Những câu chuyện thời sự nóng hổi như việc một quan chức có tên Trịnh Xuân Thanh mắc đầy khiếm khuyết trong quá trình công tác nhưng vẫn được cất nhắc tới vị trí phó chủ tịch tỉnh, hay dự án đầu tư nước ngoài mang tên Formosa để lại hàng loạt tác động nguy hại cho môi trường an sinh quốc gia đã được mổ xẻ, bàn luận ở nhiều góc độ.

Nhưng phía sau hai câu chuyện mang tính hiện tượng này liệu có những vấn đề nào liên quan tới... lỗi hệ thống hay không? Việc giám sát lãnh đạo cơ quan nhà nước và quyền được biết, quyền làm chủ thực sự của người dân trong các vấn đề lớn liệu có đang gặp phải những trục trặc đâu đó không? Đó là những vấn đề đặt ra trong buổi trò chuyện với TS Luật học Phạm Duy Nghĩa.

{keywords}
TS Phạm Duy Nghĩa: "Trong cách nói của quan chức hiện nay vẫn có thái độ xem người dân như người chưa trưởng thành"

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, tôi muốn bắt đầu câu chuyện với bối cảnh xã hội phong kiến - xã hội "vua bảo chết, thần không thể không chết" ngày xưa. Trong một xã hội - một cơ chế như vậy, có lẽ không ai đặt ra vấn đề phải giám sát tư tưởng, hành động của vua, ông nhỉ?

- Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa: Quả thật, quyền lực của nhà vua trong chế độ quân chủ là tuyệt đối và rất khó giám sát. Tuy nhiên, nếu anh đọc sử Việt Nam sẽ thấy người làm vua cũng không có nghĩa là có thể làm tất cả những điều mình muốn, quyền lực thực tế của nhà vua cũng bị giới hạn.

Ví dụ khi vua Tự Đức băng hà, người kế vị là Dục Đức được cho là đã tự ý sửa chữa, né tránh đọc di chúc của vua cha, và thế là hoàng tộc họp lại, quyết định nhà vua phải chết.

Một nhà nghiên cứu ở Hồng Công sau khi khảo sát xã hội Khổng giáo ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đã đưa ra kết luận là phương Đông có những thiết chế tựa như kiểm soát quyền lực, ràng buộc nhà vua. Vua phải học làm vua, có thầy dạy làm vua, vua phải chịu trách nhiệm trước tiền nhân, vua cũng phải có đạo lý mẫu mực của người làm con.

Và nếu anh nhìn vào cuối triều Tự Đức, anh sẽ thấy ngay cả khi nhà vua muốn cải cách cũng phải tham khảo ý kiến của quan các tỉnh, những giai tầng tinh hoa trong triều đình, xã hội thời đó.

Như thế, xét cả về mặt chính trị, kinh tế, đạo lý và thực tiễn thì quyền lực nhà vua vẫn có thể bị giới hạn. Anh nhìn sang phương Tây sẽ thấy sự giới hạn còn rõ hơn, ví dụ các đô thị tự quản, giới thương nhân giàu có giành được quyền lực, nhà vua Anh và nhiều vị vua châu Âu đã phải vay nợ của giới tư nhân, và nhà vua cũng bị ràng buộc bởi những khế ước của thành phố, thị dân cho vua vay. Khi ngân khố thâm thủng không thể nói quyền lực của vua là tuyệt đối.

- Những giới hạn, những ràng buộc là có, nhưng rõ ràng nó không xuất hiện như một nhu cầu lớn, dữ dội, mang tính quyết định. Tôi muốn hỏi ông là trong xã hội phương Đông chúng ta, khi nào những sự giới hạn, ràng buộc, giám sát này mới xuất hiện như một nhu cầu thật sự dữ dội?

- Phải đồng ý với anh một điểm là trong xã hội phong kiến phương Đông và Việt Nam thì nhà nước tự cho mình trách nhiệm dẫn dắt xã hội, và những vua chúa, quan lại tự cho mình là cha mẹ của dân. Thái độ đó đến tận bây giờ vẫn còn nếu anh nghe kỹ phát biểu của giới lãnh đạo - những người vẫn dùng những từ mà cá nhân tôi cho là hơi trịch thượng, như "chăm sóc cho dân", "chăm lo cho dân".

Nghĩa là trong cách nói này có thái độ coi dân như người chưa trưởng thành, thiếu hiểu biết, thế nên mới phải chăm sóc. Nho giáo dạy quan lại phải thương dân và góp phần tạo ra một đội ngũ quan chức có liêm sỉ, có khí tiết, nhưng đúng là không đủ sức để tạo ra một chính quyền phải biết tuân thủ ý chí nhân dân.

Còn trở lại với câu hỏi của anh, khi nào nhu cầu giám sát quan chức thực sự xuất hiện thì tôi cho rằng nó diễn ra ở Trung Hoa vào khoảng những năm 20 của thế kỷ XX với quan niệm "thiên hạ vi công" của Tôn Trung Sơn. "Thiên hạ vi công" nghĩa là mọi thứ quyền lực dưới gầm trời này là của chung, chứ không phải "thiên hạ vi quân", nghĩa là "thiên hạ của vua" như trước nữa.

Quan niệm này chịu ảnh hưởng bởi những tư tưởng dân chủ của nền cộng hoà có từ thời các thành quốc Hy Lạp cổ đại.

- Ông vừa đề cập một ý rằng thời buổi bây giờ không nên nói tới việc "chăm sóc, chăm bẵm nhân dân", vì phân tích kỹ nó phảng phất một màu sắc trịch thượng, vậy phải dùng những từ ngữ như thế nào đây?

