Mới đây, Trường ĐH Hoa Sen đã đuổi học một nữ sinh viên do đánh bạn trên giảng đường, đòi đuổi giảng viên ra khỏi lớp và có hành vi thiếu tôn trọng người thầy. Vụ việc bắt đầu từ một clip ghi lại sự việc xuất hiện trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.
Nữ sinh trong vụ việc là C.V, ngành Thiết kế thời trang, năm thứ nhất đã đánh bạn, đòi đuổi giảng viên và có hành động thiếu tôn trọng người thầy.
Ngay sau sự việc, nhà trường tổ chức họp giữa lãnh đạo trung tâm, giám đốc ngành Thiết kế thời trang, giáo viên Bộ môn Pháp luật đại cương, sinh viên C.V sinh viên K.K (bị đánh) và phụ huynh, đại diện phòng Đào tạo đại học. Sinh viên C.V thừa nhận hành vi đòi đuổi giảng viên ra khỏi lớp.
Nhà trường xác định C.V đã vi phạm quy chế người học của nhà trường. Với hành vi không chuẩn mực khi giao tiếp với giảng viên bộ môn, đánh bạn trong giờ học, trường sẽ xử lý sinh viên theo quy chế người học ở mức cao nhất là buộc thôi học. Phụ huynh C.V đồng ý với kết quả xử lý kỷ luật trường. Sau sự việc này, đại diện nhà trường, giảng viên bộ môn và ngành cũng đã gặp gỡ, trấn an các sinh viên khác trong trường tiếp tục học tập.
Trước đó không lâu, Trung tâm ký túc xá Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tiến hành chấm dứt hợp đồng thuê chỗ năm 2023-2024 đối với một sinh viên. Lý do sinh viên này bị chấm dứt hợp đồng theo thông báo này là do đã xem phim đồi truỵ, điều này vi phạm mục B, khoản III, điểm 3.22 quy định về xử lý kỷ luật.
Theo nội quy ký túc xá Trường ĐH bách khoa TP.HCM, cấm sinh viên sử dụng ma tuý và các chất gây nghiện, cá độ, đánh bạc, chơi bài, game online có tính chất cờ bạc, xem phim ảnh, tài liệu phản động, đồi truỵ, sử dụng các loại hung khí, dao mũi nhọn...
Quy định của Ban quản lý ký túc xá Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, việc xử lý kỷ luật sẽ bao gồm các hình thức khiển trách, cảnh cáo, buộc ra khỏi ký túc xá khi vi phạm từ 3 lần trở lên hoặc vi phạm nghiêm trọng, tình tiết tăng nặng.
Ông Trần Tấn Phúc, Giám đốc Trung tâm dịch vụ ký túc xá, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay, khi sinh viên ký hợp đồng thuê chỗ ở, trong hợp đồng đã có một số quy định và yêu cầu không vi phạm. Sinh viên này đã vi phạm nội quy trong phòng ở tập thể, dù được bạn nhắc nhở nhưng vẫn không sửa đổi. Chiếu theo quy định, ban quản lý ký túc xá chấm dứt hợp đồng.
Ông Phúc cho hay, việc sinh hoạt tập thể sẽ có những ràng buộc so với khi ở phòng riêng. "Việc sinh viên vi phạm chấm dứt hợp đồng là bình thường, không có gì nặng nề nhưng có thể việc này khiến nhiều sinh viên tò mò nên các em share thông tin", ông nói thêm.
Hồi đầu năm, một nam sinh năm nhất tên T. khoa kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM phải ra hầu tòa vì tung tin không đúng lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Theo đó, sinh viên này là một trong 24 admin (quản trị viên) trang UEH Confessions và là một trong số 6 quản trị viên hoạt động thường xuyên và được phân công duyệt, đăng bài theo lịch trên fanpage này. Lúc này sinh T. truy cập bài viết được gửi đến trang này thông qua "Google Forms" (Công cụ tạo biểu mẫu trực tuyến ẩn danh, không xác định được người gửi).
Bài viết ẩn danh này thể hiện nội dung: "Một đứa bạn mình bên HUFLIT đi quân sự bị hiếp dâm, xong nhảy lầu". Sự việc sau đó được xác định không có, nhưng bài viết của nam sinh T. đã lan truyền chóng mặt, gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các đơn vị liên quan.
Sau khi sự việc xảy ra, T. nhận thức được hành vi vi phạm của mình, tự nguyện nộp số tiền 26,86 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Với hành vi phạm tội của mình, T. bị tuyên phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội "đưa trái phép thông tin mạng máy tính".
Hồi tháng 5, một sinh viên của Trường ĐH FPT cũng bị đình chỉ học để điều tra vì đánh bạn trong giảng đường. Theo đó hồi tháng 5, một clip lan truyền trên mạng ghi lại cảnh nam sinh nam sinh lao vào đấm, đạp bạn ở cầu thang trường học, vừa đánh vừa văng tục, chửi bậy. Nam sinh còn lại bất lực đưa tay đỡ đầu. Cùng với đó, hình ảnh nạn nhân bị đổ máu ở đầu cũng được một số trang thông tin đăng tải trên mạng xã hội. Sau đó, nạn nhân được bạn bè đưa đi cấp cứu.
Nhìn nhận về sự việc, một giảng viên đại học ở TP.HCM cho rằng, hành xử của một số sinh viên như vậy không thể chấp nhận được trong môi trường học đường. Theo ông, hiện nay những sinh viên gen Z rất năng động, cởi mở, ứng xử văn minh, lịch sự nhưng trong số đó vẫn còn tồn tại một bộ phận có thái độ bất cần, thiếu lịch sự và ứng xử chưa phù hợp.