Tương lai của vị tổng cục trưởng bên tờ quyết định năm 2000
Những năm 1995 trở về trước, thị trường viễn thông Việt Nam là sân chơi riêng của ông lớn VNPT. Năm 1995, SaigonPostel ra đời, với sứ mệnh phá thế độc quyền của VNPT, tạo nên sân chơi cạnh tranh hơn về viễn thông trong nước.
Tuy nhiên, thực tế, đến trước năm 2000, dù thị trường có thêm Viettel (giờ là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội) nhận được giấy phép kinh doanh vào năm 1995 – ngành viễn thông vẫn nằm hoàn toàn trong tay VNPT. Bởi hai công ty nhỏ vừa yếu về lực, vừa không có dịch vụ mới nào đủ bứt phá để có thể ngồi chung mâm, chia thị phần với “ông lớn”.
Chuyện chỉ đổi khác nhờ chữ ký trên giấy phép cung cấp dịch vụ VoIP đầu tiên và duy nhất lúc bấy giờ cho Viettel dưới cái tên của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực.
Khi đó, có lẽ, ngay cả người “nặng tâm tư” với ngành viễn thông Việt Nam là ông Trực cũng không ngờ tờ giấy phép đó mang sức mạnh khai phá lớn đến vậy. Bởi sau đó, nó đã tạo nên một trong những ngành hạ tầng kinh tế phát triển bậc nhất ở Việt Nam, cũng như làm lên công ty viễn thông số 1 thị trường.
Quay ngược lại khoảng thời gian gần 20 năm trước, chuyện một người vốn xuất thân từ VNPT, lại mới giữ cương vị Tổng cục trưởng 3 năm, ký một quyết định có phần “ủng hộ ngầm” cho doanh nghiệp mới bước chân vào ngành viễn thông chưa đầy 1 năm là điều khá lạ.
Để bảo vệ cho quyết định của mình, ông còn phải đối mặt với hàng loạt nghi ngờ từ khả năng thành công của Viettel, lợi ích cá nhân phía sau… Thậm chí cả tương lai chính trị của bản thân ông cũng được đem ra chất vấn.
Tuy nhiên, TS Mai Liêm Trực đã vượt qua tất cả những nghi ngờ đó bởi chủ trương của Đảng và Chính phủ thời kỳ đó là thúc đẩy cạnh tranh, chống độc quyền trong lĩnh vực viễn thông. Và vị lãnh đạo phụ trách ngành này đã bước qua những lợi ích cục bộ để tạo ra một lợi ích lớn hơn rất nhiều cho đất nước.
“Lúc ấy tôi cũng có ý ưu tiên cho Viettel, vì là doanh nghiệp mới, nếu không làm VoiP thì sẽ không bao giờ có vốn và có kinh nghiệm làm những dịch vụ khác. Và nếu Viettel không phát triển thì các giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông của Viettel, SaigonPostel…đồng nghĩa với chính sách mở cửa viễn thông sẽ chỉ để làm cảnh.
Nếu đi làm việc mà chỉ nhìn vào chân ghế thì sẽ không làm được gì cho công việc, cho đất nước và cho xã hội. Tôi không sợ mất chức, chỉ sợ mình không làm được việc tốt hơn”, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) tâm sự.
Kỷ lục hoàn vốn và cuộc cách mạng viễn thông giá rẻ
8h kém 15 phút ngày 15/10/2000, VTV phát đi clip quảng cáo “178 - mã số tiết kiệm của bạn”, chính thức ghi nhận việc Viettel nhảy vào cuộc chơi viễn thông kiểu mới. Sau Viettel và 178, VNPT cùng Saigon Postel cũng nhanh chóng tạo dựng dịch vụ VoIP của riêng mình. 171 của VNPT, và 177 của Saigon Postel cùng áp dụng block 1 + 1 (phút) tương tự Viettel.
Nhớ lại thời khắc lịch sử này, TS Mai Liêm Trực thấy như có luồng điện chạy trong người. Ông gọi tên cảm xúc lúc đó của mình là “mừng rỡ, bàng hoàng như bao lâu nay mình sống có một mình, bất giác bên cạnh lại xuất hiện một người nữa bằng xương, bằng thịt”.
Với thị trường viễn thông Việt Nam, sự xuất hiện của VoIP đã tạo nên một cuộc cách mạng về giá cước, mở đầu kỷ nguyên viễn thông giá rẻ cho mọi người, mọi nhà. Khi đó, giá cước cuộc gọi đường dài trong nước và quốc tế giảm mạnh, từ mức 4.820 đồng/phút về 1.818 đồng/phút (với cuộc gọi trong nước) và từ 2,9 USD/phút xuống 0,5 USD/phút cho VoIP 171 và 0,048 USD/ 6 giây cho VoIP 178 (với cuộc gọi quốc tế).
VoIP chứng tỏ mình là bước đi quan trọng trong ngành viễn thông Việt Nam khi giữ vai trò là “con gà đẻ trứng vàng” cho bất cứ công ty nào có được giấy phép triển khai, tạo nên thời đại tích luỹ vốn quan trọng của nhiều nhà cung cấp viễn thông và xác lập thói quen cho người dùng Việt. Với sự góp mặt của Viettel và Saigon Postel, ngành viễn thông Việt từ chỗ độc quyền, manh mún, lạc hậu đã trở nên cạnh tranh hơn, thúc đẩy sự phát triển của cả kẻ đi sau lẫn ông lớn đi trước.
Khi Viettel có được những thành quả đầu tiên, người cùng với nhà mạng này tạo nên kỳ tích lại bất ngờ nhắn nhủ “tôi không quan tâm tới mấy chục tỷ các anh thu được từ dịch vụ này, làm viễn thông là phải tính đến doanh thu hàng nghìn tỷ”, với mong muốn nhà mạng này sẽ vươn xa, vượt ra khỏi ranh giới là một công ty viễn thông nhỏ bé.
Kể từ đó, suốt 6 năm sau, Viettel luôn là đơn vị tiên phong giảm giá cước cho dịch vụ VoIP, nhằm mở rộng tệp khách hàng, tạo nên xu hướng dịch vụ mới. Từ block 30(s)+1, năm 2006, Viettel lần đầu tiên cho áp dụng cách tích block 6 (s)+1 (block gọi đầu tiên tính cước 6 giây, từ giây thứ bảy tiếp theo tính trên từng giây) cho tất cả ất cả các dịch vụ viễn thông mà Viettel đang cung cấp: Điện thoại đường dài trong nước; dịch vụ điện thoại đường dài trong nước và quốc tế VoIP 178, di động..., chính thức mở ra kỷ nguyên viễn thông giá rẻ cho người Việt.
Đánh giá về động thái này, ông Lê Đăng Dũng - Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel (một trong những người trực tiếp xây dựng đề án VoIP của Viettel), cho biết: “Từ khi bắt đầu làm viễn thông, chúng tôi đã muốn đem dịch vụ tới cho mọi người và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước chứ không coi đó là dịch vụ xa xỉ. Đó cũng là lý do Viettel luôn tiên phong giảm giá để người nghèo, người vùng sâu vùng xa cũng có thể dùng được dịch vụ viễn thông”.
Thực tế, rất ít người có thể ngờ được, thành công bất ngờ từ dịch vụ VOiP 178 đã giúp Viettel hoàn vốn đầu tư chỉ trong một ngày. Doanh thu từ VoIP đã giúp công ty quân đội này có vốn lận lưng tới 10 triệu USD để đầu tư cho thông tin di động, và trở thành bàn đạp cho bước nhảy vọt thần kỳ của Viettel sau này.