- "Chứng minh rằng vùng biển nước ta giàu tài nguyên khoáng sản và nguồn lợi sinh vật biển. Các huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Vân Đồn, Cồn Cỏ thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào?" - câu hỏi được đưa vào đề môn Địa (khối C) thi ĐH sáng 10/7.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Câu hỏi trên nằm ở Phần đề riêng (2 điểm) của đề thi chính thức môn Địa thi ĐH. Thí sinh được chọn 1 trong hai câu.

Phần đề riêng thi ĐH môn Địa năm 2012

Trước đó, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT một trong các câu hỏi trong buổi thi tự luận môn Địa lí vào sáng Chủ nhật ngày 3/6 là việc đánh bắt xa bờ ‘có ý nghĩa như thế nào đối với việc bảo vệ an ninh quốc phòng’.

Đề thi tốt nghiệp được giới chuyên gia nhận xét hay và mang tính thời sự rất cao.

Đề thi tuyển sinh ĐH môn Địa lý năm 2011, ở phần chung dành cho tất cả thí sinh có câu: "Chứng minh rằng Duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều thuận lợi về tự nhiên để phát triển kinh tế. Hãy kể tên hai quần đảo xa bờ thuộc vùng này và ba đảo đông dân có diện tích vào loại lớn nhất nước ta". Theo thang điểm của Bộ GD-ĐT thí sinh làm trọn vẹn câu này sẽ được điểm tối đa 1,5.

Trúng tủ

Đề thi Địa lí khối C được nhiều thí sinh đánh giá vừa sức, nội dung yêu cầu cơ bản. Nhiều thí sinh được hỏi dự tính sẽ được điểm cao.

Thí sinh đối chiếu đáp án (Ảnh Lê Anh Dũng)

Theo nhận định của một số thí sinh, đề Địa lí năm nay dễ hơn so với năm ngoái, mang tính thực tiễn cao, chạm đến các vấn đề "nóng" về kinh tế - chính trị - xã hội, được nhiều người quan tâm. Kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình sách giáo khoa lớp 12, phần bài tập khá đơn giản vì không phải xử lý số liệu, cách hỏi trong đề rõ ràng nên học sinh chỉ cần đọc đã hiểu và "nhắm trúng" dạng biểu đồ, ít bị nhầm lẫn như các năm trước.

Câu số 1 được xem là phần gắn liền với thực tiễn nhất. Để làm được trọn vẹn, không sót ý, học sinh phải vững kiến thức cơ bản đồng thời nắm bắt rõ nguyên nhân, tính chất, quy luật về bão ở nước ta thì mới phân tích chính xác, chi tiết quá trình hoạt động và hậu quả của bão và giải thích được lý do gây mưa tại miền Nam, Bắc và tháng 9 ở miền Trung.

Riêng phần hậu quả của bão gây ra đòi hỏi thí sinh liên hệ thực tế dựa trên quan sát, tìm hiểu kiến thức trên sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng chứ không đơn thuần chỉ thuộc lòng trong sách giáo khoa một cách cứng nhắc.

Trịnh Thị Thùy Trang (quê Thái Bình) cho biết: "Câu về bão em làm ưng ý nhất vì trong quá trình học em tìm hiểu rất kỹ về các vấn đề tự nhiên. Phần dân số và các vùng kinh tế em cũng làm được do chuẩn bị đầy đủ, không bỏ sót phần nào. Với đề này, học sinh lực học trung bình dễ dàng đạt từ 6 điểm. Em tự tin mình đạt khoảng 7, 8 điểm".

Câu hỏi về biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Vân Đồn, Cồn Cỏ không gây bất ngờ cho thí sinh. Nhiều em đã "dự đoán" trước sẽ có một câu rơi vào vấn đề này nên ôn khá kỹ và không mất nhiều thời gian để giải quyết phần bài làm.

"Mấy năm nay đề thi thường có phần về biển đảo, thêm vào đó trên các thông tin từ báo đài thường xuyên nhắc tới vấn đề chính trị liên quan tới biển Đông, đảo Trường Sa, Hoàng Sa nên em cùng các bạn khoanh vùng ôn kỹ phần này. Nhìn chung đề thi không khó, vừa sức với học sinh và rất hay vì đã bám sát dòng thời sự". Mai Phương - học sinh giỏi môn Địa (Trường THPT Lê Hồng Phong, Nam Định) nhận xét.

171 thí sinh bị đình chỉ
Báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, kết thúc đợt 2 có 171 thí sinh bị đình chỉ thi, lỗi chủ yếu do mang điện thoại di động sử dụng tài liệu trong phòng thi. Đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót.
  • Văn Chung

  • Nguyễn Hiền - Thu Thảo

SOẠN TIN
DT <SBD> gửi 6524
Nhận kết quả điểm thi ngay khi công bố
 
DTG  <SBD> gửi 6724
Nhận gói điểm thi (điểm thi, chỉ tiêu, xếp hạng)
 
DC <mã trường> <khối> gửi 6524
Nhận điểm chuẩn ngay khi công bố
 
XH <SBD> gửi 6524
Để biết thứ hạng của mình so với các thí sinh khác