Thị trường game Việt Nam có được sự phát triển nóng như hiện nay một phần không nhỏ là nhờ việc nhập khẩu game từ nước ngoài mà thị trường chính là Trung Quốc. Một nhà phát hành ở Việt Nam khi có vốn và đội ngũ nhân sự vừa ý, cần cử một đội sang nước bạn tìm game và đàm phán giá cả, khi tìm được những game ưng ý, đội này sẽ tiến hành thỏa thuận mức giá với phía đối tác sao cho giá thành ở mức hợp lý nhất với nhà phát hành Việt.

Đó chỉ là phần nổi của câu chuyện về mua game và phát hành game. Trên thực tế thị trường game Việt đang tồn tại rất nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết để sân chơi chung như làng game Việt có thể phát triển bền vững thay vì phát triển hơi quá "nóng" như hiện tại.

Nói về công việc đi mua game của các nhà phát hành trong nước thì đây là công việc đúng nghĩa mạnh ai nấy làm. Các nhà phát hành hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau sang tìm và mua về những tựa game mà họ cho là tốt nhất sinh lời nhanh nhất. Tất nhiên, game cũng giống như nhiều loại hàng hóa khác, giá rẻ đồng nghĩa với game có một khuyết điểm nào đó, khuyết điểm càng lớn càng khó khắc phục thì giá càng rẻ.

Nhiều nhà phát hành mới nổi ở Việt Nam sau khi đàm phán thành công một tựa game nào đó với mức giá hời, các nhà phát hành này thường tung tin tới các cơ quan truyền thông báo chí rằng tựa game mà họ vừa mua được có giá rất đắt để chứng tỏ rằng game mà những nhà phát hành này mua có chất lượng rất cao.

Trước mắt, sự truyền thông phóng đại của các nhà phát hành nhỏ này có thể mang lại chút tiếng tăm trước khi game ra mắt nhưng về lâu về dài lỗi của game bị phát hiện thì nhà phát hành sẽ mất một lượng lớn game thủ. Thứ 2, khi việc phóng đại giá trị thực của game tới tai các nhà phát triển Trung Quốc, nhiều nhà phát triển sẽ lấy đó làm lý do để bán một game khác chất lượng tương đương nhưng giá lại sấp sỉ giá mà chúng ta tự phóng đại lên nhiều lần. Đây là điểm hại đầu tiên của thói nói phóng đại này.

Nhìn ở góc độ sâu xa hơn, thì việc phóng đại giá sản phẩm ở Việt Nam sẽ tạo thành tâm lý không tốt và là cái cớ để nâng mức giá của tất cả các loại game khi bán cho các nhà phát hành Việt Nam. Khi đó phía thiệt thòi nhất trong cuộc chiến này chính là các nhà phát hành nhỏ không có nhiều vốn để mua những tựa game có giá cao. Qua đó cuộc chiến làng game sẽ chỉ còn là cuộc chơi của những ông Lớn và thị trường mất đi những nhân tố trẻ nhiệt huyết có khả năng phát triển thị trường game.

Khác với Việt Nam, nhiều thị trường trong khu vực đã có những phương án vô cùng hiệu quả để ngăn chặn việc ép giá này nhờ vào tinh thần đoàn kết của thị trường. Trước khi tiến hành mua bán với đối tác nước ngoài, tất cả các nhà phát hành sẽ phải gia nhập một hội nhóm nhỏ có chức năng điều phối giá cả các loại game dựa vào chất lượng. Thông qua cơ quan quản lý này đối tác nước ngoài sẽ buộc phải bán đúng giá nếu không muốn mất hẳn thị trường nước đó, nhờ thế mà việc ép giá sẽ không còn.

Mô hình phát triển bền vững cho thị trường game vốn đã có ở nhiều nước nhưng ở Việt Nam, các nhà phát hành vẫn giữ phong cách ăn sổi, tìm mọi cách chiếm thị phần của đối thủ trong nước để trở thành bá chủ thị trường. Nhưng ngặt một nỗi càng cố chiếm thì tất cả các bên không chết thì cũng bị thương, khiến cho đối tác Trung Quốc trở thành ngư ông đặc lợi ngồi giữa thoải mái tăng giá kiếm lời.

Đã đến lúc thị trường game Việt cần có một cơ quan đứng ra làm đầu mối để giao lưu buôn bán với các nước khác trong khu vực ở lĩnh vực Game để những hiện tượng xấu nói trên không còn tồn tại, qua đó tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển làng game bền vững hơn chứ không phát triển vội vàng như thời điểm hiện tại.