Trong ba huy chương vàng Olympic toán quốc tế 2013, có hai thuộc về học sinh
Trường THPT Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM). Vì thế thành quả chung đáng tự hào ấy còn là
niềm vui lớn của TS Lê Bá Khánh Trình, giảng viên khoa toán – tin học ĐH Khoa học tự
nhiên TP.HCM, người thầy đã 20 năm chuyên chở những chuyến đò, góp phần không nhỏ tạo
nên “những cậu bé vàng toán học”.
Anh đánh giá thế nào về thế mạnh của hai em Cấn Trần Thành Trung và Phạm Tuấn
Huy trong đội tuyển IMO kỳ này? Ngoài rèn luyện chuyên môn, các em đã được tiếp sức
như thế nào về tinh thần từ gia đình và các thầy cô?
- Qua quá trình tuyển chọn khắc nghiệt trong nước, Huy luôn tỏ ra là người chắc chắn,
toàn diện, vượt qua những vòng cuối với điểm số cao. Ngược lại Trung kết quả không
đều, nổi trội hơn ở hình học, nhưng biết người biết ta, rất cố gắng bổ sung, và có
quyết tâm cao. Điểm chung là hai em đều rất khiêm tốn và chịu khó học hỏi.
Chân dung hội họa: Hoàng Tường |
Tôi biết gia đình Huy và Trung không giàu có gì, lo vé máy bay cũng là một gánh nặng, nhưng vẫn cố gắng động viên để cha mẹ ra Hà Nội tiễn các em trước khi rời Việt Nam. Nhờ rút kinh nghiệm những lần trước, đoàn Việt Nam chuẩn bị rất chu đáo về hình ảnh, từ bộ vest đồng phục cho học sinh, thầy cô, đến mũ, cờ tổ quốc… nên xuất hiện trong lễ khai mạc và bế mạc rất trang trọng.
Có mặt trong thành phần ban giám khảo, anh đã tranh đấu khá quyết liệt cho thí
sinh Việt Nam có được sự công tâm cao nhất về điểm số?
- Đoàn Việt Nam kỳ này đứng thứ bảy trong các đội mạnh nhất, có nhiều đột phá phấn
khởi, nhưng vẫn có những sơ sẩy rất đáng tiếc.
Về Huy, bốn bài hoàn chỉnh, có một bài thì gần đến đích lại sai một con số. Ban đầu ban giám khảo cho ba điểm bài đó, nhưng tôi và anh Vinh phó đoàn đã tranh luận thẳng thắn với ban giám khảo để cùng xem lại, vì cách giải của em rất đẹp. Sau khi hội ý, ban giám khảo đồng ý cho em năm điểm.
Còn với Trung, ở bài thi khó nhất, em không chứng minh được, nhưng lại vạch ra kế hoạch chứng minh rất rõ ràng, thông minh. Lúc này, tranh luận giữa tôi và ban giám khảo quyết liệt hơn, cãi nhau dữ dội.
Rất may anh Vinh giỏi tiếng Anh, lại từng là thí sinh IMO, nên rất thuận lợi trong trao đổi để người ta hiểu mình hơn. Cuối cùng, ban giám khảo đồng ý cho Trung thêm một điểm, không ngờ đó là một điểm quyết định để em chạm vào tấm huy chương vàng.
- Sau cuộc thi, anh đã dùng những phút giây hiếm hoi còn lại nơi xứ người để truyền dạy các em điều gì?
Cuộc thi nào cũng có may rủi, có người vui kẻ buồn. Nhìn các em chờ đợi mình bên ngoài, có em đã khóc, tôi nghẹn ngào. Các em đã làm hết mình, các thầy đã cố hết sức, còn cuộc thi thì chỉ là… cuộc thi.
Mong muốn lớn nhất của tôi là tinh thần học tập và sự phấn đấu của các em. Cái được của chuyến đi này không phải ở những tấm huy chương mà là những điều các em được trải nghiệm thông qua việc giao lưu, sống trong tập thể… những điều sẽ giúp ích các em rất nhiều.
Làm thế nào để những tài năng trẻ ấy có thể theo đuổi con đường toán học tới bờ tới bến?
