Tại một trang trại lạc đà ở ngoại ô Dubai, nơi những công trình hiện đại của thành phố dần biến mất nhường chỗ cho các cồn cát của sa mạc, Linda Krockenberger đang trò chuyện vui vẻ với những người nông dân bằng tiếng Ả Rập. Cô chính là đồng sáng lập của trường dạy cưỡi lạc đà đầu tiên được cấp phép chính thức ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi Linda coi là "quê hương thứ hai" của mình.
Dromedary, loài lạc đà một bướu được tìm thấy trên khắp Bán đảo Ả Rập
Lạc đà từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử cũng như văn hóa của vùng đất này. Dromedary, loài lạc đà một bướu được tìm thấy trên khắp Bán đảo Ả Rập, được cho là đã được thuần hóa ở đây cách đây 5.000 năm. Chúng được sử dụng làm phương tiện vận tải và chở hàng hóa trên các tuyến đường thương mại, đồng thời là nguồn cung cấp len, sữa, thịt và da. Ngày nay, lạc đà Dromedary vẫn thường xuất hiện ở các sa mạc hay những khu nghỉ dưỡng nổi tiếng, nơi cưỡi lạc đà là một trong những hoạt động ưa thích của nhiều du khách.
Linda Krockenberger đang chào đón các học viên tại Trung tâm Cưỡi lạc đà sa mạc Ả Rập (ADCRC)
Trung tâm Cưỡi lạc đà sa mạc Ả Rập (ADCRC) của Linda chính thức đi vào hoạt động từ năm ngoái. Trái với tưởng tượng của nhiều du khách rằng loài vật có thể khá hung dữ và khó tiếp cận thì đa phần những con lạc đà ở ADCRC đều đã được thuần hóa, rất thân thiện với học viên cũng như các du khách. Trix, một con lạc đà có bộ lông vàng với lông mi cong vút và vô cùng kiên nhẫn. Trong khi Handsome Fares lại là một con lạc đà có khuôn mặt với tỷ lệ hoàn hảo và lớp lông mang màu của cồn cát.
Việc mở một trường dạy cưỡi lạc đà chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của Linda trước đây. Từng là một người ưa thích cưỡi ngựa khi còn ở Đức, Linda cho biết mình đã nhanh chóng hòa nhập được với môi trường mới khi chuyển tới UAE. Tuy nhiên, nhận thấy việc cưỡi ngựa vô cùng khó khăn trên sa mạc nên cô quyết định chuyển sang lạc đà, loài vật nổi tiếng với việc thích nghi tốt nhất với địa hình cồn cát.
Một vấn đề khác mà Linda gặp phải khi liên hệ với các trang trại lạc đà tại đây chính là việc họ không nhận dạy phụ nữ.
"Một người đàn ông nói với tôi rằng nếu muốn học cưỡi lạc đà thì phải cải trang thành nam giới và tập vào buổi đêm", Linda kể lại.
Nhóm hỗ trợ ADCRC chuẩn bị cho một cuộc đua lạc đà trên sa mạc
Ngay sau đó, cô được giới thiệu tới tìm gặp Obaid Al Falasi, một người đàn ông đã dành cả cuộc đời bên những con lạc đà và sở hữu một trang trại ở Lisaili. Đây vốn được biết tới là một khu định cư nông nghiệp, nơi du khách có thể nhìn thấy hàng trăm con lạc đà được chăn thả vào mỗi sáng.
"Obaid rất hiểu những gì tôi mong muốn vào thời điểm đó. Anh ấy đã đưa ra gợi ý rằng nếu những người khác cũng muốn học cưỡi lạc đà thì có lẽ chúng tôi nên mở một trường dạy chính quy", Linda cho biết.
Và tới tháng 1/2021, Trung tâm Cưỡi lạc đà sa mạc Ả Rập (ADCRC) chính thức ra đời. Al Falasi đã đăng ký ADCRC với Sở Kinh tế Dubai với tư cách là "Trường dạy cưỡi lạc đà", một hạng mục chưa từng tồn tại trước đây. Linda chia sẻ rằng: “Chúng tôi cũng đã đăng ký với Hội đồng Thể thao Dubai và được công nhận bởi Câu lạc bộ Đua lạc đà Dubai. Ngoài ra, chúng tôi cũng là những người đầu tiên ở UAE có bằng huấn luyện viên lạc đà”.
Krockenberger tham gia cuộc đua với lạc đà Mashour
Hiện tại, số lạc đà của ADCRC dao động từ 11 - 23 con. Những con lạc đà này đều thuộc sở hữu của Obaid và hầu hết chúng đều đã tham gia vào các cuộc đua lạc đà trước đó. Hiện tại, một số con đã quá già hoặc không có được thể lực tốt nhất.
Do đó, lạc đà ở trường được sử dụng luân phiên để có thời gian giải lao và nghỉ ngơi, đồng thời lịch học cũng được xếp gián đoạn để đảm bảo lạc đà không phải hoạt động quá sức.
Gần đây, Linda cũng cho ra mắt đội đua lạc đà nữ đầu tiên của UAE, bao gồm các tay đua đến từ Đức, Ireland, New Zealand, Ba Lan và Nga. Hầu hết trong số này đều là những tay đua ngựa giàu kinh nghiệm. Tất cả những gì đã xảy ra thật ngoài sức tưởng tượng của Linda khi ban đầu có chỉ đơn giản muốn tìm một nơi để học cưỡi lạc đà.
Một số lượng nhỏ nhưng ngày càng tăng những phụ nữ Emirati cũng bắt đầu tìm tới ADCRC để khám phá lại tầm quan trọng của lạc đà trong di sản của họ. Trước đây, phụ nữ Bedouin cưỡi và chăm sóc lạc đà vì những người khác trong gia đình sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc gia súc. Lạc đà là phương thức vận chuyển chính của người dân địa phương.
Đỗ An (Theo CN Traveler)