Có cả một truyện cổ tích của Việt Nam trong số các truyện cổ tích được tuyển chọn vào các sách tham khảo môn Quốc ngữ dành cho học sinh tiểu học Nhật Bản.
Giống như Việt Nam, ở Nhật Bản nhiều truyện cổ tích của dân tộc và thế giới được đưa vào sách giáo khoa môn Quốc ngữ cũng như các sách tham khảo có liên quan.
Truyện cổ tích Việt Nam trong sách tham khảo của Nhật Bản |
Trong số các truyện cổ tích được tuyển chọn vào các sách tham khảo môn Quốc ngữ dành cho học sinh tiểu học Nhật Bản, thật bất ngờ có cả một truyện cổ tích của Việt Nam. Bất ngờ hơn nữa là câu chuyện cổ tích này không mấy phổ biến đối với đại đa số người Việt, và không nằm trong số các truyện cổ tích học sinh Việt Nam được học trong sách giáo khoa như “Tấm Cám”, “Hai cây khế”, “Sọ Dừa”, “Cây tre trăm đốt”, “Thạch Sanh”, “Bánh chưng bánh giày”…
Vậy thì câu chuyện cổ tích của Việt Nam được người Nhật dịch và giới thiệu cho học sinh tiểu học và phụ huynh Nhật Bản là câu chuyện nào?
Một lựa chọn đầy bất ngờ
Đó là truyện cổ tích “Con bướm vô hình”. Truyện này được dịch và giới thiệu trong cuốn sách “Những câu chuyện có thể đọc trong 10 phút dành cho học sinh lớp 2” do các tác giả Oda Nobuko (sinh năm 1937, nhà văn chuyên viết truyện đồng thoại) và Kogure Masao (1939-2007, nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi) biên soạn, NXB Gakken xuất bản năm 2005.
Cuốn sách này tập hợp 12 câu chuyện cổ tích của Nhật Bản và các nước khác như Mông Cổ, Việt Nam. Truyện “Con bướm vô hình” được kể từ trang 159 đến trang 173 và có kèm theo tranh vẽ minh họa. Bên dưới tiêu đề ghi rõ “Truyện của Việt Nam”.
Truyện kể rằng ở gần một con sông nọ có một người làm nghề đánh cá. Anh là một người vui tính nên dù có đánh được cá hay không anh vẫn luôn vui vẻ và hay giúp đỡ mọi người.
Vào một buổi tối nọ khi đi đánh cá, anh nghe thấy tiếng sáo và tiếng trẻ con nô đùa trên thượng lưu con sông. Quá tò mò anh chèo thuyền ngược sông tìm tiếng sáo. Đến nơi, anh thấy bên bờ sông dưới tán cây lớn có một ông già râu dài đang nhảy múa cùng với 5, 6 đứa trẻ.
Khi thấy người đánh cá, ông già nói với anh rằng ông biết anh rất rõ và mời anh cùng nhảy múa. Người đánh cá nhập hội và nhảy múa say mê dưới ánh trăng.
Lúc chia tay, ông già tặng người đánh cá chiếc áo choàng và đôi giày. Rồi ông và lũ trẻ biến mất.
Từ đó trở đi người đánh cá hàng đêm mặc chiếc áo ông già cho và đánh cá trên sông. Khi nghe tiếng hát ấy dân làng liền kéo nhau đi tìm người đánh cá nhưng không ai tìm được vì khi mặc chiếc áo và đi đôi giày ông già tặng thì người đánh cá liền trở nên vô hình. Khi chỉ đi giầy, anh biến thành một con bướm có thể bay đi khắp nơi.
Một năm nọ, ở nước của người đánh cá bị mất mùa lớn. Rất nhiều người chết đói nhưng vị vua lười nhác không phát gạo còn chất đầy trong kho cho dân. Trước cảnh ấy, người đánh cá động lòng thương liền mặc áo, đi giày vào rồi đi vào kho của nhà vua trộm gạo rồi bí mật chia cho dân.