- Rất khó, nhất là thời buổi hiện nay, khi mọi thứ đều lấy thước đo bằng vật chất. Muốn đi đường dài, phải có chí hướng mong muốn truyền đạt lại, giải quyết vấn đề gì đó của toán học. Điều đó rất cần sự hướng dẫn, giao lưu quốc tế để tạo động lực và mảnh đất làm nghề. Tuỳ từng giai đoạn, những người thầy phải cho học sinh hiểu đúng mình đang ở đâu. Càng lên trên càng khó hơn nữa, để các em tự bươn chải cũng khó.
Quan trọng nhất là sự dấn thân. Thế hệ tôi do hoàn cảnh lịch sử, vấn đề tiền bạc, vật chất không áp lực như bây giờ. Làm ngành khác đem lại lợi nhuận nhanh hơn, công sức bỏ ra cũng không nhiều bằng nghiên cứu khoa học.
Chọn những công việc chuyên về suy luận, khoa học cơ bản, không chạy theo bề nổi đòi hỏi phải hy sinh nhiều thứ khác. Tuỳ thuộc vào sự chọn lựa, tư chất của mỗi người, để thấy mình được sống có ý nghĩa nhất, thanh thản nhất.
Chúng ta thường tự hào là có nhiều tài năng toán học trẻ, nhưng so với thế giới
vẫn còn khoảng cách xa. Theo anh, làm thế nào để rút ngắn khoảng cách này?
- Tính về số huy chương vàng năm nay: Mỹ: 5, Trung Quốc: 5, Nga: 5, Việt Nam: 3, có
vẻ chúng ta đang theo sát nút, nhưng khoan vội mơ chuyện thắng những nước mạnh như
Nga, Mỹ, Trung Quốc…
So với một số nước khu vực, chúng ta đang đối diện với sự cạnh tranh gay gắt. Mấy năm trước, chúng ta qua mặt một số nước, nhưng họ cũng không chịu thua đâu. Hàn Quốc, Indonesia cũng đang rút ngắn khoảng cách; Anh, Pháp, Canada, Úc… đang “phả hơi” sau lưng mình. Đừng để nước đến chân mới nhảy. Phải quyết tâm giữ được truyền thống, có cái nhìn chiến lược trong đào tạo, không thể tặc lưỡi “mình nghèo” rồi làm cho qua.
Cùng TS Trần Nam Dũng khởi xướng những diễn đàn toán học, chương trình Gặp gỡ
toán học thường niên, đó phải chăng là nỗ lực của riêng anh để xây dựng một tình yêu
toán học cho thế hệ trẻ Việt Nam?
- Các diễn đàn mạng diendantoanhoc.net, mathscope.org... là nơi các em có thể trao
đổi tài liệu, kinh nghiệm học tập dễ dàng và cởi mở. Gặp gỡ toán học là cơ hội để các
em tiếp xúc trực tiếp với các thần tượng của mình như GS Hà Huy Khoái, GS Nguyễn Văn
Mậu, GS Ngô Việt Trung, GS Đặng Đức Trọng, thầy Nguyễn Khắc Minh...
Tôi hy vọng tinh thần cộng đồng được truyền lửa từ các thế hệ đàn anh sẽ giúp các em sự hứng khởi nào đó trong việc học toán.
Anh Trần Nam Dũng có kinh nghiệm, xốc vác trong việc tổ chức, kêu gọi tài trợ. Mình chỉ là người xây dựng những bài giảng, động viên, chỉ dẫn các em. Khi nào anh ấy cần là tôi sẵn sàng có mặt. Trong mỗi bài giảng, mỗi lần trao đổi, tôi đều cố gắng khuyến khích các em tìm ra cái mới. Dạy toán học cũng giống như… vẽ tranh. Tôi chắt chiu, cố gắng vẽ lên một bức tranh, để các em có thể bổ sung cho bức tranh ấy trở nên lấp lánh, cân đối, hài hoà. Đó là cả một nghệ thuật. Nếu mình được vẽ tranh cùng với những người như Trung, như Huy, hẳn bức tranh sẽ rất đẹp.
Hai mươi năm theo đuổi nghiệp làm thầy, cách dạy của anh có gì khác biệt, để có thể tạo nên “những cậu bé vàng” cho toán học?
