- Nhiều góp ý, đề xuất đã được đưa ra trong hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục diễn ra chiều ngày 18/4.
Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục diễn ra chiều ngày 18/4 |
‘Nội dung bắt buộc là bóp méo chương trình”
Một trong những thay đổi lớn nhất trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 73 là các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông dạy chương trình của nước ngoài được quyết định tỷ lệ học sinh Việt Nam theo học chương trình giáo dục này, thay vì yêu cầu 10% học sinh Việt Nam cho cấp tiểu học và 20% cho cấp trung học.
Tuy nhiên, chương trình giảng dạy cho học sinh Việt Nam yêu cầu phải có các nội dung giáo dục bắt buộc theo quy định.
Bà Hồ Thúy Ngọc – đại diện tới từ ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng quy định này sẽ là một điểm trừ, một rào cản trong việc tiếp nhận các chương trình nhập khẩu hoàn toàn của nước ngoài.
“Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề những môn học bắt buộc của Việt Nam, chúng tôi nhận được sự phản đối kịch liệt của các đối tác. Họ là người cấp bằng và họ yêu cầu chương trình phải là của họ. Họ không đồng ý đưa thêm nội dung bắt buộc của chương trình Việt Nam vào. Bản thân tôi cũng không tìm thấy một cơ sở hợp lý để thuyết phục được đối tác trong vấn đề này”.
Bà Hồ Thúy Ngọc – đại diện tới từ ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng quy định đưa nội dung bắt buộc vào chương trình của nước ngoài sẽ là một điểm trừ |
Bà Ngọc đề xuất: “Có chăng các nội dung bắt buộc nên để ở dạng sinh hoạt chuyên đề, bổ sung thêm cho chương trình học thì có thể sẽ dễ được đối tác chấp nhận hơn và cũng hợp lý hơn trong việc triển khai”.
“Còn nếu nội dung bắt buộc của Việt Nam cũng đưa vào chương trình liên kết thì sẽ là sự bóp méo chương trình của họ” – đại diện của ĐH Ngoại thương Hà Nội khẳng định.
Đồng tình với bà Ngọc, ông Nguyễn Xuân Đậu – đại diện của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chia sẻ: “Khi chúng tôi đưa chương trình đào tạo ra thì có trường nói rằng họ không quan tâm đến chương trình của Việt Nam. Họ cấp bằng thì họ chỉ quan tâm đến chương trình của họ thôi”.
Theo ông Đậu, đây không chỉ là vấn đề của riêng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, mà là vấn đề của rất nhiều trường.
“Tất nhiên chúng ta làm việc ở Việt Nam thì phải theo luật pháp của Việt Nam. Nhưng có những vấn đề hợp tác với nước ngoài thì chúng ta phải lưu tâm đến luật của nước ngoài. Trong Nghị định có nhiều quy định đặt ra theo luật của Việt Nam nhiều hơn, mà không quan tâm đến luật của nước ngoài. Tôi đề nghị ban soạn thảo làm thế nào để các trường Việt Nam có điều kiện hòa nhập tốt hơn” – ông nói.
Nêu ý kiến về vấn đề này, một đại diện người nước ngoài tới từ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam khẳng định, yêu cầu về nội dung bắt buộc trong chương trình của Việt Nam rất khó thực hiện với họ.
Vốn đầu tư 1.000 tỷ dựa trên cơ sở nào?
Đặt câu hỏi về số vốn đầu tư của cơ sở đào tạo nước ngoài, ông Võ Thanh Bình – Trưởng ban Tổ chức phát triển Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói: “Tại sao trước đây cơ sở đào tạo nước ngoài chỉ cần vốn đầu tư 300 tỷ đồng, mà bây giờ lại là 1000 tỷ đồng. Cơ sở nào đưa ra con số này?”
Ông Võ Thanh Bình – Trưởng ban Tổ chức phát triển Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam |
Từ góc nhìn của một luật sư, bà Nguyễn Kim Dung - Giám đốc pháp chế của Apollo Việt Nam và ĐH Anh Quốc cho rằng quy định vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng là hợp lý, nhưng quy định về việc xác định nguồn vốn là chưa hợp lý khi yêu cầu xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư.
