- Kỹ thuật mới giúp rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện virus, giúp sàng lọc các virus HIV, HPV, HCV với độ chính xác cao.
Sáng 26/4, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương công bố ứng dụng thành công kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử (NAT) - kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến nhất hiện nay, mở ra một kỷ nguyên mới về xét nghiệm sàng lọc, đảm bảo an toàn truyền máu cho bệnh nhân.
Số liệu thống kê kết quả xét nghiệm sàng lọc virus HBV, HCV, HIV trong 10 năm qua tại 37 quốc gia áp dụng kỹ thuật NAT đã phát hiện khoảng 3.000 trường hợp nhiễm tác nhân gây bệnh mà xét nghiệm huyết thanh học thông thường không phát hiện được (chiếm khoảng 0,003%).
Kỹ thuật xét nghiệm máu mới đảm bảo an toàn truyền máu cho bệnh nhân |
Trong năm qua, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương xét nghiệm gần 418.000 mẫu máu bằng kỹ thuật NAT trong đó phát hiện 442 mẫu nhiễm bệnh.
Theo Viện trưởng Nguyễn Anh Trí, kỹ thuật NAT giúp sàng lọc các loại virus HIV, HBV, HCV trong máu với độ chính xác cao và giúp rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện các virus.
Xét nghiệm thông thường phát hiện virus trong máu thông qua sự có mặt của bản thân virus hoặc kháng thể của cơ thể phản ứng với virus. Tuy nhiên, ở người mới bị nhiễm, lượng virus còn quá ít và cơ thể chưa tạo ra kháng thể thì các kỹ thuật xét nghiệm huyết thanh học không hiện ra. Đây được gọi là giai đoạn cửa sổ, nên người bệnh vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh khi truyền máu.
So với kỹ thuật xét nghiệm huyết thanh cũ thì kỹ thuật mới giúp phát hiện virus HIV trong máu sớm hơn 10 ngày, với virus HBV sớm hơn 25 ngày và sớm hơn 60 ngày với virus HCV, giúp nỗi ám ảnh về giai đoạn cửa sổ bị xóa nhòa.
Ngoài ra, kỹ thuật NAT còn có thể phát hiện những trường hợp nhiễm virus ở thể ẩn, tức người đã nhiễm bệnh một thời gian dài nhưng virus chỉ tồn tại tiềm tàng trong các tế bào và cơ thể người nhiễm không sản sinh ra kháng thể, do đó không thể phát hiện bằng các xét nghiệm gián tiếp.
Theo kế hoạch, đến năm 2018, kỹ thuật này sẽ được áp dụng trong tất cả các đơn vị máu hiến trên toàn quốc, nhằm đảm bảo cung ứng nguồn máu an toàn và kịp thời cho bệnh nhân.
T.Hạnh