Pháp là quốc gia có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập rất đông đảo. Đây là cộng đồng lâu đời, đoàn kết, có truyền thống yêu nước, có thế mạnh về tri thức, được chính quyền sở tại đánh giá cao.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ thời kháng chiến cứu quốc cho đến công cuộc xây dựng và phát triển hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp luôn có nhiều đóng góp thiết thực cho đất nước.
Song song với sự đóng góp vào sự phát triển chung của Tổ quốc, khẳng định uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, cộng đồng người Việt tại Pháp luôn chú trọng đến công tác gìn giữ, truyền bá tiếng Việt cho thế hệ trẻ. Các thế hệ kiều bào luôn mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện, hỗ trợ triển khai các hoạt động dạy và học tiếng Việt tại Pháp, cung cấp tài liệu, tập huấn cho giáo viên.
Tiếng Việt là cầu nối tâm hồn, văn hóa quan trọng của thế hệ trẻ Việt Nam tại Pháp. Những lớp dạy tiếng Việt được mở ra dựa trên tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại.
Trong đó, có thể kể đến Trường Về Nguồn thuộc Hội Người Việt Nam tại Pháp với các lớp tiếng Việt cho các lứa tuổi từ 3 đến 14 tuổi, mỗi lớp có phương pháp và nội dung đặc trưng phù hợp với thiếu nhi Việt Nam tại Pháp.
Các bé từ 3 tuổi đã có thể đăng ký lớp vỡ lòng với các hoạt động khám phá âm thanh, hình ảnh, từ vựng cơ bản của tiếng Việt. Chỉ sau 2 tháng học, các bé từ 3 đến 6 tuổi đã có thể hát tiếng Việt, muốn nói và yêu thích tiếng Việt, từ đó tạo ra sự liên kết, gắn bó ngay từ lứa tuổi thơ ấu của các bé với Việt Nam.
Với thiếu nhi từ 7 tuổi trở lên, trường có hai trình độ là vỡ lòng và cơ bản. Các em bắt đầu được học đọc, viết trong trường Pháp, có những khái niệm về ngôn ngữ và độ tập trung, tư duy khác nên phương pháp dạy tiếng Việt cơ bản hơn sẽ giúp các em không bị lẫn với tiếng Pháp cũng đang trong giai đoạn học cơ bản trong trường.
Các thiếu nhi, thiếu niên từ 10 tuổi trở lên với trình độ tiếng Việt khá hơn sẽ vào lớp tiếng Việt nâng cao. Ở đây, các em sẽ được học các âm vị, ngữ pháp đơn giản, cách viết đúng chính tả, cách dịch Pháp - Việt quanh những chủ đề thường ngày, những sự kiện văn hóa, thú vị của Việt Nam.
Từ năm 2016, trường đưa ra thêm một lớp mới là lớp tiếng Việt hỗ trợ, phụ đạo cho những em từ 12 tuổi trở lên có mong muốn học chuyên tiếng Việt để chuẩn bị thi bằng tú tài Pháp với sinh ngữ tiếng Việt, hoặc chỉ đơn giản là học tiếng Việt chuyên sâu hơn để có thể sử dụng nhuần nhuyễn trong cuộc sống, để tiếng Việt đem lại sự tự tin về nguồn gốc văn hóa cho các em.
Ngoài lớp tiếng Việt, Trường Về Nguồn còn có lớp múa truyền thống dạy các điệu múa Việt Nam đặc trưng: múa quạt, múa nón, múa lồng đèn… với trang phục truyền thống như áo tứ thân, áo dài, váy yếm… Việc học múa sẽ kèm với việc học hát, nghe nhạc Việt Nam, điều này giúp các thiếu nhi có năng khiếu về múa lẫn hát đều có thể phát triển hơn nữa phần cảm âm của mình đối với các điệu nhạc truyền thống của Việt Nam.
Trường còn mở lớp thủ công sáng tạo, nơi các em có thể học làm lồng đèn, làm diều, làm những sản phẩm cắt dán, tô vẽ, nặn tượng… truyền thống của Việt Nam. Các lớp học ở đây được giảng dạy bởi đội ngũ giáo viên có trình độ, kinh nghiệm và tâm huyết trong công tác giảng dạy tiếng Việt và hoạt động văn hóa.
Nổi bật trong các lớp học của Trường Về Nguồn là lớp của vợ chồng thầy Cấn Văn Kiệt và cô Cấn Anh Claudine. Hai thầy cô đều đã lớn tuổi nhưng luôn muốn đóng góp thật nhiều vào công tác duy trì, bảo tồn tiếng nói quê hương trên đất Pháp.
Cứ đến đầu tháng 9 hàng năm, lớp của thầy cô bắt đầu khai giảng tại trụ sở Hội Người Việt Nam tại Pháp. Các buổi học thường được tổ chức vào thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần. Mỗi buổi chỉ kéo dài hơn một giờ và mỗi lớp chỉ có một vài học viên để đảm bảo chất lượng học tập.
Học sinh đủ các lứa tuổi, trình độ, từ 5 - 30 tuổi, thậm chí có những người 35, 36 tuổi vẫn đến lớp học. Ngoài các em nhỏ là con em cộng đồng người Việt, còn có các bé là con lai hoặc các bé người Pháp được bố mẹ khuyến khích học thêm một ngôn ngữ mới.
Cô Cấn Anh Claudine tốt nghiệp chuyên ngành văn, cô làm công việc dạy tiếng Việt một phần là do truyền thống gia đình, phần khác là do yêu và mong muốn truyền bá ngôn ngữ tiếng Việt cho các cháu nhỏ, con em người Việt tại Pháp.
Trong khi đó, thầy Cấn Văn Kiệt là thành viên của Hội Người Việt Nam tại Pháp từ những năm 1960. Ông rất tâm huyết và gắn bó với các hoạt động của cộng đồng người Việt tại đây với mong muốn dùng tiếng Việt để làm cầu nối giữa bà con kiều bào với quê hương, đặc biệt là kết nối các thế hệ thứ hai, thứ ba với cội nguồn dân tộc.
Cô giáo Cấn Anh Claudine thường dạy các em nhỏ từ 5 - 14 tuổi, còn thầy Cấn Văn Kiệt lại phụ trách các học viên lớn tuổi, có trình độ cao hơn. Cô dạy chữ, dạy hát; thầy bên cạnh việc dạy tiếng Việt còn truyền thụ cho học sinh kiến thức về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của đất nước Việt Nam. Trong gần 40 năm qua, hai thầy cô đã đào tạo khoảng 700 học sinh, trong đó có nhiều em theo học suốt 9 - 10 năm để thi tú tài môn ngoại ngữ tiếng Việt.
Hai thầy cô cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Pháp luôn mong các thế hệ Việt kiều thứ ba, thứ tư luôn hướng về Việt Nam, yêu đất nước Việt Nam và học tiếng Việt để kết nối với nguồn cội của mình.