“Khi vào Việt Nam, trong giai đoạn xin cấp phép đầu tư và thành lập, nhà đầu tư chỉ có thể chứng minh họ có đủ nguồn vốn minh chứng bằng báo cáo kiểm toán (tài sản sở hữu và vốn chủ sở hữu), cộng với nguồn vốn vay (nếu có) để chứng minh họ có đủ khả năng đầu tư thành lập trường. Vì vậy, việc xác định bằng tiền mặt là chưa hợp lý. Việc xác định bằng tài sản đã chuẩn bị để đầu tư cũng chưa hợp lý trong giai đoạn xin cấp phép đầu tư vì giai đoạn này chỉ là đề án thành lập” – bà Dung diễn giải.
Ở một góc nhìn khác, đại diện của Trường Cao đẳng ASEAN (Hưng Yên) cho rằng con số 1.000 tỷ đưa ra chỉ là “nói đại”. Bởi vì, “với những trường chỉ dạy ngoại ngữ, kinh tế thì 1.000 tỷ là quá dư, nhưng nếu chế tạo máy bay, đào tạo khoa học kỹ thuật thì mấy nghìn tỷ cũng không đủ. Tôi cho rằng Nghị định đưa ra con số không hợp lý, không sát thực tế thì sau đó lại tiếp tục ra nhiều Thông tư hướng dẫn, gây khó cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Tại sao phải 5 năm kinh nghiệm và 50% Tiến sĩ?
Một trong những vấn đề mà đại diện của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam quan tâm là quy định yêu cầu 5 năm kinh nghiệm của giảng viên và tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trong cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, khoản 2 điều 10 về điều kiện đối với đội ngũ nhà giáo của dự thảo có viết: “Giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các chương trình liên kết đào tạo phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy”.
Về tỷ lệ giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ, khoản 4 điều 29 quy định: “Đối với cơ sở giáo dục đại học, giảng viên ít nhất phải có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không ít hơn 50% tổng số giảng viên…”
Nhận xét về 2 quy định này, đại diện từ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng: “Cần rõ ràng hơn về ý nghĩa của việc yêu cầu kinh nghiệm 5 năm hay tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không dưới 50%… Tôi tin rằng chất lượng đào tạo quan trọng hơn những tiêu chí mơ hồ này”.
Bà Nguyễn Kim Dung - Giám đốc pháp chế của Apollo Việt Nam và ĐH Anh Quốc bày tỏ băn khoăn về cách thức chứng minh nguồn vốn đầu tư, tiêu chí đối với giảng viên người nước ngoài |
Một vấn đề khác về yêu cầu với đội ngũ nhà giáo được bà Nguyễn Kim Dung đưa ra là, theo khoản 4 điều 10, văn bằng của các giảng viên là người nước ngoài và văn bằng của giảng viên Việt Nam được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của Luật giáo dục đại học.
Theo bà Dung, quy định này sẽ tạo thêm rào cản trong việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài. “Khi giảng viên nước ngoài vào Việt Nam, ngoài việc cung cấp bằng cấp thì theo quy định tại điều này, họ phải cung cấp minh chứng về chương trình đào tạo đã được kiểm định hoặc giấy phép của cơ sở giáo dục nước ngoài nơi họ được cấp bằng. Điều này sẽ kéo theo hàng loạt các thủ tục pháp lý về hợp pháp hóa lãnh sự, dịch công chứng hồ sơ của trường và chương trình họ đã học”.
Điều 10 cũng quy định văn bằng của giảng viên nước ngoài phải đủ điều kiện được công nhận ở Việt Nam, Bộ đã có các quy định này hay chưa? Bước này lại thêm một thủ tục hành chính kèm các giấy tờ pháp lý. Theo quy định này thì một giảng viên đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng rất nhiều quy định về thủ tục hành chính, từ đó tạo rào cản trong việc tuyển dụng giảng viên có trình độ từ nước ngoài – bà nói.
