Theo Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), thiết chế văn hóa ở cơ sở đang hàng ngày, hàng giờ đồng hành với đời sống nhân dân và là một phần không thể thiếu của xã hội. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là cơ sở vật chất, công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước có đến được với quần chúng nhân dân hay không một phần quan trọng là nhờ ở hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Các buổi sinh hoạt văn hóa ở cơ sở cũng chính là môi trường thuận lợi để nhân dân mạnh dạn đóng góp ý kiến với các cấp ủy Đảng, chính quyền nói chung, ý kiến đối với việc xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật nói riêng theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

“Phần nhiều các chính sách được hiện hữu trên thực tiễn qua địa bàn ở cơ sở, hay nói một cách ví von: “Cuối cùng, điểm đến của các chính sách cũng về cơ sở hay hướng về cơ sở”. Chính vì vậy, phát huy vai trò của các hoạt động văn hóa tại cơ sở trong hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được coi là một kênh thông tin hữu hiệu để đưa các dự thảo chính sách đến với người dân và thu nhận ý kiến phản hồi để hoàn thiện dự thảo”, đại diện Vụ Pháp chế chia sẻ.

anh 11.jpg
Cần phát huy hơn nữa phát huy vai trò của các hoạt động văn hóa tại cơ sở trong hoạt động truyền thông dự thảo chính sách. 

Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế, chủ thể, đối tượng chịu sự tác động của các chính sách tại địa bàn cơ sở rất đa dạng, phong phú, có thể chia theo theo giới tính, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, địa bàn, nghề nghiệp…, đặc biệt là các đối tượng đặc thù, đòi hỏi phương pháp tiếp cận, hình thức, nội dung truyền thông dự thảo chính sách phải phù hợp với đối tượng. 

Trong đó truyền thông dự thảo chính sách thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tới các loại đối tượng vừa là thế mạnh, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu mới về tìm hiểu đối tượng truyền thông dự thảo chính sách phù hợp hơn để tiếp cận bằng văn hóa.

Đại diện Vụ Pháp chế lưu ý, một trong những phương thức được áp dụng trong truyền thông dự thảo chính sách là thông qua đội tuyên truyền, chiếu phim lưu động của ngành ở địa phương, trình chiếu các video phóng sự về dự thảo chính sách, trao đổi về những nội dung dự thảo chính sách tác động đến nhân dân (các chính sách thiết thực gắn với đời sống ở cơ sở; môi trường, phòng chống bạo lực gia đình, xuất nhập cảnh, an ninh mạng…), có thể gắn với chủ đề bộ phim hoặc nội dung hoạt động tuyên truyền văn hóa ở cơ sở.

Phương thức này thường áp dụng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới. Nội dung tuyên truyền được thực hiện trước các buổi chiếu phim thông qua các báo cáo viên pháp luật, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ làm công tác văn hóa, xã hội ở địa phương.

Một phương thức hữu hiệu khác là truyền thông dự thảo chính sách thông qua lồng ghép hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở (hội thi, sinh hoạt văn hóa cộng đồng với các hình thức như hội thi văn nghệ, thể thao, gia đình; hội thi trong cán bộ, công chức, viên chức về từng chủ đề; biểu diễn văn nghệ, tiểu phẩm, giao lưu văn hóa nghệ thuật).

Dự thảo chính sách được sân khấu hóa thành các kịch bản, được biên tập thành những câu hỏi, đáp án, được ví dụ bằng các tình huống cụ thể thực hiện tạicác hội thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng, chương trình văn nghệ, giao lưu có lồng ghép đối thoại, giải đáp, tương tác với khán giả về dự thảo chính sách. Ưu tiên vừa biểu diễn trực tiếp vừa phát trên các nền tảng mạng xã hội được người dân quan tâm, chia sẻ các chương trình trên các trang mạng như Facebook, Zalo, YouTube, Fanpage, Tiktok… với sự tham gia của một số blogger có sức thu hút xã hội lớn.

Nội dung truyền thông gồm các chính sách thiết thực, tác động trực tiếp tới đời sống nhân dân như: An toàn giao thông, đất đai, môi trường, văn hóa, du lịch, hôn nhân gia đình, tín ngưỡng tôn giáo, thanh niên, an ninh mạng…

Phương thức truyền thông này thường áp dụng cho địa bàn các khu dân cư nông thôn, các bản, làng truyền thống có phong tục tập quán, giàu bản sắc văn hóa và phong trào văn hóa, văn nghệ hoạt động sôi nổi, hiệu quả.

Ngoài ra, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách còn có thể triển khai thông qua mô hình các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa nghệ thuật; được thực hiện tại các cuộc sinh hoạt câu lạc bộ định kỳ, chuyên đề ở địa bàn cơ sở thông qua các báo cáo viên pháp luật, chủ nhiệm câu lạc bộ.

Nội dung truyền thông là các chính sách gắn với đối tượng quan tâm của các câu lạc bộ như: danh hiệu nghệ nhân, chế độ chính sách đối với nghệ nhân, chính sách về văn hóa, hôn nhân gia đình, tín ngưỡng tôn giáo, thanh niên, an ninh mạng…

Vân Anh và nhóm PV, BTV