- Theo tôi nên nói là phụng sự nhân dân, thậm chí tuân thủ nhân dân nữa. Ví dụ người dân chúng ta đã đưa ra những ý nguyện, thể hiện trong bản Hiến pháp 2013 và nhà nước cần phải tuân thủ ý nguyện đó.

- Như vậy, nếu ở xã hội quân chủ ngày xưa, việc giám sát vua chúa quan lại là có nhưng rất hạn chế thì sang thời "thiên hạ vi công" mọi thứ đã khác hẳn rồi. Còn bây giờ, tôi muốn dẫn chứng một ví dụ cụ thể liên quan tới câu chuyện đau lòng của nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang - Trịnh Xuân Thanh. Câu hỏi đặt ra là, trong trường hợp cụ thể này chúng ta đã giám sát quan chức như thế nào mà lại để một nhân vật mắc hàng loạt khiếm khuyết trong quá trình công tác vẫn có thể liên tục leo cao như thế? Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu luật pháp, ông có thể lý giải xem vấn đề nằm ở lỗi cá nhân - lỗi tập thể hay ở đâu?

- Trước hết phải cảm ơn báo chí và những phương tiện truyền thông nhân dân đa dạng khác đã làm những chuyện mà trước kia vốn ít người biết thì nay nhiều người biết hơn, những chuyện mà trước kia người ta lâu lâu mới biết thì nay đã biết thường xuyên, cập nhật hơn. Nhưng nhìn vào mặt thể chế, qua những vụ việc này chúng ta thấy rằng cần xem cách vận hành để giúp dân chúng chọn được những người thực tài, thực đức, có liêm sỉ và khát vọng cống hiến vào hệ thống.

- Về lý thuyết, khi ông Trịnh Xuân Thanh làm việc ở Bộ Công thương rồi tỉnh ủy Hậu Giang thì ở đây cũng có những cơ quan thanh tra, giám sát. Đảng cũng có ủy ban kiểm tra của Đảng. Như thế về lý thuyết, cách tổ chức hệ thống của chúng ta rất chặt chẽ, và với một hệ thống chặt chẽ như thế, thật khó để giới quan lại thực hiện những hành vi giả dối của mình...

- Về chữ nghĩa, trên báo chí thời nay hay có trào lưu sử dụng lại ngôn ngữ của thời thực dân và kể cả phong kiến. Dùng chữ tùy nhà báo, nhưng tôi phải nói, trên thực tế chúng ta không còn hệ thống quan lại nữa, bởi để làm quan ngày xưa thường phải trải qua hệ thống thi cử cạnh tranh rất cao và cũng rất bình đẳng. Con nhà nghèo nếu học giỏi, có thực tài vẫn có thể đỗ đạt làm quan, thường bắt đầu bằng một chức quan nhỏ như tri huyện.

Bây giờ để làm chủ tịch huyện, người ta đâu có phải trải qua những kỳ thi khốc liệt, minh bạch và cạnh tranh nữa đâu. Càng khó để con nhà nghèo, không có quan hệ nâng đỡ đáng kể gì có thể dễ dàng đứng đầu một huyện.

Tóm lại, khi đã dùng chữ của ngày xưa thì cũng phải thấy xấu hổ rằng mình chỉ vay cái sự khệnh khạng quyền uy của một thời mà nó trao cho ông quan thôi, chứ thực sự con đường để ông ấy làm quan thì mình ít nghiên cứu.

Đấy là chuyện "quan", còn chuyện "lại", hay công vụ cũng là một khái niệm mà bây giờ ta chưa hiểu rõ. Người làm quan là làm chính trị, tức là làm cho mọi sự trở nên ngay ngắn, thông qua các chính sách làm quan. Còn "lại" thuần túy là chức vụ trong nền công vụ, thực thi công việc mà ông quan giao cho. Nói thế để thấy thể chế ngày xưa, mặc dù chưa thật rõ, nhưng cũng có những nguyên lý trong phân công của nó.

Bây giờ trả lời anh, rằng thể chế hiện nay thiết kế như thế nào mà lại khó giám sát, phải nói là vấn đề anh đặt ra chỉ đúng một phần thôi, bởi trong hệ thống của chúng ta cũng có giám sát, cạnh tranh nội bộ chứ. Để có được một chức vụ trong hệ thống của chúng ta, người ta chắc cũng phải ganh đua ghê gớm trong nội bộ.

Cuộc đua đòi hỏi những kỹ năng, kỹ xảo để nhận diện cơ hội, nhận diện đối thủ, cạnh tranh để giành uy thế, để trở nên nổi bật, và cuối cùng là giành phiếu của những người có quyền ủng hộ. Làm chính trị chắc ở phương Đông hay phương Tây cũng đều như thế. Và tôi nghĩ trong cuộc cạnh tranh đó, các ứng cử viên tất yếu sẽ giám sát nhau.

Rồi đến vòng ngoài, cũng có khá nhiều cách giám sát, như báo chí, như người dân. Rồi Đảng cũng có hệ thống giám sát về kỷ luật Đảng, về nhân sự của Đảng, Chính phủ cũng có hệ thống giám sát của thanh tra, nội vụ...

Như vậy, có một hệ thống giám sát cốt lõi bên trong và cả các tổ chức xã hội bên ngoài, và chắc hệ thống đó cũng hoạt động với hiệu quả nhất định, vì như thế hệ thống mới tồn tại được. Cái gì tồn tại được thường phải có lý riêng của nó. Tuy nhiên, những vụ việc như của ông Trịnh Xuân Thanh cho thấy hệ thống của chúng ta cần phải được điều chỉnh, có những phần nên duy trì, song có những phần cần thay đổi.

- Sự thay đổi nằm ở đâu, thưa ông?

XEM TIẾP TẠI ĐÂY >>>

Theo Phan Đăng (An ninh Thế giới Cuối tháng)