Hãy đặt địa vị mình vào một học sinh đã từng đọc và xem phim Harry Potter, có lẽ chúng ta cũng sẽ phải thốt lên – trường mình còn lạc hậu hơn trường phù thủy Hogwarts đến mấy trăm năm, và nhiều thầy cô cứ như thể… zombie!!!
Có thể việc nhận xét thay chấm điểm, thi trắc nghiệm… là tiến bộ thật, nhưng cái cách người ta mang lại sự tiến bộ ấy mới đáng nói.
Bởi vậy, thay vì dạy con cách thích nghi, phụ huynh “la toáng lên” chính là sự lên tiếng đòi hỏi một giá trị- Tại sao không cho chúng tôi nhiều sự lựa chọn? Tại sao, chúng tôi – những người chịu tác động/có quyền lợi liên quan lại không được hỏi ý kiến về quyết định này?
Lúc còn nhỏ, tôi học khá văn, sử, địa, còn các môn tự nhiên chỉ ở mức trung bình. Các cô giáo dạy toán, lý, hóa không hài lòng vì “giỏi thì phải giỏi toàn diện”.
Khi là sinh viên, tôi thích học tiếng Pháp và chữ Hán, không muốn học tiếng Nga. Tôi lên khoa và phòng giáo vụ xin được học tiếng Pháp và chữ Hán tại chính Trung tâm tiếng Pháp và Trung tâm Hán ngữ của trường lấy bằng C thay cho môn tiếng Nga. Khoa và phòng giáo vụ lắc đầu – không được, nhà trường đã sắp xếp học tiếng Nga rồi.
Ngược lại, con tôi học khá toán, lý, hóa. Thấy cháu đánh vật với môn Sử, tôi bày cho cháu cách lập sơ đồ lịch sử. Cháu có vẻ hào hứng vì được “viết lại lịch sử” bằng sơ đồ có hơi hướng toán học, hơn là phải học thuộc lòng tràng giang đại hải. Nhưng hôm sau, cháu mếu máo – Cô giáo bắt vứt đi, không cho học cách của bố. Tôi gặp, cô ấy phân trần – Em biết cách của bác giúp cháu hào hứng nhưng bác thông cảm, “quy định của Bộ” là như thế, em không làm khác được. Với lại, nếu mỗi cháu một cách học thì chúng em biết theo “chuẩn” nào?
Nền giáo dục nước ta vẫn chưa “thích nghi” được với sự thay đổi của xã hội, chưa chấp nhận sự đa dạng của học sinh, phụ huynh. Ảnh minh họa |
Ba câu chuyện trên cho thấy, hai thế hệ đã đi qua, nhưng nền giáo dục nước ta vẫn chưa “thích nghi” được với sự thay đổi của xã hội, chưa chấp nhận sự đa dạng của học sinh, phụ huynh.
Và đây là hai câu chuyện khác.
Trong cuốn tự truyện “Một tia nắng nhạt”, nhà văn Nguyễn Khải kể chuyện ông chú mới học hết “đíp-lôm” (tương đương lớp 9 bây giờ) làm giáo viên dạy sơ học. Ông tự viết sách giáo khoa, được nhà trường trình lên Sở Học chính Bắc Kỳ xem xét, cho phép sử dụng trong trường. Có lẽ, là giáo viên có kinh nghiệm, ông biết SGK cần phải viết như thế nào thì phù hợp nhất với học sinh của trường ông.
Tìm hiểu kỹ, thì sách giáo khoa thời Pháp thuộc khá “lộn xộn” chứ không được “thống nhất, đồng bộ” như bây giờ, áp dụng giống nhau cho học sinh từ rẻo cao biên giới đến trung tâm Hà Nội, TPHCM. Đổi mới giáo dục hơn 40 năm rồi mà mới chỉ rụt rè (đề xuất chứ chưa thực hiện) “một chương trình nhiều bộ SGK”
Tôi ấn tượng với một giảng viên Thụy Điển khi ông giảng về quản lý. Gập tờ giấy làm đôi rồi xé. Gập tiếp làm tư, làm tám, làm mười sáu… mỗi lần gập một lần xé. Cuối cùng, ông hỏi – hãy so sánh 16 mảnh xem có giống nhau, có bằng nhau không? Kết luận của ông là – con người cũng như vậy, mỗi người là một cá thể không giống nhau. Quản lý mà đặt ra các yêu cầu giống nhau, bằng nhau ở tất cả mọi đối tượng quản lý là điều không tưởng.
Từ hai câu chuyện trên, có thể thấy- nỗi lo nếu không rèn luyện khả năng thích nghi thì các cháu sẽ khủng hoảng khi tiếp xúc với một nền giáo dục, một nền văn hóa khác của Hoàng Hường (tác giả bài "Cuộc đời này đâu chỉ có mỗi bài thi" là thừa thãi. Tôi nghĩ ngược lại - chính cách tiếp cận giáo dục mang tính thân thiện, chấp nhận sự đa dạng, khác biệt của từng học sinh, sinh viên cụ thể, đã làm nên thành công của những nền giáo dục tiên tiến. Trong số hàng trăm nghìn sinh viên du học, trừ số ít xuất sắc, còn lại khả năng học, khả năng thích nghi cũng thường thường bậc trung, nhưng khi trở về hoặc ở lại nước ngoài phần lớn là thành công.
Ngược lại, ở ta, nếu Hoàng Hường dự một cuộc họp phụ huynh thì sẽ thấy, có đến một nửa thời gian nói của giáo viên chủ nhiệm là phàn nàn các cháu thiếu nề nếp, đề nghị gia đình hợp tác để “uốn nắn các cháu vào khuôn khổ”. Kiểu tóc của cầu thủ Ronaldo đẹp đấy chứ! Nhưng cháu tôi bị cô giáo yêu cầu cắt đi, vì “nhìn như trai lơ thế nào ấy, không đứng đắn”. Tuần sáu ngày bắt mặc đồng phục cả hai buổi. Nữ sinh bị cấm nhuộm tóc, cấm tô môi son má phấn, kẻ lông mày và sơn móng tay móng chân. Thô bạo hơn là khám cặp thu điện thoại di động, cấm đưa chuyện của lớp, của trường lên Facebook…
Hãy đặt địa vị mình vào một học sinh đã từng đọc và xem phim Harry Potter, có lẽ chúng ta cũng sẽ phải thốt lên – trường mình còn lạc hậu hơn trường phù thủy Hogwarts đến mấy trăm năm, và nhiều thầy cô cứ như thể… zombie!!!
(Còn tiếp)
Vũ Trung Hiếu