Trước đó, Trường THPT Lô-mô-nô-xốp (Mỹ Đình, Hà Nội) vừa ra văn bản với nội dung: “Thực hiện nội quy nhà trường, căn cứ ý kiến của CMHS (cha mẹ học sinh) trong Hội nghị Ban đại diện CMHS nhà trường ngày 6/9/2015, để đảm bảo sự an toàn cho học sinh trước hiện tượng bán son giả tràn lan trên thị trường, không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng cũng như thời hạn sử dụng, Ban giám hiệu nhà trường quyết định bắt đầu từ 7h sáng ngày 21/9/2015 tất cả các học sinh nữ không được tô son khi đến trường. Bảo vệ và bộ phận đức dục trực ngoài cổng trường không cho học sinh nữ tô son mỗi khi vào trường.
Giáo viên bộ môn dạy trên lớp không cho học sinh tô son môi vào lớp học. Nhà trường kiểm tra phát hiện thấy học sinh nữ nào tô son môi trong lớp học thì lớp đó sẽ phải chịu sự phê bình nghiêm khắc của nhà trường. Giáo viên bộ môn dạy tiết đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước ban giám hiệu.
Bộ phận đức dục và giám thị kiểm tra hành chính đột xuất các lớp học, học sinh nữ nào mang son môi thì giữ lại và mời CMHS lên nhận lại. Các bộ phận hành chính như văn phòng, thu ngân, đoàn đội không giải quyết các thủ tục hành chính cho các học sinh nữ tô son môi.
Trong buổi họp tổ, nhóm bộ môn ngày 17/9/2015 trưởng các bộ môn đọc thông báo này cho giáo viên trong bộ môn biết và thực hiện. Trong giờ sinh hoạt lớp ngày18/9/2015, giáo viên chủ nhiệm cũng trao đổi với học sinh nữ về nội quy nhà trường, về sự mong muốn của cha mẹ học sinh, tác hại của việc dùng son môi kém chất lượng để học sinh nữ hiểu và tự giác thực hiện 100% học sinh nữ ký tên vào phía sau thông báo này và giáo viên chủ nhiệm nộp về cho hai đồng chí giám thị trước 14h30 chiều 18/9/2015”.
Lãnh đạo nhà trường trả lời báo chí cho rằng quy định trên được ban hành theo nguyện vọng của các bậc phụ huynh. Hơn nữa, việc các nữ sinh sử dụng quá nhiều son môi khi đến trường là không phù hợp vì trường liên cấp, còn có các em học sinh cấp 2, cấp 1.
Bình luận về quy định này, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội cho rằng: "Trang phục, trang điểm đến trường đối với học sinh, nhất là học sinh nữ hiện nay rất quan trọng. Chuyện trang điểm là vấn đề thẩm mỹ và nhu cầu riêng của các em do đó không nên quá độc đoán, cứng nhắc. Nếu các em vẽ lông mày, tô son quá đậm hay xăm trổ thì giáo viên, nhà trường can thiệp. Nên lấy ý kiến của học sinh khi thực hiện các việc này".
Ở ngôi trường vốn có tiếng về việc học sinh nghịch ngợm nhưng theo ông Lâm, nhà trường không có quy định cấm học sinh trong chuyện ăn mặc, trang điểm. Giáo viên khi thấy học sinh có chuyện trang điểm hay ăn mặc quá lên thường sẽ trao đổi trực tiếp với học sinh hoặc đưa vấn đề ra trước lớp để cùng thảo luận, thống nhất cách làm.
Trao đổi với VietNamNet, Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho rằng: "Quy định Điều lệ trường phổ thông của Bộ GD-ĐT không cấm việc này, chỉ yêu cầu các em ăn mặc chỉn chụ, gọn gàng, sạch sẽ khi đến trường. Nếu quá lố lăng phản cảm thì bị cấm, không thì chỉ cần nhắc nhở".
Với quy định của Trường THPT Lô-mô-lô-xốp theo ông Thống: "Nếu trường làm cần có sự đồng thuận phụ huynh và học sinh. Chúng ta không khuyến khích cũng như không ngăn cấm và xử lí quá cực đoan vấn đề này".
-
Văn Chung