Theo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các mạng xã hội đang dần trở thành mũi nhọn của truyền thông tại thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Mạng xã hội có số lượng lớn, nhiều đối tượng, độ tuổi tham gia, truy cập, nên đem lại khả năng tiếp cận sâu rộng và quảng bá nội dung cơ bản của dự thảo chính sách đến mọi đối tượng. Thêm vào đó, chi phí bỏ ra cũng sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với truyền hình, báo in.
Ngày nay, sự phát triển của mạng xã hội đã kết nối thế giới đến từng cá nhân. Tất cả mọi người sử dụng mạng đều tham gia vào quá trình tương tác, cung cấp, chia sẻ thông tin như những “nhà báo” độc lập, tạo ra môi trường thông tin đa chiều với nội dung thông tin phong phú, đa dạng. Trong đó, tư tưởng, thái độ, nhu cầu của người dân cũng quyết định đến nội dung và phương thức tuyên truyền trên mạng xã hội.
Chính vì thế, truyền thông dự thảo chính sách trên mạng xã hội cần chủ động nắm bắt đặc điểm tâm lý cư dân mạng và tâm trạng xã hội để kịp thời cung cấp thông tin đa chiều, gợi mở về dự thảo chính sách, gắn với thực tiễn đời sống xã hội được dư luận quan tâm. Đó là yêu cầu, là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện truyền thông dự thảo chính sách trên không gian mạng.
Thông tin đa chiều phải bảo đảm tính khoa học, có mục đích rõ ràng và có tính định hướng cao. Khi thông tin về một nội dung chính sách thì phải tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau nhằm giúp người tiếp nhận thông tin có nhận thức sâu sắc hơn, hiểu rõ bản chất vấn đề. Nếu thông tin đa chiều mà thiếu tính khoa học và tính định hướng sẽ dẫn đến nhiễu loạn thông tin, khó kiểm soát được mặt trái của thông tin đa chiều.
Cũng theo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đặc điểm của thông tin trên mạng xã hội là nhanh và nhiều, điều đó đòi hỏi thông điệp truyền thông phải ngắn gọn và nổi bật. Những bài nói, bài viết sâu sắc nhưng dài dòng không dành cho số đông trên mạng xã hội. Những thông tin đơn giản, theo khuôn mẫu rồi đây sẽ có trí tuệ nhân tạo, robot xử lý. Những thông điệp ngắn gọn, giản dị, sinh động, thuyết phục, mang màu sắc riêng, truyền cảm xúc sẽ tồn tại và chiếm ưu thế, bởi đó là cái mà các robot vẫn còn khá lâu nữa mới có thể làm được.
Một nghiên cứu mới đây của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra khuyến nghị: “Cư dân mạng nói chung không thích bị tuyên truyền, áp đặt, giáo huấn và họ có công cụ để chặn những thông tin không hợp khẩu vị. Vì vậy, truyền thông dự thảo chính sách trên mạng xã hội nên thuyết phục không chỉ bằng luận chứng, luận cứ khoa học mà còn bằng lý lẽ đời thường, có lý và có tình, chứa đựng nhiều cảm xúc, mang màu sắc cá nhân thì mới có thể thâm nhập vào cư dân mạng”.
Mặt khác, các tổ chức, cơ quan chức năng của nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội từ trung ương tới cơ sở cần lập diễn đàn, xây dựng các nhóm, cộng đồng riêng mà nòng cốt là cán bộ, nhân viên của mình, đồng thời kết nạp thêm thành viên, người theo dõi, huy động đông đảo người truy cập tham gia góp ý vào dự thảo chính sách. Thông qua tương tác, chia sẻ của nhóm này, một mặt cung cấp, chia sẻ, lan tỏa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, mặt khác phát hiện những vấn đề chưa phù hợp, thiếu khả thi để tiếp thu, chính sửa, hoàn thiện chính sách.
Bên cạnh các trang mạng tuyên truyền chính thức, cần sử dụng các tài khoản đăng tải những câu chuyện đơn giản, cảm động, hài hước, vui vẻ có liên quan đến dự thảo chính sách để thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Hình thức trình bày nên nhẹ nhàng, ít mang tính hô hào, kêu gọi, giáo huấn và phải mang bản sắc cá nhân của chủ thể truyền thông.
Cùng với phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, phải đặc biệt coi trọng và phát huy vai trò của những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Đó là các trí thức, nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sĩ. Họ nắm giữ các tài khoản mạng xã hội có lượng người theo dõi, tương tác lớn. Khêu gợi, động viên những người có uy tín trên mạng xã hội tham gia góp ý kiến, nêu quan điểm về dự thảo chính sách có liên quan sẽ tạo ảnh hưởng tốt tới cộng đồng mạng, thậm chí hiệu quả hơn rất nhiều những thông tin trên báo chí chính thống.