Nhắc đến truyện tranh, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến những bộ manga Nhật Bản đang tràn lan trên thị trường hiện nay hay cùng lắm thì nhớ đến một vài tác phẩm của Việt Nam như Trạng Quỳnh, Dũng Sĩ Hesman hay Thần Đồng Đất Việt mà thôi.

Thế nhưng mới đây, một phát hiện mới đã cho thấy rằng tại Việt Nam thì hình thức truyện tranh minh họa đã được xuất hiện từ cả trăm năm trước với tác phẩm tiêu biểu mới được tìm thấy là truyện Lục Vân Tiên, tác phẩm truyện thơ Nôm do thi sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu sáng tác và từng rất được yêu thích trong thế kỉ 19.

 

Và một bản của truyện thơ nôm với tranh minh họa của Lục Vân Tiên đã được tìm thấy trong thư việ cổ kính của Viện Hàn lâm văn khắc và mỹ văn Pháp từ hơn 112 năm trước. Điều này cho thấy rằng hình thức truyện tranh minh họa đã có mặt ở Việt Nam từ hơn 100 năm trước.

Về tác phẩm Lục Vân Tiên thì sau khi phân tích cụ thể tác phẩm, GS Phan Huy Lê nhận định, đây là một văn bản chữ Nôm có giá trị nghiên cứu vô cùng to lớn cả về phương diện mỹ thuật, văn học lẫn tư liệu lịch sử. Với tổng cộng 1.200 hình màu và 633 họa tiết, bản truyện thơ Nôm “Lục Vân Tiên” này được minh họa toàn bộ, rất khác biệt so với tất cả các tác phẩm văn học có tranh minh họa khác ra đời trước đó, thường chỉ điểm xuyết một vài tranh đơn giản. Đây có thể xem là truyện tranh đúng nghĩa đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam.

 

Ở khía cạnh thẩm mỹ, từng trang truyện đều được bố cục đẹp mắt với một khổ thơ chừng 14 câu lục bát nằm chính giữa, bao quanh là bốn bức tranh. Phía trên và dưới là các tranh được vẽ trải dài theo lối toàn cảnh, hai bên là tranh phác họa chân dung, mô tả chi tiết tính cách, hành động, tâm trạng của nhân vật. Qua những bức tranh, người ta có thể hình dung toàn diện về mọi mặt đời sống, phong tục tập quán của người dân Nam Bộ thế kỷ 19. Đây chính là một trong những giá trị đặc sắc nhất của tác phẩm.

 

Một điều khá thú vị cũng được phát hiện, đó là dù đã qua hơn 100 năm nhưng bộ tranh trên vẫn giữ được màu sắc tươi tắn của mình. Và phong cách thực hiện của tranh cũng khá khác biệt nếu so với những tranh khắc dân gian thời đó bởi người họa sĩ không hề khắc mà chỉ dùng màu vẽ lên mà thôi.

 

Theo nghiên cứu của các chuyên gia thì có vẻ như tác phẩm này đã được đại úy pháo binh Eugene Gibert người Pháp tặng cho thư viện của Pháp vào năm 1899. Vị đại úy này đã có thời gian sống tại Huế từ năm 1895 đến 1897 và ông cũng tỏ ra rất hào hứng với truyện thơ Lục Vân Tiên nên đã cho chép tay lại truyện thơ này sang một bản tiếng Pháp và còn đặt hàng một họa sĩ vẽ lại phần tranh minh họa.