
Trao đổi với VietNamNet, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GD-ĐT) cho hay, nhằm thực hiện việc khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đúng với chủ trương của Chương trình phổ thông 2018 và Luật Giáo dục, Bộ hướng đến việc hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với THCS và THPT với những trường đủ điều kiện.
Qua khảo sát thực tế của Bộ GD-ĐT, trường THCS và THPT với tỷ lệ đảm bảo điều kiện 1 phòng học/1 lớp và giáo viên đảm bảo đủ định mức khá cao. Hiện, trên toàn quốc, trên 60% số trường THCS và trên 80% số trường THPT đủ điều kiện về cơ sở vật chất để dạy học 2 buổi/ngày.
Tuy nhiên, ông Tài nhấn mạnh, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ chỉ triển khai đối với những trường học đảm bảo đã đủ điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên.

Đối với những trường đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, theo đại diện Bộ GD-ĐT, tùy theo kế hoạch giáo dục, các trường bố trí thời khóa biểu buổi 2 trong ngày. Theo đó, thay vì trước đây, học sinh học 1 buổi và đến tận 5 tiết chính khóa; tới đây số tiết chính khóa sẽ giãn ra ở 2 buổi và giáo viên có thêm thời gian hướng dẫn học sinh tự học hoặc trường có một số tiết khác đáp ứng một số nội dung theo nhu cầu người học và thực tiễn cuộc sống đặt ra như: Năng lực số, AI, hướng nghiệp để các em chọn ngành nghề đúng,...
“Trong trường hợp các trường sử dụng buổi 2 trong ngày để giãn thời lượng dạy học chính khóa thì bắt buộc tất cả học sinh sẽ phải học. Còn với các nội dung nằm ngoài chương trình chính khóa như chủ đề khác nhau nhằm hình thành năng lực, kỹ năng, giúp học sinh có thêm trải nghiệm thì tổ chức dạy học theo nhu cầu của người học. Trong trường hợp này, sẽ không tổ chức dạy học, hoạt động theo biên chế lớp ở buổi chính khóa mà dưới các hình thức câu lạc bộ, các lớp linh hoạt cho học sinh ở nhiều lớp, khối lớp khác nhau nhưng có chung nhu cầu”, ông Tài nói.
Ông Tài cho hay, nếu các trường bố trí chia chương trình chính khóa ở cả 2 buổi/ngày thì đương nhiên tất cả học sinh bắt buộc phải tham gia và trường hợp này, nhà trường không được thu tiền học buổi 2 của học sinh.
Còn các nội dung dạy học, tổ chức hoạt động nằm ngoài chương trình chính khóa giúp học sinh tăng cường năng lực, kỹ năng trong các chủ đề cụ thể thì được phép thu tiền.
“Mức thu theo Nghị định 24/2021 của Chính phủ và HĐND tỉnh sẽ xác định nội dung, mức thu trên địa bàn. Song, với các nội dung có thu tiền này thì không được bắt buộc học sinh đăng ký học mà việc tổ chức dạy học, hoạt động theo nhu cầu, trên nguyên tắc tự nguyện”, ông Tài nói.


Trung tâm dạy thêm tràn lan, phụ huynh phải đóng phí cao hơn, kiểm soát ra sao?
