiệu quả của một trong những lĩnh vực kinh doanh trọng điểm của tập đoàn. Dấu ấn nổi bật nhất trong lĩnh vực này phải kể đến dự án nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (tỉnh Ninh Thuận) khi công trình này chính thức khánh thành chỉ sau gần 4 tháng thi công xây dựng. Cuối tháng 6/2020, dự án đi vào hoạt động và hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia, vượt kế hoạch 15 ngày. Với công suất 45 MWp, ước tính trung bình mỗi năm, dự án điện mặt trời Phước Ninh sẽ cung cấp cho ngành điện quốc gia khoảng 75 triệu kWh.

{keywords}
Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh có công suất 45MW với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, mỗi năm sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 75 triệu kWh/năm.

Đánh giá cao sự xuất hiện của T&T Group - nhà đầu tư giàu tiềm năng với ngành điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, với nhu cầu điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 dự báo tăng khoảng 8,5%/năm; mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 5.000-6.000 MW điện trong giai đoạn này. Dự án điện mặt trời Phước Ninh được đưa vào sử dụng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành, của tỉnh Ninh Thuận cũng như Tập đoàn T&T Group đối với sự phát triển năng lượng tái tạo.

… đến chuỗi dự án liên tiếp hòa lưới điện quốc gia

Phước Ninh chỉ là dấu mốc đầu tiên trên con đường đua năng lượng của T&T Group. Đà tích lũy trong tròn một thập kỷ tiếp tục đưa T&T cán đích một loạt những cột mốc đáng tự hào. Ngay sau Phước Ninh, tập đoàn còn khởi công liên tiếp các dự án điện mặt trời khác tại Ninh Thuận và Bình Thuận với tổng công suất khoảng 300 MWp.

Trong số này, đến cuối tháng 12/2020, tại Ninh Thuận 2 nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 (có công suất 100 MWp) và Thiên Tân 1.3 (công suất 50 MWp) đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.

{keywords}
Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 nằm tại xã Phước Hà, xuyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có công suất 100 MWp

Tại tỉnh Bình Thuận, tháng 8/2020, T&T Group bắt đầu triển khai xây dựng dự án nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3 với công suất 50 MW, và tới ngày 22/12/2020, nhà máy Hồng Liêm 3 hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần cung cấp sản lượng điện lớn để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

{keywords}
Nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3 do Tập đoàn Hawee làm tổng thầu thi công với công suất 50MWp, được xây dựng tại xã xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Như vậy, chỉ tính riêng trong năm 2020, T&T Group đã đưa vào vận hành 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 245 MWp. Trong các dự án này, T&T Group đều bắt tay hợp tác với các tổng thầu uy tín trong nước và thế giới, đảm bảo quy trình vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, các nhà máy điện mặt trời được ứng dụng các công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới, chất lượng vật liệu tốt, bền bỉ và thân thiện với môi trường như sử dụng các tấm pin quang điện, hệ thống Inverter chuỗi cho hiệu suất cao với hệ thống điều khiển tiên tiến, hiện đại.

Bên cạnh các dự án nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Tập đoàn T&T Group cũng đang nghiên cứu, có kế hoạch triển khai hàng loạt dự án nhà máy điện gió ở các địa phương giàu tiềm năng trên khắp cả nước, với tổng công suất lên tới 530 MWp. Theo dự kiến, các dự án này sẽ hòa lưới điện quốc gia vào tháng 10/2021, góp phần đưa T&T Group trở thành “ông lớn” số 1 về đầu tư điện gió trong tương lai. Đồng thời, T&T Group đã hoạch định chiến lược phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điện khí, cảng và trung tâm khí LNG đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 phù hợp với chiến lược và quy hoạch năng lượng quốc gia.

“Qua theo dõi và tiếp xúc, tôi nhận thấy ông Đỗ Quang Hiển là một trong những doanh nhân đi đầu ủng hộ chính sách trên với các dự án năng lượng sạch đang được triển khai”, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

Với các dự án năng lượng tái tạo hiện nay, T&T Group đã, đang và sẽ góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Về dài hạn, các dự án này sẽ đóng góp lớn vì mục tiêu ổn định an ninh năng lượng quốc gia, xây dựng nguồn năng lượng bền vững cho tương lai đất nước và mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống của người dân.

Minh Ngọc