Phải chăng đây là một hiện tượng đặc sắc mà các nhà nghiên cứu cần dày công tìm tòi để rút ra bí kíp phổ biến rộng rãi cho người dân học hỏi?

Theo thông tin của lãnh đạo thành phố Hà Nội, vụ việc liên quan đến “cả họ làm quan” tại huyện Mỹ Đức mới đây chỉ là ngẫu nhiên và đúng quy trình. Câu “ngẫu nhiên” này sao mà thân thuộc, từa tựa như câu "đúng quy trình" đã nghe… mòn tai.

Bí kíp nào để ngẫu nhiên cả họ làm quan?

Nhìn vào lịch sử dân tộc, không phải không có những dòng họ làm quan. Ví như  họ Nguyễn Tiên Điền ở Hà Tĩnh, dòng họ đã cống hiến cho dân tộc Việt đại thi hào Nguyễn Du, nổi tiếng với câu ca dao: “Bao giờ ngàn Hống hết cây, Sông Rum hết nước, họ này hết quan”.

Chỉ có điều dòng họ Nguyễn Tiên Điền được dân tin phục, bởi làm quan nhưng đa phần người của dòng họ này đều dòng dõi khoa bảng. Họ làm quan do tài năng, khả năng học vấn cao, làm nhiều việc ích nước lợi dân.

Hơn nữa, để có một dòng họ làm quan ghi dấu ấn như họ Nguyễn Tiên Điền, không đơn giản chỉ trong một đời mà cả quá trình rất lâu dài.  Xét từ thời Nguyễn Nhiệm đến đời Nguyễn Thế, 4 đời đầu, cứ tuần tự nhi tiến, chưa có gì hưng phát, nổi bật. Từ đời thứ 6 thì dòng họ Nguyễn Tiên Điền bước vào thời kỳ cực thịnh, phát danh về con đường khoa bảng. Thời Lê – Nguyễn, Tiên Điền có 6 người đỗ đại khoa thì 4 người trong số đó đều là người họ Nguyễn. Dưới thời Lê – Trịnh, họ Nguyễn có khoảng 40 người làm quan, nổi tiếng nhất vẫn là hai cha con Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản, đều đỗ đại khoa, từng đảm đương những chức vụ cao nhất nhì trong triều Lê – Trịnh.

Những cái tên “vang bóng một thời” là minh chứng rõ nét nhất cho dòng họ khoa bảng này như: Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Huệ (tiến sĩ), Nguyễn Nghiễm (hoàng giáp), Nguyễn Khản (tiến sĩ), Nguyễn Điều (phó bảng), Nguyễn Tán (tiến sĩ), Nguyễn Mai (tiến sĩ)…

Tính ra thì mất cả trăm năm rèn giũa, nuôi dạy con cháu đèn sách, nhắc nhở giữ nếp nhà khoa bảng, dòng họ Nguyễn Tiên Điền mới có thể có chừng đó vị quan. Rõ ràng, tài đến như họ Nguyễn Tiên Điền mà cũng chưa thấy “ngẫu nhiên” làm quan được.

Nay “ngẫu nhiên cả họ làm quan” trong ngay một, hai thế hệ của dòng họ Lê tại huyện Mỹ Đức Hà Nội và chắc còn ở một số nơi khác trên cả nước, phải chăng là một hiện tượng đặc sắc mà các nhà nghiên cứu cần dày công tìm tòi để rút ra bí kíp phổ biến rộng rãi cho người dân học hỏi? Bởi có ai lại không thích cả họ nhà mình cũng được vinh hiển, được thăng quan tiến chức. Nếu có bí kíp rút ngắn thời gian khiến nhà nhà làm quan, họ họ làm quan, chắc bỏ vàng mười cũng vô số người muốn mua.  

{keywords}
Có bí kíp nào để "ngẫu nhiên cả họ làm quan"?

Đương nhiên cả làng làm dân?

Trở lại câu chuyện “ngẫu nhiên cả họ làm quan” thì có thể hiểu rằng nếu không có bí kíp nào, hay không có tiền mua bí kíp thì đa phần các gia đình sẽ tiếp tục sống cuộc sống “đương nhiên làm dân”. Chỉ có điều đáng tiếc là trong số những dòng họ “đương nhiên làm dân” này chắc chắn không thiếu nhân tài. Nếu những nhân tài đó được phát huy tài năng, trau dồi năng lực, kinh qua các vị trí quan trọng thì có rất nhiều cơ hội giúp dân giàu nước mạnh.

Bàn về người tài, chúng ta dễ liên tưởng đến Singapore, một đất nước mà trong thành công có được ngày nay không thể không kể đến chính sách trọng dụng nhân tài nổi tiếng. Lãnh đạo quốc đảo sư tử dùng người tài để phục vụ mục tiêu chung của dân tộc với tiêu chí đánh giá năng lực rõ ràng, có cơ chế tốt để hấp dẫn và khuyến khích người tài.

Tiêu chí đánh giá năng lực của Singapore bao gồm: những thành tựu đã được công nhận, khát vọng cống hiến và thư giới thiệu, đánh giá của những người có uy tín trong xã hội. Một người muốn được thăng chức, ngoài những kết quả đã đạt được, phải có thư đánh giá của 6 người có uy tín ở bên ngoài cơ quan, không có họ hàng hay quyền lợi gì liên quan. Ngoài ra, cơ quan cũng tự tìm những người khác đánh giá về cá nhân này để đảm bảo tính khách quan và đúng đắn trong việc nhìn nhận một con người.  

Lại trộm nghĩ, nếu một người tài ở VN mà không có quan hệ quen biết, không có “ngẫu nhiên” cả họ làm quan… mà đi xin thư đánh giá khách quan của 6 người như trên để thăng tiến, thì liệu có xin được không nhỉ?

Và vì thế nên ta vẫn có những chuyện “ngẫu nhiên cả họ làm quan” và “đương nhiên cả làng làm dân” mà thôi.

Nguyễn Anh Thi