Ngoài một số vấn đề được quan tâm chung, một số đại biểu cũng đặt câu hỏi cho những quy định nhỏ khác như: có nhất thiết phải quy định máy móc 5m2/ sinh viên, trong khi xu thế đào tạo đang là 2-3 ca/ phòng học trong một ngày, học 3 học kỳ/ năm hoặc liên kết về mặt bằng với các cơ sở khác; nên chăng đưa ra quy định các trường đã qua kiểm định chất lượng đào tạo cũng được nhận các quyền tương tự như các trường tự chủ?; trường mầm non có cần phải giáo viên trình độ từ cao đẳng trở lên?...
Vì quyền lợi của người học
Ông Nguyễn Xuân Vang – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo - cho rằng, con số 1.000 tỷ đồng không có gì khó khăn với các nhà đầu tư nước ngoài |
Trên tinh thần lắng nghe và chắt lọc ý kiến của các cơ sở giáo dục, các ban, Bộ, ngành cho Nghị định sửa đổi, ông Nguyễn Xuân Vang – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phản hồi về một số vấn đề mà các đại biểu đưa ra.
Về con số 1.000 tỷ, ông cho biết, thời gian tới sẽ ban hành Nghị định về điều kiện đầu tư trong nước do Thủ tướng phê duyệt, trong đó quy định thành lập trường đại học Việt Nam phải có tối thiểu 1.000 tỷ đồng. “Trường đại học Việt Nam đã quy định như vậy, nên con số đưa ra cho cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài dựa trên con số này”.
"Ban đầu, Hiệp hội Luật sư Hà Nội gửi khoảng 50 ý kiến về sửa đổi, cho tới nay bản dự thảo cuối cùng gần như đã hoàn chỉnh. Có rất nhiều điểm đã được sửa đổi và phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp. Đặc biệt, sự sửa đổi đầu tiên là từ 6 bộ hồ sơ bây giờ chỉ còn 1 bộ hồ sơ. Chúng tôi rất mừng". Bà Nguyễn Kim Dung - Giám đốc pháp chế Apollo Việt Nam |
Ông Vang cũng cho rằng, con số 1.000 tỷ đồng (tương đương hơn 40 triệu USD) không phải là lớn với một cơ sở đào tạo. “Tôi tin rằng mức đầu tư này không có gì khó khăn với các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện đã có những trường có vốn đầu tư nước ngoài như ĐH Việt Đức, ĐH Việt Nhật có vốn đầu tư từ 100 triệu USD đến 200 triệu USD”.
"Ngoài ra, số vốn đầu tư này không phải xuất trình ngay từ đầu, mà sẽ có lộ trình" – ông Vang cho biết.
Về nội dung bắt buộc cho học sinh Việt Nam trong chương trình đào tạo của nước ngoài, ông Vang cho biết đây là ý kiến của nhiều ban ngành. “Mặt khác, chúng ta là người Việt Nam, học ở Việt Nam, chúng ta nên có màu cờ sắc áo của Việt Nam. Những nội dung này có thể đưa hoặc không đưa vào trong văn bằng, không bắt buộc. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu về vấn đề này, tuy nhiên bỏ ra sẽ rất khó”.
Trả lời thắc mắc về kinh nghiệm và trình độ của giáo viên, thành viên ban soạn thảo dự thảo này cho biết, “giáo viên ngoại ngữ sẽ không yêu cầu trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ. Quy định tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ không dưới 50% là trích từ Luật giáo dục đại học. Những môn đặc thù như ngoại ngữ, nghệ thuật cũng không cần giáo viên có 5 năm kinh nghiệm”.
Các thủ tục hành chính mặc dù được đánh giá là đã có những thay đổi đột biến, tuy nhiên vẫn còn những nguyện vọng giảm nhẹ hơn nữa các thủ tục rào cản, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế chia sẻ, “năm 2011-2012 có nổi lên một loạt vi phạm về liên kết đào tạo nước ngoài (không phép). Ngay cả những trường lớn cũng có liên kết với các trường không được kiểm định của nước ngoài. Khi đó ai sẽ là người chịu thiệt thòi? Chính là con cái chúng ta. Những thủ tục và kiểm duyệt này không phải là Bộ gây khó khăn, mà là vì quyền lợi của người học”.
- Nguyễn Thảo