Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai.

Qua 4 năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng hơn 20 tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc và dự kiến đưa vào vận hành "Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia" trong năm 2022. Đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP bổ sung quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số 74/2018/NĐ-CP.

Mục tiêu đến năm 2025 là hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc. Xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó là đạt được tối thiểu 30% các doanh nghiệp sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định: Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động bởi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Truy xuất nguồn gốc được xác định là một trong những khâu đột phá và ngày càng trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường khi nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời, truy xuất nguồn gốc góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, truy xuất nguồn gốc đang trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường. Nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa như lương thực, thực phẩm… việc truy xuất nguồn gốc được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong xu thế hội nhập là tất yếu để người tiêu dùng đến doanh nghiệp nhận diện được giá trị sản phẩm, đặc biệt truy xuất nguồn gốc còn là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên nhận diện được giá trị tham gia vào chuỗi cung ứng. Một hệ thống truy xuất nguồn gốc cần có sự liên kết giữa các mắt xích, các đơn vị trong chuỗi để mang lại lợi ích cho các bên tham gia, tăng tính minh bạch, qua đó nâng cao uy tín của các sản phẩm trên thị trường. Không chỉ vậy, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Nguyễn Lê và nhóm PV, BTV