Cho đến thời điểm này, khi việc triển khai Đề án số hóa truyền hình đã đi được một nửa chặng được với 13 tỉnh đã hoàn thành số hóa truyền hình, với 50% dân số đã nằm trong vùng phủ sóng truyền hình số DVB-T2, vào ngày 1/7/2017 tới đây, 15 tỉnh, thành sẽ tiếp tục tắt sóng truyền hình analog.
Một số tỉnh tại khu vực đồng bằng Nam Bộ trong đó có Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Tây Ninh, Tây Ninh thuộc nhóm 3 của Đề án số hóa truyền hình đã xin được triển khai sớm hơn lộ trình 1 năm, tức là sẽ tắt sóng truyền hình analog vào ngày 31/12/2017 tới đây.
Trong khi các tỉnh Nam Bộ sốt ruộtmuốn sớm được triển khai số hóa truyền hình và thống nhất quan điểm sẽ thuê công ty SDTV cung cấp dịch vụ phát sóng, thì tại khu vực Bắc Bộ rất nhiều địa phương còn băn khoăn với hiệu quả của việc truyền dẫn phát sóng số mặt đất, so với các phương thức truyền dẫn khác như vệ tinh hoặc truyền hình cáp.
Tại Tọa đàm về số hóa truyền hình do Bộ TT&TT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Công Đán, Giám đốc Đài PT-TH Hưng Yên đã ví von: “Truyền hình số là cô gái đẹp nhưng không chung thủy. Chi phí để đầu tư chuyển sang sản xuất chương trình, cũng như truyền dẫn phát sóng truyền hình số tốn nhiều tiền, phát sóng chuẩn HD tuy xem đẹp hơn nhưng cũng tốn nhiều tiền. Trong khi đó, công nghệ thay đổi rất nhanh chỉ vài năm nữa là thay đổi công nghệ, có khi lại chuyển sang dùng công nghệ khác”.
Theo bà Nguyễn Thị Vũ Anh, Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên, chi phí để phát sóng 1 kênh truyền hình trên hạ tầng số mặt đất ở mức 3 tỷ đồng phát SD, 7 tỷ đồng phát HD. Hiện tại Thái Nguyên đã chọn công ty RTB làm đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng kênh thiết yếu của tỉnh.
Một số ý kiến tại Tọa đàm cũng cho rằng: “chi phí thuê truyền dẫn phát sóng số là quá đắt đỏ so với phát sóng analog hiện tại”.
Tại một cuộc họp gần đây, ông Vũ Văn Nghiêm, Giám đốc Đài PT-TH Thái Bình cho biết, Đài PT-TH Thái Bình phải tự chủ 60-70% chi phí hàng năm, một năm ngân sách chỉ cấp khoảng 7 tỷ đồng, trừ đi khoảng 20% tiết kiệm bắt buộc số tiền còn lại còn hơn 6 tỷ đồng. Trong khi mỗi năm Đài phải chi phí tầm 25 tỷ đồng.
Do đó, theo ông Nghiêm, đơn giá dịch vụ truyền dẫn phát sóng mà các đơn vị đưa ra mỗi năm từ 1,5 tỷ đồng trở lên là quá cao, không đáp ứng được yêu cầu của các đài. “Giờ có bỏ ra trên 500 triệu đồng chúng tôi không đáp ứng được. Phát sóng kênh thiết yếu trên hệ thống nào cũng là phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhưng đơn giá phát sóng số phải hợp lý, giá rẻ ít nhất tương đương với phát sóng trên hệ thống analog thì chúng tôi mới tham gia.”, ông Nghiêm phát biểu.
Các tỉnh Nam Định, Ninh Bình cũng kêu chi phí phát sóng truyền hình số là quá cao so với khả năng của các Đài. Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đặt câu hỏi: Tại sao lãnh đạo các địa phương lại “lăn tăn” về việc lựa chọn nhà phát sóng? Nhưng ông Thìn cũng cho hay, dù lăn tăn thế nào đến 1/7/2017 kênh Ninh Bình cũng sẽ phát sóng truyền hình số mặt đất. Tuy nhiên, ông Thìn cho rằng, câu chuyện hiệu quả rất quan trọng. Ninh Bình đã có con số khảo sát từ năm 2014, số hộ dân thu truyền hình analog chỉ 10-15%, nếu bây giờ chính thức điều tra lại con số chắc chắn không quá 10%. Nếu chi 5,7 tỷ đồng/năm để phát HD lên vệ tinh chắc chắn sẽ hiệu quả hơn vì phủ sóng được trên toàn quốc, trong khi phát sóng số mặt đất chỉ trong phạm vi nội tỉnh.
Trong khi các đài PT-TH ở miền Bắc kêu chi phí truyền dẫn phát sóng truyền hình số đắt đỏ thì các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn vẫn kêu chưa có lợi nhuận mà phải bù lỗi một phần cho các đài. Theo đại diện AVG, AVG đã tạm tính mức giá phát sóng cho các tỉnh ước khoảng 1,5 tỷ đồng/năm đến 2,5 tỷ đồng/năm phát sóng 1 kênh chuẩn SD. Với mức phí này cũng chưa có lợi nhuận mà phải bù lỗ một phần cho các đài địa phương. Chi phí để vận hành mạng phát sóng truyền hình số khá cao, nhất là đối với những tỉnh có địa hình rộng và phức tạp như Quảng Ninh sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp phát sóng khu vực.
Còn Công ty cổ phần Truyền dẫn phát sóng truyền hình số đồng bằng Sông Hồng (RTB) công bố giá thuê truyền dẫn một kênh chương trình là 1,5 tỷ đồng/1Mb/1 năm. Đối với chuẩn SD thì đảm bảo 2Mb, còn chuẩn HD là 5Mb thì mới đảm bảo chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt được. Nếu như mức dung lượng thấp, nén nhiều chương trình trên một băng tần thì chất lượng hình ảnh rất kém, hay bị dừng hình và vỡ hình. Theo đại diện RTB, mức giá thành này được tính toán dựa theo định mức kinh tế kỹ thuật mà Bộ TT&TT đưa ra. RTB đảm bảo sẽ dành dung lượng đủ để truyền dẫn tất cả 14 kênh của 14 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ theo chất lượng HD.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, về chi phí thuê dịch vụ truyền dẫn về nguyên tắc sẽ rẻ hơn chi phí các đài tự truyền dẫn như hiện nay. Trong giai đoạn chuyển đổi, các đài cần khắc phục khó khăn bằng cách tận dụng những thiết bị cũ còn sử dụng được như nhà trạm, máy phát, còn nếu đầu tư dài hạn thì phải cân nhắc theo điều kiện của từng địa phương.