- Ngày 28/4, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại liên quan đến tranh chấp giữa nguyên đơn là hai công ty là Công ty cổ phần I.Connect, Công ty Co-ordinate và bị đơn là Trường ĐH Hoa Sen (HSU).
Theo bản án sơ thẩm, ngày 29/5/2013, Công ty cổ phần I.Connect (viết tắt IC) được Sở Kế hoạch và đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, gồm 89 cổ đông sáng lập. Việc công bố thành lập IC đã được 72/89 cổ đồng HSU góp vốn bằng cách chuyển nhượng cổ phần HSU cho IC và trở thành cổ đông sáng lập của IC.
Tính đến ngày 12/2/2014, IC là cổ đông sở hữu hơn 2,48 triệu cổ phần tương đương 26,5% vốn điều lệ của HSU và IC không hề có sự chuyển nhượng cổ phiếu HSU cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Ngày 6/2/2015, HSU phát hành văn bản thông báo về việc nhận tạm ứng lợi tức 2014. Theo thông báo này, thì số tiền mà IC nhận được là hơn 1,14 tỉ đồng, tương ứng 15,7% vốn điều lệ tại HSU.
Không đồng tình với thông báo trên, IC cho rằng công ty này hiện đang nắm giữ 26,5% vốn điều lệ và số tiền tạm ứng lợi tức phải là 1,94 tỉ đồng. Từ đó, hai bên phát sinh tranh chấp.
Xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của phía nguyên đơn, buộc Trường ĐH Hoa Sen phải thanh toán cho I.Connect số tiền tạm ứng cổ tức năm 2013 và năm 2014 là 1,94 tỉ đồng (tương đương với hơn 2,49 triệu cổ phiếu, chiếm 26,5% vốn điều lệ) và hơn 111 triệu đồng tiền lãi; Đồng thời, phải thanh toán cho Co-ordinate số tiền tạm ứng cổ tức còn thiếu trong 2 năm trên là hơn 58 triệu đồng và hơn 3,3 triệu đồng tiền lãi.
HĐXX cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của HSU, buộc I. Connect phải thanh toán số tiền phát sinh khi hợp tác đầu tư tương ứng là 2,244 tỷ đồng. Sau bản án, phía HSU đã làm đơn kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện HSU và luật sư Bùi Quang Nghiêm – Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng quá trình xét xử sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng khi không đưa các cổ đông có liên quan vào tham gia tố tụng. Từ đó, người đại diện HSU và luật sư đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu.
Trong phần tranh luận, luật sư Nghiêm cho rằng vụ án về mặt hình thức là vụ kiện giữa cổ đông (IC và Co-ordinate) kiện đồi cổ tức nhưng về bản chất của vụ kiện là nhằm muốn khẳng định lai chủ sở hữu của các cổ phần tại HSU. Các cổ đông HSU góp vốn bằng cách chuyển nhượng cổ phần tại HSU cho IC nhưng bản thân họ chưa hề nhận tiền, không có sự thanh toán tiền. Bản thân 35 cổ đông này cũng cho rằng họ là cổ đông của HSU chứ không phải của IC hay Co-ordinate.
Ngược lại, người đại diện phía nguyên đơn là IC và Co-ordinate cho rằng bản án sơ thẩm có căn cứ, đề nghị HĐXX bác kháng cáo của bị đơn, y án sơ thẩm. Luật sư của nguyên đơn cho rằng trong hai năm 2012 và 2013, HSU đã trả cổ tức cho IC và Co-ordinate để hai công ty này trả lại cho các cổ đông. Điều này chứng tỏ IC và Co-ordinate là chủ sở hữu số cổ phần trên.
Sau khi xem xét, HĐXX tuyên bác đề nghị hủy án của phía bị đơn là Trường ĐH Hoa Sen giữ nguyên bản án sơ thẩm.
M.Phượng