Theo cuốn sách Hội hè lễ Tết của người Việt, tác giả Nguyễn Văn Huyên cho biết hàng năm, cứ vào ngày 5/5 (âm lịch), người dân Việt Nam lại có tục cúng Tết Đoan ngọ. Theo truyền thống của từng miền, mâm cơm để cúng Tết Đoan ngọ ngoài hoa quả, những món ăn cũng khác nhau. Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu.
Trái cây được các gia đình lựa chọn trong ngày này là những loại quả mùa hè, tươi ngon và có vị chua chua như: mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu… Quan niệm dân gian cho rằng bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.
Trên mâm cúng của người miền Bắc thường có trái dưa hấu đỏ, miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Thừa Thiên Huế thì không thể thiếu thịt vịt. Lý do người dân chọn thịt vịt mà không phải thịt heo, bò, gà là vì người Việt xưa tin rằng thịt vịt mát, ăn vào sẽ giải nhiệt làm cơ thể mát cả năm.
Từ Đà Nẵng vào đến Quảng Ngãi, một số gia đình nấu xôi chè cúng lễ, nhà nào có trồng cây thì cho trẻ nhỏ vào tận vườn hái trái ăn. Mâm cúng của người miền Nam thì không thể thiếu chè trôi nước, xôi gấc… Sau khi cúng xong, cả nhà sẽ cùng quây quần bên mâm cơm để ăn những món ăn này.
Ngoài hoa quả, rượu nếp, trong dịp Tết Đoan ngọ ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ và một số nơi của Miền Bắc người dân thưởng ăn bánh tro. Bánh tro có nhiều tên và hình dáng khác nhau như bánh ú, bánh tro (gio), bánh âm và có vài biến thể khác nhau theo địa phương. Bánh tro được bán nhiều nhất trong ngày Tết Đoan ngọ bởi người ta luôn tin rằng khi ăn bánh tro, cũng như hoa quả và rượu nếp vào ngày này, bệnh tật trong người sẽ tiêu tan hết. Theo quan niệm xưa, tháng 5 âm lịch là thời điểm mùa hè oi bức, dễ sinh bệnh dịch, nên các món ăn chế biến cần có tác dụng dễ tiêu, giải nhiệt.
Tại Thừa Thiên Huế chè kê là món ăn phổ biến của người dân trong Tết Đoan ngọ. Những hạt kê mẩy tròn sau khi được xay cho tróc vỏ, ngâm và đun sôi đến khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng sẽ cho ra nồi chè thơm phức với màu vàng kê quyến rũ.
Trước đây, trong dịp Tết Đoan ngọ người dân một số vùng ở miền Bắc còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà... Những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quyệt vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu. Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc.
Theo các chuyên gia văn hoá, ở những địa phương ven sông, biển thì tục tắm trong dịp Tết Đoan ngọ được duy trì. Trong ngày này, mọi người sẽ canh đúng giờ ngọ để đi tắm sông, biển bởi người ta quan niệm đó là hình thức giúp tẩy rửa bệnh tật.
Vì sao có quan niệm 'diệt sâu bọ' trong ngày tết Đoan ngọ?
Quan niệm diệt trừ sâu bọ trong tết Đoan ngọ liên quan đến việc trồng trọt và tập quán nông nghiệp của người Việt từ xa xưa.
Theo Zing