Dạy cho những trò giỏi là cả một sự thách thức, các em càng giỏi, mình học được càng nhiều. Nếu chỉ đọc tài liệu, dạy những cái có sẵn thì vô ích, bởi các em đều biết, có thể còn đọc tài liệu trước cả mình. Quan trọng là phải kích thích trí tưởng tượng các em bằng cách đặt vấn đề mới, từ đó xoay lật, tìm tòi những cái lạ, may ra mới tạo hứng thú. Buổi tối về nhà lúc nào cũng canh cánh, ăn không ngon ngủ không yên, nghĩ nát óc xem ngày mai mình có vấn đề gì mới để nói với các em? Đôi khi giống như cưỡi lên lưng cọp vậy đó. Nếu chỉ dạy những gì có trong sách là hại mấy em, làm sao nâng trình độ, mà sức người thì có hạn, rất khổ.
Dạy toán học cũng giống như… vẽ tranh. Tôi chắt chiu, cố gắng vẽ lên một bức tranh, để các em có thể bổ sung cho bức tranh ấy trở nên lấp lánh, cân đối, hài hoà. Đó là cả một nghệ thuật. |
Trong toán học tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hai người thầy. Người đầu tiên là thầy Trần Quốc Khải, một người rất độc lập. Lần đầu tiên tiếp xúc với những bài toán khó, lạ, chính thầy đã truyền cho tôi cách nghĩ mới, không theo khuôn mẫu. Sự phá cách hơi ngang tàng trong phong cách sống, miễn sao không ảnh hưởng đến ai của thầy cũng là một triết lý sống mà tôi thích thú.
Nước Nga là một nền văn hoá lớn đã sản sinh ra những tầm vóc khiến mình ngưỡng mộ. Thầy Andrey Alexandrovich Gontrar, phó chủ tịch viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, người hướng dẫn luận văn tiến sĩ của tôi là một người như thế.
Cách nói gãy gọn, đanh thép, thiên bẩm về sư phạm đã giúp ông biến những vấn đề rất khó trở nên vô cùng dễ hiểu. Cách xử thế đàng hoàng, phóng khoáng, rất quý tộc của ông luôn làm tôi ngạc nhiên.
Nhiều em học rất giỏi, nhưng do quá mải mê học mà trở thành những “chàng ngốc” khi đứng trước những thử thách của cuộc đời. Anh có thường chia sẻ với các em những kinh nghiệm sống của riêng mình?
- Rất tội nghiệp cho các em vì việc học đã chiếm quá nhiều thời gian và sức lực, không còn chỗ cho việc chơi, học hỏi những kỹ năng sống. Trong lời ăn tiếng nói, có khi phải dặn dò các em từng chút một. Ngoài phát triển tư duy, tôi muốn các em hiểu biết thêm nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như âm nhạc, thể thao. Tôi luôn đánh giá cao kỹ năng cảm thụ nghệ thuật của các em, khuyến khích các em hiểu biết những lĩnh vực khác, học hỏi thêm bên ngoài cuộc sống.
Đoàn học sinh thi Olympic Toán học quốc tế năm nay đoạt được 3 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc |
Con người lãng mạn, khoáng hoạt của anh có từ đâu?
- Thời học sinh trường Quốc học Huế, tôi từng hoà tấu guitar cổ điển bản Polonaise của Michal Kleofas Oginski. Khi học đại học Lomonosov, tôi là trưởng ban văn nghệ của sinh viên Việt Nam trong khoa toán – cơ. Nhớ nhất những ngày hội trường, tôi luôn nghĩ ra trò mới, khi thì hát dân ca trên nền nhạc piano, khi thì hát opera trên nền nhạc dân gian, khi diễn hài pha màu cải lương… Có những bài dàn dựng rất công phu, nên năm nào lớp cũng được giải nhất toàn trường. Cuộc sống xa nhà, những giây phút vô tư đó khiến chúng tôi gắn bó với nhau hơn, biết sống vì cái chung. Ngoài âm nhạc, tôi còn mê thể thao, nhất là bơi lội. Những hoạt động đó khiến mình thấy thoải mái hơn trước những con số.
Còn bây giờ, nhà trường cứ nhồi nhét kiến thức, mà không trang bị cho các em những hiểu biết nền tảng về hội hoạ, âm nhạc, thì làm sao các em phát triển toàn diện? Làm sao các em cảm thụ nhạc cổ điển, nhạc dân gian cổ truyền?
