Tháng 11 này, Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan (Việt Nam-Finland International School - VFIS) thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ được khởi công xây dựng. Đây là mô hình giáo dục Phần Lan đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Bà Trịnh Minh Huyền, Trưởng ban quản lý Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan, cho biết ý tưởng thành lập trường đã có từ 3 năm trước.

Theo bà Huyền trong quá trình đàm phán để đưa giáo dục Phần Lan về Việt Nam, khó khăn lớn nhất mà Trường ĐH Tôn Đức Thắng gặp phải là mô hình giáo dục phổ thông của Phần Lan (từ lớp 1 đến lớp 12) chưa xuất hiện ở quốc gia nào ngoại trừ một số trường tiểu học (đào tạo từ lớp 1 đến lớp 5) ở Qatar, nên khi nhận được đề nghị từ phía Việt Nam, họ rất bỡ ngỡ. Nhưng đến thời điểm này thì giáo dục Phần Lan đã có ở Trung Quốc, Singapore, Thái Lan…

Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan trực thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng được thành lập theo Quyết định 5834/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ngày 7/11/2016. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết để có được Quyết định của UBND TP.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã trải qua thời gian khá dài để chứng minh mô hình giáo dục này thực sự hiệu quả. Đặc biệt khi đây là mô hình trường quốc tế trong trường công, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

{keywords}
Bà Bà Trịnh Minh Huyền, Trưởng ban quản lý Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan

"Phần Lan chỉ có khung chương trình của Bộ, khung chương trình của trường và khung chương trình riêng của lớp chứ không có giáo trình. Khi chúng tôi đề cập mượn một bộ giáo trình để tham khảo, họ đã rất ngạc nhiên" - bà Huyền nhớ lại.

Học sinh sẽ học Lịch sử, Tiếng Việt, Đạo đức theo "phương pháp Phần Lan"

Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan sẽ được xây dựng trong khuôn viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Trường có một hầm, một trệt và 3 tầng lầu với tổng diện tích xây dựng hơn 40.000 m2 trên một mặt bằng 2 ha. Trường do đội ngũ kiến trúc sư Phần Lan trực tiếp thiết kế, giám sát.

Về chương trình giảng dạy, chuyên gia Phần Lan thực hiện xây dựng chương trình giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12 với 2 loại hình.

Thứ nhất, toàn bộ chương trình là của Phần Lan, được dạy học bằng tiếng Anh, và do giáo viên Phần Lan dạy học để lấy Bằng tú tài quốc tế.

Thứ hai là chương trình theo qui định của Bộ GD-ĐT Việt Nam với 50% tiếng Việt và 50% tiếng Anh để lấy bằng tú tài Việt Nam. 

{keywords}
Lớp học Phần Lan tại Việt Nam

Tuy nhiên, dù học chương trình quốc tế, học sinh cũng phải học những môn xã hội như Lịch sử, Tiếng Việt, Đạo đức bằng Tiếng Việt theo "phương pháp Phần Lan".

Đến thời điểm này, chương trình giảng dạy đã hoàn thiện và đang thực hiện dịch sang Tiếng Việt để in sách, trình Bộ GD-ĐT thẩm duyệt... 

Theo kế hoạch, đầu năm 2019, Phần Lan sẽ tuyển giáo viên. Phía Phần Lan sẽ đảm nhận toàn bộ giáo viên của nước họ để giảng dạy chương trình 100% tiếng Anh.

Đối với chương trình song ngữ, phía Phần Lan sẽ đào tạo giáo viên của họ. Còn Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự tuyển chọn giáo viên phù hợp, sau đó sẽ đào tạo những giáo viên này theo "phương pháp Phần Lan". Qua những khóa học này, giáo viên nào đạt yêu cầu mới được tuyển dụng.

"Chúng tôi cũng đặt vấn đề kiểm định chất lượng giáo viên với Phần Lan, nhưng họ rất ngạc nhiên và cho rằng giáo viên của họ đều đã chuẩn mực. Chúng tôi có đề cập tới tình huống giáo viên sai, thì họ cho biết chưa có trường hợp nào như vậy. Vì vậy, về giáo viên Phần Lan sẽ không có kiểm định. Riêng giáo viên cho chương trình song ngữ, chúng tôi đưa ra ba yếu tố, đầu tiên là giáo viên phải có kinh nghiệm giảng dạy, rồi có trình độ ngoại ngữ tốt và có kinh nghiệm giảng dạy ở các trường quốc tế ở các lớp nhỏ" - bà Huyền nhấn mạnh.

Để thuê giáo viên Phần Lan, Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải chi một khoản không nhỏ. Tuy không thể tiết lộ cụ thể, nhưng mức chi trả cho họ bằng mức chi trả ở các trường quốc tế khác và cao rất nhiều so với mức thu nhập của giáo viên trong nước.

"Ngoài trả lương, chúng tôi cũng phải lo các điều kiện ăn ở cho họ. Nhiều giáo viên Phần Lan sang Việt Nam sẽ mang theo con cái, nên chúng tôi cũng phải lo cho con họ học ở các trường quốc tế" - bà Huyền tiết lộ.

Theo bà Huyền, có nhiều phản biện cho rằng, chương trình Phần Lan không phù hợp với môi trường Việt Nam, nhưng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã lường hết những vấn đề này. 

"Trước khi thực hiện, chúng tôi đã mời các giáo viên của Phần Lan đã qua Việt Nam xem điều kiện và tìm sự khác biệt để viết chương trình quốc tế cho phù hợp chứ không bê nguyên chương trình Phần Lan sang. Còn với chương trình Việt Nam, 2 bên cũng thỏa thuận để viết lại".

{keywords}
Giáo viên Phần Lan sẽ sang giảng dạy tại Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan

Bà Huyền cho biết việc mở Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan sẽ được thực hiện từng phân khúc và chuyển dần, tiến tới Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ mở khoa sư phạm đào tạo giáo viên và môi trường song ngữ trở thành cơ sở thực hành cho giáo viên.

"Chúng tôi sẽ thực hiện chương trình quốc tế trước, sau đó sẽ thực hiện chương trình song ngữ để có sự chuyển hóa phương pháp".

Nhưng trước mắt, Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan vẫn phải sử dụng giáo viên Phần Lan vì họ được cập nhật hàng năm. 

{keywords}
Học sinh học thử nghiệm ở Lớp học Phần Lan

"TP.HCM mong rằng mô hình giáo dục này là một trong những chương trình quan trọng không chỉ nâng tầm giáo dục của Trường ĐH Tôn Đức Thắng mà còn bổ sung thêm một phương pháp giảng dạy mới trong ngành giáo dục tại TP.HCM. TP.HCM xem đây là mô hình để nhân rộng trong các trường công trên địa bàn TP.HCM" - bà  Nguyễn Thi Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan là trường hợp đặc biệt. Trường được thành lập với sự ủng hộ của Bộ GD-ĐT và của UBND TP.HCM. Sở GD-ĐT TP.HCM có vai trò giám sát về chuyên môn nội dung chương trình, còn việc xây dựng chương trình giảng dạy do ĐH Tôn Đức Thắng chịu trách nhiệm.

"Người Việt Nam không thua kém bất kỳ nước nào, nhưng phương pháp giáo dục của chúng ta không khai thác hết tiềm năng của từng người. Còn Phần Lan thì không như vậy, ở phổ thông họ hướng tới việc dạy làm người nên đưa ra chuẩn mực rất tốt. Điều đầu tiên, chúng tôi mong muốn thay đổi cách tiếp nhận kiến thức của học sinh" - bà Huyền cho hay.

Lê Huyền