Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lữ Thanh Hà – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong cho biết, toàn huyện có hơn 20.000 học sinh từ các cấp Mầm non, Tiểu học và THCS. Sau một thời gian phải tạm dừng dạy học vì có ca nhiễm Covid-19, đến nay, 13 xã, thị trấn đang áp dụng dạy học online và dạy trực tiếp.
Theo ông Hà, Quế Phong là một huyện nghèo ở biên giới, các thiết bị dạy và học đang gặp khó khăn. Nhiều học sinh không có máy tính hoặc điện thoại để học bài.
Một số địa bàn chưa có sóng điện thoại như Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (300 học sinh – PV) và Tiểu học Cắm Muộn 2. Do chưa có sóng điện thoại nên học sinh tại đây được phân theo khối để học ca sáng và chiều.
Học sinh ở huyện Quế Phong dựng lán trên núi học online |
Cũng theo ông Hà, toàn huyện Quế Phong hiện còn 2 xã đang thực hiện Chỉ thị 16 là Mường Nọc và Tri Lễ. Riêng 11 xã còn lại đang thực hiện Chỉ thị 15, trong vài ngày tới nếu không có ca nhiễm Covid-19 thì sẽ chuyển sang thực hiện Chỉ thị 19. Lúc này, việc dạy học trực tiếp sẽ trở lại bình thường, tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế.
“Riêng những học sinh không mua được máy để học online thì giáo viên sẽ đi giao bài tập tại nhà. Còn những địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 thì sẽ giao ở chốt và Tổ Covid cộng đồng sẽ mang đến từng bản cho học sinh” – ông Hà chia sẻ.
Học trực tuyến gặp khó khăn cho cả thầy, cô, phụ huynh và học sinh ở miền núi Nghệ An - Ảnh: Thanh Xuân |
Ông Phan Trọng Trung – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho biết, việc học trực tuyến còn gặp rất nhiều khó khăn. Địa phương đã lên lịch, chia học sinh thành từng nhóm để dạy học trực tiếp.
“Đến nay toàn huyện đã cho dạy trực tiếp, tuy nhiên việc dạy trực tuyến vẫn được duy trì để giáo viên làm quen thiết bị, phương thức để khi có diễn biến mới thì dễ dàng áp dụng. Việc dạy trực tuyến duy trì mỗi tuần 1 đến 2 buổi ôn bài và không phải giáo viên nào cũng thành thạo” – ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, ở vùng sâu vùng xa việc dạy online gặp khó khăn như sự cố mất điện, thiết bị không đảm bảo xuyên suốt để dạy và học. Huyện Con Cuông có 13 xã, thị trấn nhưng còn có những điểm trường ở vùng sâu chỉ có 20 đến 30 học sinh.
Trong khi đó, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn Phan Văn Thiết cho biết, học sinh trên toàn huyện đã đến trường học trực tiếp và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Cô Nguyễn Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường THCS Hạnh Thiết (huyện Quỳ Châu) cho biết, sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát, giáo viên và học sinh đã đến trường thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Cô Quang Thúy Lê - Giáo viên chủ nhiệm lớp 7A cho biết, nhằm đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và dạy học trực tiếp tại trường được hiệu quả, mỗi buổi sáng, giáo viên sẽ nhắc các gia đình cần kiểm tra sức khỏe, các triệu chứng dấu hiệu sốt, ho… trước khi con đến trường.
Còn ở trường, học sinh được rà soát, kiểm tra sức khỏe để kịp thời phát hiện các triệu chứng liên quan đến dịch bệnh.
Dạy học trực tiếp tại Trường THCS Hạnh Thiết (huyện Quỳ Châu) trở lại sau gần 10 ngày học trực tuyến - Ảnh: Thanh Xuân |
Đảm bảo nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại trường học - Ảnh: Thanh Xuân |
Cũng theo giáo viên này, nhà trường chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng thiết bị, nước sát khuẩn phục vụ cho các hoạt động ở trường. Nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Trường THCS Hạnh Thiết chăng dây để phân luồng từng lớp học, giữ khoảng cách an toàn trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: Thanh Xuân |
Các em học sinh được đo thân nhiệt, đeo khẩu trang nghiêm túc trước khi đến trường... |
... lắng nghe học bài - Ảnh: Thanh Xuân |
Từng lối đi riêng cho học sinh, giáo viên để vào lớp học theo từng buổi cụ thể - Ảnh: Thanh Xuân |
Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 69.729 em thiếu thiết bị để học trực tuyến, trong đó có 42.449 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đến ngày 19/9, Sở GD&ĐT, Công đoàn ngành giáo dục đã vận động quyên góp được 2.833 điện thoại, 6.400 sim 3G, 110 máy vi tính, 125 triệu hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tổng giá trị gần 11 tỷ đồng.
“Việc dạy học trực tuyến đó là giải pháp tình thế nhưng trong thời điểm dịch này chưa kết thúc thì đây được coi là tối ưu. Học online là dịp để các em học sinh, giáo viên dần làm quen với công nghệ kỹ thuật số và đảm khung kế hoạch thời gian năm học kịp thời” – ông Hoàn nói.
Theo ông Hoàn, việc học trực tuyến còn gặp những khó khăn, nhất là khi địa bàn tỉnh Nghệ An rộng nhất cả nước. Hiện nay, một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, đường truyền mạng còn kém.
Nhiều học sinh chưa có thiết bị để theo học trực tuyến. Việc ứng dụng công nghệ không thể làm trong thời gian ngắn. Đối tượng học trực tuyến từ bậc THCS lên THPT thì ổn định. Thế nhưng ở bậc tiểu học thì còn gặp khó khăn về tâm lí học sinh và phương pháp học bài.
“Bộ và Sở đã có hướng dẫn để tinh giản các chương trình học. Triển khai chia thời gian học bài ở các cấp học để giảng dạy đối với từng cấp học. Mục đích là để gia đình có 2 đến 3 học sinh vẫn sử dụng một máy để học bài” – ông Hoàn chia sẻ.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Nghệ An đang triển khai chương trình “Sắm máy tính cho em” và “Thư viện máy tính”.
Quốc Huy
Thủ tướng chỉ đạo triển khai Chương trình 'Sóng và máy tính cho em'
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về xây dựng và triển khai Chương trình “sóng và máy tính cho em”.