Khi thấy gạo trong kho vơi đi, nhà vua rất tức giận ra lệnh cho quân lính canh phòng cẩn mật.
Một đêm nọ khi thấy trong kho có tiếng động, quân lính kéo tới thì thấy gạo vương vãi đầy kho và một con bướm lớn bay ra. Quân lính đuổi theo, nhưng trời tối nên bướm bay mất.
Đêm đó, do vội mà người đánh cá quên mặc áo nên đã biến thành con bướm mắt thường vẫn nhìn thấy. Sáng ra quân lính lần theo dấu gạo rơi và bắt được người đánh cá.
Vua tức giận ra lệnh giam người đánh cá vào ngục tối. Khi người đánh cá bị giam một năm thì ở bên ngoài quân giặc từ nước láng giềng kéo tới xâm lược. Quân giặc rất mạnh làm nhà vua lo lắng. Biết tin, người đánh cá nói với vua sẽ ra đánh tan quân giặc.
Nhà vua liền thả người đánh cá ra khỏi ngục. Người đánh cá liền mặc áo, đi giày và đi vào tận doanh trại quân giặc giết được viên tướng chỉ huy khiến cho quân nước láng giềng đại bại. Quân giặc phải xin lỗi và đất nước trở lại hòa bình.
Nhà vua rất mừng liền tỏ ý ban thưởng cho người đánh cá chức tước, của cải và đất đai, nhưng người đánh cá xin trở về tự do làm nghề cũ. Vua phải bằng lòng. Từ đó, người dân trong làng lại nhìn thấy chàng trai đó đánh cá trên sông. Chàng vừa đánh cá vừa hát vui vẻ như đã từng trước đó.
Có nhiều phiên bản khác nhau ở Việt Nam
Nếu đọc câu chuyện trên hẳn nhiều người Việt Nam sẽ rất ngỡ ngàng, thậm chí không hề biết đến truyện cổ tích này.
Bản thân tôi khi đọc nó đã vô cùng kinh ngạc vì trước đó chưa từng được đọc truyện cổ tích nào tương tự. Sau khi đọc xong và tra cứu trên mạng, thì thấy truyện này tương ứng với truyện “Quan Triều” hay “Chiếc áo tàng hình” vốn đã được giáo sư Nguyễn Đổng Chi tập hợp lại trong sách “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”.
Tuy nhiên, nếu so sánh ta sẽ thấy có nhiều điểm khác biệt giữa truyện cổ tích “Con bướm vô hình” được giới thiệu ở Nhật với truyện “Quan Triều” và các khảo dị của nó.
Chẳng hạn ở phiên bản của người Việt, các địa danh, tên người rất cụ thể trong khi trong sách Nhật thì chỉ nói chung chung là người đánh cá.
Câu chuyện trong sách của Nhật Bản cũng không có các chi tiết như người đánh cá dùng chiếc áo tàng hình để trừng trị các tên quan lại gian ác hay “cướp của người giàu chia cho người nghèo”.
Cái kết cũng rất khác nhau. Chàng trai trên “Triều” trong sách của Việt Nam sau khi đánh thắng giặc thì được vua ban thưởng, cho làm quan to và gả con gái cho. Khi chết thì “Quan Triều” còn được dân lập đền thờ. Trong khi đó chàng trai đánh cá trong sách của người Nhật lại từ chối làm quan, từ chối phần thưởng và trở về sống tự do, vui vẻ với nghề cũ.
Sự khác biệt ấy gợi nên rất nhiều liên tưởng thú vị. Cũng không rõ nguyên nhân nào dẫn đến sự khác biệt đó. Có phải các tác giả biên soạn người Nhật đã biên tập, chỉnh sửa truyện cổ tích “Quan Triều” hay “Chiếc áo tàng hình” của Việt Nam cho phù hợp hơn với tâm lý học sinh Nhật Bản, hay họ đã tiếp cận truyện cổ tích này từ một khảo dị nào đó.
Nguyễn Quốc Vương