Theo thống kê, tính đến cuối năm 2014, Việt Nam còn 5,97% tỷ lệ hộ nghèo, cuối năm 2015 còn 4,2% tỷ lệ hộ nghèo. Đời sống của người nghèo được cải thiện, điều kiện KTXH vùng nghèo được nâng lên.
Việt Nam được đánh giá là một trong 6 quốc gia hoàn thành trước thời hạn và là điểm sáng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong mục tiêu thiên niên kỷ.
Có được kết quả này ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, còn phải kể đến vai trò của công tác truyền thông. Nhấn mạnh vai trò truyền thông trong thực hiện chính sách giảm nghèo, tại Hội thảo Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo trên báo chí, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH khẳng định: Báo chí đã khơi dậy sức mạnh của cả thống chính trị cho công tác giảm nghèo. Báo chí đã luôn đồng hành cùng Bộ làm tròn vai trò cơ quan định hướng, truyền tải cơ chế, chính sách luật pháp trong công tác giảm nghèo tới người dân, góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội. Truyền thông không bao giờ cũ, luôn có điểm mới đặt ra. Báo chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc cải tiến nội dung, hình thức truyền thông. Việc tuyên truyền về giảm nghèo đã được thực hiện một cách đồng bộ, có trọng tâm, đa dạng về phương thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở các vùng khó khăn.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, Chương trình, nội dung, phương pháp giảm nghèo rất quan trọng, trong giai đoạn 2016-2020 cần nhấn mạnh một số nội dung: Thay đổi cách tiếp cận giảm nghèo từ đơn chiều thu nhập sang đa chiều, phấn đấu đến năm 2030, giảm nghèo toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau. Về chính sách chuyển mạnh từ cho không sang tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên, cho cần câu và hướng dẫn câu cá; chính sách ban hành quá nhiều, hiện có 70-80 các loại chính sách cho người nghèo. Cùng 1 người nghèo ở vùng tây nguyên có chính sách khác, ở vùng miền núi phía Bắc có chính khác; năm nay ban hành chính sách này sang năm rà soát thấy thiếu lại ban hành chính sách khác, cán bộ cơ sở làm giảm nghèo không nhớ hết có bao nhiều chính sách, gây dàn trải, manh mún không tạo cho người nghèo vươn lên. Giảm cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc cho vay ưu đãi trong thời gian dài và nếu vẫn duy trì chính sách cho không cũng sinh ra nhiều bất cập. Cần phân cấp triệt để vốn trung hạn để cơ sở chủ động, dân quyết. Tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế nhân rộng các mô hình giảm nghèo, phổ biến kinh nghiệm để người nghèo, người không nghèo cùng nhau làm ăn. Tăng cường công tác giám sát lồng ghép nguồn lực chương trình giảm nghèo với chương trình nông thôn mới.
Phương châm thực hiện chương trình là dựa hoàn toàn vào cộng đồng và lấy người dân làm chủ thể, động lực chính để thoát nghèo, nhà nước chỉ hỗ trợ môi trường, các điều kiện cần thiết. “Huyện mua con giống, thuốc sâu cho người dân. Nhưng người dân muốn mua con bò, con dê thì lại không có. Do vậy cần để người dân tự quyết định, tỉnh không làm thay, huyện không làm thay, và xã cũng không làm thay”- Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhất mạnh.
Để nâng cao hiệu quả truyền thông của công tác giảm nghèo, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí truyền thông cần bám sát các quan điểm, định hướng chính sách để tuyên truyền làm thay đổi nhận thức cho người dân, truyền tải các chính sách, để người dân thấy được mục tiêu, ý nghĩa của chính sách, tránh tình trạng thụ động, trông chờ hỗ trợ từ Nhà nước. Báo chí có thế mạnh, điều kiện để thúc đẩy huy động nguồn lực trong cộng đồng, đi sâu tuyên truyền các mô hình đã thành công để khuyến khích người dân có động lực, khích lệ vươn lên; tuyên truyền nêu gương các hộ dân, cộng đồng có ý chí vươn lên, trở thành phong trào thi đua rộng rãi cùng nhau vươn lên đăng ký thoát nghèo.
Diệu Thúy