Một số chuyên gia tài chính cho rằng để phát triển thị trường nhà giá rẻ thì việc hỗ trợ về lãi suất thôi chưa đủ. Hiện các gói tín dụng ưu đãi cho vay để mua nhà giá rẻ chỉ là giải pháp mang tính ngắn hạn, tạm thời, chưa có tầm nhìn dài hạn và định hướng để phát triển phân khúc này.

Theo TS. Trần Du Lịch, - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, trong 5 năm tới nhu cầu nhà giá rẻ tại TP.HCM sẽ vô cùng lớn. Chưa nói đến nhu cầu nhà ở của người nhập cư, chỉ riêng chương trình giải tỏa 22.000 căn nhà trên kênh rạch, di dời, cải tạo 474 chung cư cũ... đã tạo ra thị trường "mênh mông" cho các nhà đầu tư. Vấn đề còn lại là chính sách như thế nào để thu hút nhà đầu tư.

{keywords}
TS. Trần Du Lịch

"Chỉ nói riêng về kế hoạch di dời và xây mới hơn 400 chung cư cũ hiện nay trên địa bàn thành phố, nếu với cơ chế hiện nay thì hơn 100 năm nữa chúng ta cũng không làm xong", TS. Lịch nói.

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của thị trường bất động sản là việc gia tăng nhu cầu nhà ở rất lớn của các tầng lớp dân cư trước áp lực tăng dân số, nhất là tăng dân số cơ học. Hiện tại, tốc độ tăng dân số cơ học là 2,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng dân số tự nhiên 1,07%/năm.

Theo HoREA, có một phần lớn lượng người nhập cư TP.HCM chưa được thống kê trong các số liệu chính thức nhưng vẫn thường xuyên cư ngụ trên địa bàn thành phố và đã góp phần tạo áp lực lên quá trình phát triển đô thị và nhu cầu nhà ở của thành phố. Người dân nhập cư thường sống trong các khu nhà trọ, những ngôi nhà ven kênh rạch, các khu dân cư lụp xụp...

Trong khi đó, thị trường bất động sản đang có sự tăng trưởng nguồn cung rất lớn ở phân khúc bất động sản cao cấp nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ với giá bán hợp túi tiền của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị. Do đó, cơ hội để tiếp cận nhà ở của đối tượng người nhập cư rất xa vời.

Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, để phát triển thị trường nhà giá rẻ thì việc hỗ trợ về lãi suất thôi là chưa đủ. Hiện các gói tín dụng ưu đãi cho vay để mua nhà giá rẻ chỉ là giải pháp mang tính ngắn hạn, tạm thời, chưa có tầm nhìn dài hạn và định hướng để phát triển phân khúc này. Như gói 30.000 tỷ chỉ có giới hạn về số lượng và thời gian trong khi nhu cầu nhà ở thì bao la. "Những chính sách, kế hoạch mang tính đối phó, không phải chính sách trường kỳ", TS. Hiếu nói.

Bên cạnh gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, lãi suất ưu đãi dành cho các đối tượng quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm, được áp dụng đến hết ngày 31-12-2016 và áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016.

Tuy vậy, ông Hiếu cho biết thêm, các ngân hàng đều có quy định riêng của mình để bảo toàn đồng vốn khi cho người thu nhập thấp vay tiền mua nhà, nên những người có tài sản bảo đảm và nguồn thu nhập ổn định vẫn được quyết định cho vay nhiều hơn.

Như vậy, người không có tài sản bảo đảm và thu nhập chỉ từ 4-5 triệu đồng/tháng gần như không thể nào mua được nhà. Do đó, cần phải có chính sách chung quy định cụ thể về đối tượng, thời hạn cho vay, chứ không chỉ tập trung vào hỗ trợ lãi suất.

Ngoài ra, TS. Lịch đề xuất cần tiến tới một chính sách tín dụng là trừ khoản tiền mua nhà trả góp ra không đánh thuế cho đến khi nhận nhà. Chính phủ cần có những chính sách làm sao phát triển nhà ở cho thuê, còn đối tượng khác chuyển sang nhà giá thấp được hỗ trợ về ưu đãi thuế.

Theo Trí thức trẻ