Là người sống lặng lẽ, kín đáo, anh có sợ những mặt trái của vinh quang?
- Vinh quang luôn có hai mặt, đôi khi cũng thấy bất tiện, nhưng là những trải nghiệm thú vị. Có những lúc tôi chỉ muốn ẩn dật đâu đó, nhưng lại có người quan tâm hỏi han, giúp đỡ, khiến tôi rất cảm động.
Tư duy là một quá trình lao động đầy bất ngờ, có những lúc mình làm việc rất cật lực, xông xáo, nhưng luôn vấp phải cái gì đó không như ý. Có những lúc tưởng như không làm gì, hoàn toàn rời khỏi sự động não, cái mới lại nảy sinh. Chính cái bất trắc, không biết điều gì sẽ đón mình ở chỗ nào của phía trước khiến cho cuộc đời thi vị.
Kỷ niệm nào anh nhớ nhất về cha mẹ, và coi đó như một bài học quý giá để truyền lại cho các con?
- Cha mẹ tôi rất tôn trọng sự tự do của các con, giáo dục con bằng tấm gương của mình, chứ không bằng lời nói. Cha tôi là thầy giáo trường y, một người thầy nghiêm túc, không tài hoa, nhưng biết bao điều tôi học được từ cha. Ông luôn cố gắng tự học, tự làm mọi thứ, không bao giờ để người khác giặt quần áo cho mình. Mẹ tôi lại là một típ người khác. Mẹ đã dạy anh em tôi chữ “nhịn”, chữ “khiêm”, sự tôn trọng người khác, những lễ nghĩa, hiểu biết trong giao tiếp xã hội.
San sẻ khó khăn với người khác, đôi khi cũng xông pha, sẵn sàng ăn cơm bụi, ngủ giường tầng với học sinh… từ cách sống của mình, tôi mong các con biết tiết kiệm, xem đó là một phẩm chất thanh cao. Giúp con ý thức được những giá trị văn hoá nghệ thuật, tiếp thu những cái hay từ văn hoá ngàn đời, chịu khó thích nghi với mọi hoàn cảnh, ở đâu cũng có thể hoà đồng với mọi người…
Chính cái bất trắc, không biết điều gì sẽ đón mình ở chỗ nào của phía trước khiến cho cuộc đời thi vị. |
Trong cuộc đời, bài toán nào với anh là khó nhất?
Khó nhất là được làm theo ý mình, để không bị ai chi phối. Hoàn cảnh xã hội, gia đình, những tác động của vật chất, của môi trường sống đôi khi làm mình suy nghĩ rất nhiều, đâu phải muốn làm gì thì làm. Làm sao giữ được sự tự do trong cách làm, cách sống là một cuộc tranh đấu không ngừng. Đôi khi phải trả giá, phải thoả hiệp, phải chấp nhận thôi. Nhưng có lẽ trong giảng dạy, tôi giữ được sự chủ động nhiều nhất có thể. Dạy học sinh càng giỏi thì sự tự do đạt được càng cao.
Làm thế nào để anh giữ được sự cân bằng trước những áp lực của cuộc sống?
- Có lẽ do bản tính chịu đựng, nhún nhường, nên những tác động bên ngoài mau chóng qua được ngay, nhưng cái chính là nhờ công việc. Chỉ cần một hôm nào đó thầy và trò cùng nhau tạo ra cái mới lạ, về nhà nhìn con cái chịu khó học hành, hiểu các giá trị, không đặt nặng vật chất, như thế là đủ hạnh phúc rồi.
Trong tình yêu, anh là người đàn ông thế nào?
- Thuỷ chung, có trách nhiệm và biết san sẻ mọi vui buồn với người phụ nữ mình yêu thương. Còn giữ gìn hạnh phúc gia đình thì chủ yếu nhờ cô ấy thôi. Tôi luôn ý thức chia sớt việc nhà với cô ấy, buổi trưa mình lo tìm cách cho các con ăn, còn buổi chiều thì cô ấy lo. Chúng tôi trân trọng những niềm vui do con cái đem lại, đó là sợi dây bền chặt gắn mọi thành viên trong gia đình với nhau.
(Theo Kim Yến Sài Gòn Tiếp Thị)