Tại buổi lễ, GS.VS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trao các quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kỳ kỳ 2021-2026 đối với GS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm.
Cùng đó, GS Châu Văn Minh cũng trao quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng chính của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội USTH đối với GS Jean-Marc Lavest.
GS.VS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao các quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kỳ kỳ 2021-2026 đối với GS.TS Chu Hoàng Hà. Ảnh: Thanh Hùng. |
GS.TS Chu Hoàng Hà tốt nghiệp đại học chuyên ngành sinh hóa tại ĐH Quốc gia Hà Nội và nhận học vị tiến sĩ sinh học phân tử tại ĐH Martin-Luther Halle-Witenberg, CHLB Đức. Hiện, ông đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học.
GS.TS Chu Hoàng Hà là nhà nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm với hàng trăm công bố khoa học trong nước và quốc tế, sở hữu 5 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích; là tác giả của 5 đầu sách chuyên ngành thuộc các nhà xuất bản uy tín.
GS Châu Văn Minh trao quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng chính Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội đối với GS Jean-Marc Lavest. Ảnh: Thanh Hùng. |
GS Jean-Marc Lavest tốt nghiệp chương trình Kỹ sư Điện và lấy bằng tiến sĩ về Artificial Vision tại ĐH Clermont-Ferrand, Pháp. Ông có nhiều năm đảm nhiệm cương vị lãnh đạo tại các trường đại học và tổ chức uy tín ở Pháp và nước ngoài. Ông từng giữ chức Phó hiệu trưởng ĐH Auvergne; Giám đốc Viện Công nghệ ĐH Auvergne; Giám đốc Viện Cơ học tiên tiến Pháp, Hiệu trưởng ĐH Pháp tại Armenia và Giám đốc AUF khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ông cũng là một nhà khoa học giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học máy tính và tự động hóa với hàng trăm công bố khoa học, chủ nhân của 6 bằng sáng chế và đồng sáng lập 2 startup,...
Cũng tại buổi lễ, nhà trường cũng ra mắt Hội đồng trường nhiệm kỳ 2021-2026 với 20 thành viên, trong đó có 10 người Pháp và 10 người Việt Nam đại diện cho Viện Hàn lâm, Bộ GD-ĐT Việt Nam; Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Pháp;... cùng các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp,...
Hội đồng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội với 20 thành viên gồm cả người Pháp và Việt Nam. Ảnh: Thanh Hùng |
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội USTH được thành lập trong khuôn khổ Hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và Pháp năm 2009. Từ 6 ngành đào tạo ban đầu, nhà trường đã mở thêm 10 ngành đào tạo mới, nâng tổng số ngành đào tạo hiện nay lên 16.
Qua 12 năm xây dựng và phát triển, trường đã trở thành một đại học uy tín trong đào tạo các lĩnh vực khoa học - công nghệ, số sinh viên nhập học hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ liên tục tăng quá các năm.
Đặc biệt, năm học 2021-2022, số lượng sinh viên bậc cử nhân đã tăng 74%, số lượng thạc sĩ tăng 133%.
Trường đã xây dựng được 4 phòng thí nghiệm liên kết quốc tế và tập thể nghiên cứu mạnh, quy tụ sự tham gia của nhiều nhà khoa học ưu tú, giàu kinh nghiệm tại các đại học, tổ chức nghiên cứu của Việt Nam, Pháp và nhiều quốc gia khác. Hiện, trung bình 1 giảng viên của trường công bố 1,5 bài báo thuộc danh mục SCIF/năm, tiệm cận với năng suất công bố quốc tế của các trường đại học trong khu vực và quốc tế.
Thanh Hùng
Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học
"... Tự chủ phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn, để tiếng nói của người thầy, nhà khoa học, chuyên gia phải trở thành tiếng nói quan trọng trong quản trị, vận hành cơ sở giáo dục đại học..."