Điều này khiến anh cảm thấy có chút “gờn gợn” trong lòng vì những kỳ vọng của cha mẹ vô tình có thể tạo ra áp lực cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời.
TS Nguyễn Chí Hiếu từng được biết tới là cựu sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004, theo kết quả của Hội đồng khảo thí A-level; top 100 sinh viên xuất sắc thế giới năm 2006 do Viện Giáo dục quốc tế IIE bình chọn. Anh lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ) và từng là thủ khoa MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) tại Đại học Oxford (Anh).
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Khai phóng tài năng: Áp lực hay đôi cánh cho con” do Trường Phổ thông Liên cấp Olympia tổ chức mới đây, TS Hiếu một lần nữa chỉ ra những mặt trái của việc luyện thi cũng như những ảnh hưởng tiêu cực từ áp lực về thành tích.
Thành tích không phải là thứ quan trọng nhất đối với một đứa trẻ
TS Hiếu cho biết, rất nhiều phụ huynh hiện nay đang kỳ vọng quá nhiều vào một đứa trẻ. Có những phụ huynh khi con vừa hoàn thành xong học kỳ I của năm lớp 1 đã vội vã đi săn tìm thầy cô luyện thi vào các trường chuyên cấp 2. Hay khi con còn chưa viết tròn chữ, họ đã tìm hỏi về việc thi Starters, Movers.
Thậm chí, bản thân anh gặp không ít phụ huynh có con mới chỉ học lớp 5, lớp 6, nhưng đã tính đến chuyện chuẩn bị cho con đi du học.
Theo TS Hiếu, điều này không khác gì chuyện luyện thi đại học, nhưng được bắt đầu ngay từ khi trẻ còn nhỏ và nhân lên trong suốt 12 năm phổ thông. Do đó, bản thân anh không lấy làm lạ khi có những học sinh dù mới học lớp 6, lớp 7, nhưng luôn cảm thấy không thích học nữa hoặc không tìm được động lực học tập.
“Tất cả những điều đó dẫn đến việc, khi bước chân vào trường đại học, học sinh thậm chí không biết mình có thực sự thích ngành học đó hay không. Chúng cũng không biết mình muốn gì, mình là ai”, anh Hiếu chia sẻ.
TS Nguyễn Chí Hiếu
Gần 20 năm đồng hành cùng học sinh ở các độ tuổi khác nhau, TS Hiếu nhận thấy, có những học sinh đạt điểm trung bình rất cao, có đủ IELTS, SAT và rất nhiều huy chương, giải thưởng, nhưng “phần lõi bên trong” lại quá mong manh, dễ vỡ. Do đó, dù đỗ vào các ngôi trường đại học hàng đầu, nhưng những học sinh này lại không thể trụ được trong môi trường ấy, không phải vì không có khả năng học tập, mà vì không có đủ bản lĩnh và sự vững vàng.
Nhưng ngược lại, có những bạn đạt IELTS 6.5 – 7.0, thành tích học tập không hẳn là kết quả mà nhiều phụ huynh mong đợi, tung hô; đỗ vào một trường đại học không phải top đầu, nhưng những học sinh ấy lại thực sự hạnh phúc và thành công ở đại học, ra trường cũng vào làm tại nhiều công ty công nghệ hàng đầu như Facebook, Google.
TS Hiếu cho rằng, điều đó có thể thấy, điểm số, thành tích không hẳn là một điều kiện tiên quyết. Trong nhiều trường hợp, đó đôi khi không phải là thứ quan trọng nhất đối với một đứa trẻ.
Luyện thi không giúp trẻ thành công
Có một thực tế, đến 94% người Mỹ vẫn tin rằng các trường đại học hàng đầu là nơi cần hướng đến và phải được đến. Nếu không vào được các trường đại học này sẽ là một thất bại.
Tuy nhiên, trong một khảo sát với 500 công ty hàng đầu thế giới, 90% lãnh đạo, các chủ doanh nghiệp, CEO đều cho rằng, 4 năm đại học chưa thực sự chuẩn bị cho sinh viên đầy đủ kỹ năng để bước ra ngoài thế giới. Bởi thực tế, rất nhiều sinh viên bước ra trường đều không có năng lực tự nghiên cứu, năng lực giao tiếp, năng lực phản biện và sáng tạo.
Với những con số ấy, TS Hiếu cho rằng, không thể đi theo cách luyện thi với niềm tin rằng, những đứa trẻ sẽ đi du học và thành công.
Anh Hiếu cũng chỉ ra, hiện nay, 80% việc học của học sinh trong trường trung học vẫn chỉ là học gạo, học kiến thức và ghi nhớ, trong khi những kiến thức ấy giờ đây có thể Google rất nhanh. Ngược lại, có không ít những kiến thức cơ bản trong cuộc sống, học sinh lại phải Google mới có thể tìm ra đáp án.
