Đối với các thí sinh trong diện sau khi chấm thẩm định trả về điểm thật vẫn đủ điểm chuẩn trúng tuyển, Bộ trưởng Phùng xuân Nhạ đã đưa quan điểm của Bộ GD-ĐT là "các cơ sở giáo dục đại học có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của Bộ". Tuy nhiên, đại diện nhiều trường đại học cho rằng trong các trường hợp này, không có chỉ đạo cụ thể từ Bộ GD-ĐT, các trường không đủ căn cứ để buộc thôi học đối với các thí sinh.

Mới đây nhất, sáng 22/4, Trường ĐH Kinh tế quốc dân tổ chức họp liên quan đến việc xử lý các thí sinh được nâng điểm theo danh sách từ Sở GD-ĐT Sơn La gửi về.

Trường này có 7 thí sinh Sơn La có điểm được điều chỉnh từng trúng tuyển vào trường, trong đó có 5 thí sinh điểm thấp hơn so điểm chuẩn trúng tuyển nên bị xoá tên trong danh sách trúng tuyển. 2 thí sinh còn lại điểm sau chấm thẩm định dù hạ so với ban đầu nhưng vẫn cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nên trường vẫn cho tiếp tục học.

Chia sẻ với VietNamNet cùng câu chuyện này, ông Trần Quang Huy, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật Hà Nội cho hay, với những thí sinh mà điểm sau thẩm định vẫn đủ chuẩn thì nhà trường vẫn phải công nhận trúng tuyển cho các em này. Bởi nếu không có chỉ đạo rõ ràng từ Bộ GD-ĐT thì không có căn cứ gì để buộc thôi học đối với sinh viên khi chưa xác định được do thí sinh hay do phụ huynh chạy điểm, gian lận hoặc thí sinh có biết đến việc chạy điểm này hay không.

“Nhà trường không thể tự quy kết chuyện thí sinh có đồng lõa với phụ huynh chạy điểm hay không”, ông Huy nói.

Ông Lê Đình Tùng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội cũng cho hay, nếu sử dụng kết quả chấm thẩm định để tiến hành xử lý thì có nhiều tình huống xảy ra mà trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ không có. Do đó, nhà trường vẫn phải đợi Bộ GD-ĐT có hướng dẫn chi tiết để xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.

“Trong quy chế tuyển sinh có ghi rõ nếu thí sinh có gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia thì cơ sở đào tạo sẽ hủy kết quả trúng tuyển và ra quyết định buộc thôi học. Nhưng trong công văn của Bộ GD-ĐT gửi đến các trường thì không có từ nào liên quan đến kết luận “gian lận” mà chỉ nói "điểm không chính xác". Như vậy Bộ GD-ĐT cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể thì nhà trường mới có thể xử lý được”, ông Tùng nói.

Vấn đề này cũng diễn ra ở các trường đại học top đầu khác như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Sư phạm Hà Nội...

Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu (TP HCM) cho hay cũng như mọi người, bản thân rất phẫn nộ với vụ việc nâng điểm ở các địa phương và ủng hộ việc xử lý đúng pháp luật với tất cả những trường hợp như vậy.

Tuy nhiên, theo luật sư Hậu, cần cân nhắc thật kỹ nếu muốn áp dụng biện pháp kỉ luật các sinh viên được nâng điểm để vào đại học vì có thể các em ngay tình. “Nguyên tắc của pháp luật là không trừng phạt những người ngay tình cho dù có thể cách họ hưởng lợi tạo ra bất công hay không thoả đáng. Tất nhiên, những trường hợp làm bài 0 điểm mà được nâng thành 9,25 điểm thì khó có thể gọi là ngay tình được”.

Luật sư Hậu cho rằng, cách giải quyết tốt nhất bây giờ, là nếu không thể buộc những sinh viên này thôi học (vì quy định không cho phép) hoặc tự nguyện nghỉ học, thì phải đảm bảo rằng quyền lực của phụ huynh các em không làm cho những người lớn tại môi trường đại học “hoa mắt” và tiếp tục “cung phụng” điểm số cho các em.

“Dù gì thì chạy điểm để vào đại học, các em cũng sẽ chỉ trở thành sinh viên, chưa hại quá nhiều đến xã hội bằng việc cũng theo thủ đoạn tương tự, các em tốt nghiệp và trở thành những người quyết định đến cuộc đời người khác”, Luật sư Hậu chia sẻ....

Tổng số thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia năm 2018 là 222 em, trong đó có 64 thí sinh của Hòa Bình, 44 em của Sơn La và 114 em của Hà Giang.

Tính tới thời điểm hiện tại, thống kê chưa đầy đủ của VietNamNet, đã có ít nhất 68 thí sinh bị đình chỉ học, 11 thí sinh dù về điểm thật nhưng vẫn đủ trúng tuyển nên vẫn đang được tiếp tục theo học. Số còn lại hoặc chưa xác định được hoặc chưa rõ cách xử lý.

Cụ thể, khối các trường công an đã buộc thôi học và trả về địa phương 53 thí sinh được nâng điểm (trong đó 28 em của Hòa Bình và 25 em của Sơn La). Trong đó có 33 em vào Học viện Cảnh sát nhân dân; 16 em vào Học viện An ninh nhân dân và 4 em vào Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy. Số này đã được bàn giao về các đơn vị sơ tuyển để xử lý theo đúng quy định.

