Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, trí thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội...

Cách đây 4 năm, Bộ GD&ĐT đã phát động cuộc vận động xây dựng Trường học hạnh phúc. Sau 4 năm, “Trường học hạnh phúc” đã trở thành cụm từ rất quen thuộc. Mô hình Trường học hạnh phúc cũng đa dạng, khác nhau… 

Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD& ĐT), mong muốn hạnh phúc phải là điều cần thực hiện một cách tốt đẹp nhất, nhưng hạnh phúc lại phụ thuộc vào việc làm của chúng ta và chúng ta làm cho chúng ta hạnh phúc, làm cho những người xung quanh hạnh phúc, đó là mục tiêu mà Trường học hạnh phúc hướng đến.

Tuy nhiên, khi chúng ta xây dựng Trường học hạnh phúc với những tiêu chí như vậy cũng đang xuất hiện nhiều xu hướng khác nhau, có những xu hướng không phù hợp với mục tiêu, với mong muốn của Đảng, Nhà nước về hệ thống giáo dục.

Chính vì vậy, tại thời điểm này, một mặt chúng ta phải đẩy mạnh xây dựng Trường học hạnh phúc, đồng thời xác định mô hình, cách làm, giá trị cốt lõi của Trường học hạnh phúc để có sự thống nhất trong định hướng quản lý từ cơ quan quản lý cao nhất, đó là Bộ GD&ĐT.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nêu quan điểm, xây dựng Trường học hạnh phúc phải vì sự tiến bộ, phát triển của bản thân thầy cô, học trò mà ở đó hiệu trưởng có sứ mệnh đặc biệt quan trọng.

anh thay tung lam.jpg
TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). 

Ông cho rằng, không có học sinh hư, thầy, cô giáo, nhà trường phải có niềm tin vào học trò. Điều này được minh chứng tại ngôi trường nơi ông gắn bó.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết, trường THPT Đinh Tiên Hoàng không chọn lọc đầu vào nhưng đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện với học sinh THPT Hà Nội trong rèn luyện đạo đức, học tập hơn 30 năm qua. 

Theo đó, mô hình phát triển nhân cách “Tự học tự rèn” của học sinh Đinh Tiên Hoàng theo phong cách sống “5 tự”: “Tự học sáng tạo, tự chủ, tự trọng, tự tin, tự chịu trách nhiệm” và văn hóa phát triển bản thân theo công thức độc đáo “Vft = đ.t.h – x2 + cd” nhằm thúc đẩy động lực sống (đ), nhu cầu đổi mới thay đổi cuộc sống của mỗi học sinh, nhằm rèn phẩm chất năng lực cho học sinh luôn phải tận tâm (t) rèn luyện để có trí sáng, tâm an, thân khỏe và luôn thực hiện phong cách sống “5 tự” luôn biết học hỏi, hợp tác (h) để cùng tiến bộ. 

“Đặc biệt nhà trường cũng hướng cho các em phải biết rèn luyện bài trừ đi những xấu xí (x2), những hạn chế của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày và luôn có khát vọng cống hiến cho cộng đồng (cđ). Nó được tiến hành trên nền tảng tôn vinh văn hóa học đường ở Đinh Tiên Hoàng”, thầy Tùng Lâm chia sẻ.

Ông cho biết thêm, mô hình giáo dục nhân văn Đinh Tiên Hoàng đã quán triệt mục tiêu đổi mới của Nghị quyết 29/TW về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo chuyển từ “Dạy chữ” sang “Dạy người” và thực hiện Quyết định 1895/QĐ-TTg về Tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, khát vọng cống hiến cho thanh thiếu niên Việt Nam. 

Thành công của mô hình giáo dục nhân văn Đinh Tiên Hoàng đã thể hiện nhiều quan điểm, phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại đóng góp cho sự phát triển của khoa học Tâm lý giáo dục trong sự nghiệp giáo dục Thủ đô.

Đồng tình với quan điểm không có học sinh hư, PGS.TS Lê Văn Hảo, nguyên Phó viện trưởng Viện Tâm lý học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trách nhiệm của thầy cô là kết nối ấm áp và chuyển hóa, giúp các em thay đổi dựa trên điểm mạnh và tích cực. “Trường học hạnh phúc là chinh phục được học sinh”, thầy Lê Văn Hảo nhấn mạnh.

Hữu Khôi và nhóm PV, BTV