Cũng vì việc dạy chỉ ở trên bề mặt nên học sinh không hiểu bản chất vấn đề. “Ví dụ, hết thời phổ thông, tôi vẫn không hiểu được lượng giác là gì mặc dù đi thi tốt nghiệp môn Toán đạt điểm tuyệt đối. Sau này, tôi mới nhận ra cách học như thế càng ngày càng không ổn. Nó làm cho học sinh nhớ được các công thức nhưng lại không thể ứng dụng được.
Đôi khi, học sinh cũng không biết phương trình bậc hai để làm gì trong cuộc sống. Hay khi các bạn học tiếng Anh, ngữ pháp rất tốt, hỏi thì động từ nào cũng gọi được tên, nhưng đưa một bài viết và yêu cầu phá cách ngữ pháp thì học sinh không dám. Bởi vì, các em biết phải làm như thế này mới được 10 điểm và không dám làm khác đi”, TS Hiếu nói và cho rằng, cách học như vậy sẽ làm học sinh đi thụt lùi so với tốc độ phát triển của thế giới.
Thế giới đang tìm gì?
TS Hiếu cho hay, điều các nhà tuyển dụng cần tìm kiếm ở một người không phải những kiến thức trong sách vở mà là khả năng giao tiếp hiệu quả thông qua văn viết và văn nói.
“Học 12 năm ở Việt Nam, hầu hết học sinh chỉ làm ngữ pháp và viết theo những cấu trúc có sẵn để được điểm cao. Do đó, có những bạn thi IELTS viết được 7.0, nhưng khi được yêu cầu viết một bài thơ hay tản văn lại không thể làm nổi, do không biết… cấu trúc viết thế nào. Khả năng viết và giao tiếp hiệu quả chính là kỹ năng mà các nhà tuyển dụng và giáo sư đại học cho rằng, sinh viên hiện nay đang thiếu trầm trọng nhất”.
Thứ hai là kỹ năng làm việc nhóm và khả năng lãnh đạo. Theo TS Hiếu, thế hệ gen Z và gen Alpha lớn lên trong một xã hội mà họ chính là những công dân số, do đó sự tương tác giữa người với người hạn chế hơn. Điều này dẫn đến khả năng phối hợp và làm việc nhóm của thế hệ này có thể chưa thực sự tốt do chủ yếu tương tác với máy.
Tuy nhiên, đây không chỉ là hạn chế của riêng thế hệ này. Anh Hiếu nhớ lại thời điểm khi mình còn học tại Oxford. Trong học kỳ đầu tiên, khi chỉ học và làm những bài thi, trong top 20 của trường có tới 18 sinh viên là người châu Á. Nhưng đến học kỳ 2, sau khi hoàn thành hết những học phần nền tảng, chuyển đến phần thực tập và làm dự án theo nhóm, trong top 20 khi ấy rơi rớt chỉ còn 5 người. Do đó, anh cho rằng, khả năng làm việc nhóm cũng là một kỹ năng cần phải trang bị từ sớm, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Điều thứ 3 thế giới cần tìm kiếm, nhưng thế hệ ngày nay đang gặp phải rào cản chính là tư duy đa chiều, sáng tạo và phản biện. TS Hiếu cho rằng, điều này xuất phát từ việc 90% đề thi ngày nay, kể cả SAT, không phát triển tư duy phản biện và sáng tạo cho học sinh. Khi làm đề, học sinh chỉ cần nắm được kỹ thuật giải để chọn đáp án đúng. Do đó, việc luyện thi sẽ khiến một đứa trẻ luôn nghĩ làm sao để trả lời đúng và nhanh nhất thay vì dám phá bỏ lối mòn để thỏa sức sáng tạo.
Và cuối cùng, một điều mà trong thời buổi này rất cần, nhất là trong một xã hội ngày càng phức tạp, đó là đạo đức, độ tin cậy và tác phong chuyên nghiệp.
TS Hiếu cho rằng, giáo dục giờ đây cần phải lấp đầy những “khoảng trống” ấy ngoài việc dung nạp kiến thức cho học sinh. Có như vậy, học sinh mới có thể bắt kịp tốc độ vận hành và thay đổi của thế giới.
Thúy Nga
Con đạt 7.0 IELTS, phụ huynh vẫn như 'ngồi trên đống lửa'
Trước xu hướng tuyển sinh đại học bằng chứng chỉ IELTS, người “sốt cao” hơn cả chưa chắc đã là những thí sinh tương lai mà lại là phụ huynh.