Trường ĐH Ngoại thương nhận được danh sách 3 thí sinh Hòa Bình có điểm thi bị điều chỉnh. Trong số này có 2 thí sinh với điểm thật đã không đạt điểm trúng tuyển vào trường và bị xóa tên khỏi danh sách. Tuy nhiên, 1 trường hợp còn lại, dù điểm thật thấp hơn nhưng vẫn đủ mức chuẩn nên nhà trường vẫn tiếp tục cho theo học.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 2 trường hợp (1 thí sinh của Sơn La và 1 thí sinh của Hòa Bình) được nâng điểm đã trúng tuyển vào trường.

Trong đó nữ sinh đến từ Hòa Bình là T.P.T sau khi bị trả về điểm thật đã không đủ điểm trúng tuyển và bị gạch tên khỏi danh sách. Tuy nhiên, nhà trường không cần thực hiện việc này bởi trước đó, sau khi phong thanh có kết quả chấm thẩm định từ Bộ GD-ĐT, nữ sinh này đã chủ động làm đơn xin thôi học tại trường. Nữ sinh này từng trúng tuyển với tổng điểm 27,75 và không chỉ trở thành thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn mà còn là sinh viên có điểm đầu vào cao nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2018. 

Còn thí sinh Sơn La N.H.C có điểm thật đã bị giảm so với điểm công bố ban đầu. Tuy nhiên, tổng điểm tổ hợp xét tuyển từ điểm thật của thí sinh này vẫn đủ trúng tuyển vào trường, do đó hiện em vẫn tiếp tục được học tại trường. 

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Trường ĐH Y Hà Nội nhận được danh sách gồm tất cả 3 thí sinh trong diện được nâng điểm. Nhà trường đã buộc thôi học với 2 thí sinh (1 của Sơn La, 1 của Hòa Bình) cùng từng trúng tuyển vào ngành Y Đa khoa. 1 thí sinh khác của Hòa Bình có điểm 1 môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia bị giảm 2 điểm so với điểm thực ban đầu và nhà trường đang chờ công văn của Sở GD-ĐT Hòa Bình thông báo thí sinh này có đủ điều kiện tốt nghiệp hay không rồi mới có biện pháp xử lý.

Trường ĐH Luật Hà Nội có ít nhất 1 thí sinh đến từ Sơn La được nâng điểm, tuy nhiên sau khi chấm thẩm định trả về kết quả, điểm thật của nữ sinh này vẫn đủ điểm chuẩn trúng tuyển nên hiện vẫn được trường này cho tiếp tục theo học. 

Học viện Tài chính đã ra quyết định xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển hệ đại học chính quy năm 2018 với 1 thí sinh đến từ Hòa Bình. Thí sinh này trước đó đã trúng tuyển vào ngành Kế toán (ngành có điểm chuẩn cao nhất Học viện) và theo học chuyên ngành Kế toán công.

Trường ĐH Thương mại có 1 thí sinh đến từ Hòa Bình có điểm được điểu chỉnh sau khi chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT. Thí sinh này từng trúng tuyển và theo học ngành Quản trị nhân lực. Điểm thực sau khi trả về của thí sinh này thấp hơn điểm trúng tuyển vào trường, chỉ đạt khoảng 14 - 14,5 điểm. Tuy nhiên, trước khi nhà trường nhận được danh sách từ Sở GD-ĐT Hòa Bình thì thí sinh đã làm đơn xin thôi học. Do đó, nhà trường không cần quyết định xử lý thí sinh.

Trường ĐH Điện lực cũng có một thí sinh Hòa Bình trúng tuyển ngành Kỹ thuật nhiệt trong danh sách được nâng điểm thi THPT quốc gia 2018. Sau khi chấm thẩm định, tổng điểm thật của em tụt xuống dưới 10 (trong đó Toán 3,6; Lý 3 và Hóa 3,25), không đủ để trúng tuyển nên đã bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển.

Trường ĐH Hà Nội có 1 thí sinh Hòa Bình trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Trung với điểm bị giảm sau chấm thẩm định. Tuy nhiên, sau khi trả về điểm thật, thí sinh này vẫn đủ điểm trúng tuyển nên vẫn được tiếp tục theo học tại trường.

Trường ĐH FPT có 1 thí sinh Hòa Bình bị tụt điểm sau chấm thẩm định nhưng vẫn đủ điều kiện theo học do em này xét tuyển bằng học bạ. Thí sinh này từng được xác định trúng tuyển và còn là thủ khoa của Học viện Hậu cần năm 2018. Tuy nhiên, sau đó thủ khoa đã “mất hút” không đến Học viện Hậu cần làm thủ tục nhập học mà lại làm hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH FPT qua hình thức xét tuyển điểm học bạ THPT.

Hòa Bình và Sơn La là 2 địa phương dính đến vụ việc tiêu cực điểm thi nhưng phải đến tháng 3/2019, Bộ Công an và Bộ GD-ĐT mới có kết luận điều tra và công bố điểm chấm thẩm định. Do đó thời gian này, các trường ĐH vẫn đang trong quá trình xử lý.

Còn 114 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang thì đã được cơ quan công an điều tra xác định và trả về điểm thật trước thời gian Bộ GD-ĐT quy định xét tuyển ĐH năm 2018. Do đó, nếu có, các thí sinh này chỉ bị xử lý vi phạm tại địa phương.

Thanh Hùng

Tránh hiện tượng cứ "con ông cháu cha" là vào quản lý giáo dục

Tránh hiện tượng cứ "con ông cháu cha" là vào quản lý giáo dục

 Cần quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí làm cán bộ quản lý giáo dục. Điều này để tránh hiện tượng cứ con ông cháu cha là vào hệ thống quản lý giáo dục.