- "Thực ra số lượng trường của chúng ta không nhiều, số sinh viên/đầu dân không đông, nhưng cái yếu là nhiều trường trong số không nhiều đó chất lượng kém, hữu sinh vô dưỡng" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.


{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị Tổng kết đào tạo theo chương trình tiên tiến giai đoạn 2006-2016. Ảnh: Lê Văn

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết đào tạo theo chương trình tiên tiến giai đoạn 2006-2016 diễn ra sáng nay, 30/12, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không nên dành quá nhiều thời gian để nhìn lại quá khứ đã làm được gì mà là bàn xem tương lai sẽ làm thế nào.

Ông Nhạ dành khá nhiều thời gian của bài phát biểu cho những vấn đề mà ông cho rằng cần bàn thảo kỹ cho giai đoạn thứ 2 của chương trình đào tạo tiến tiến đã thực hiện trong 10 năm qua.

Khẳng định, tới đây đất nước ta tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng sang chiều sâu, ông Nhạ cho rằng, vai trò của các trường ĐH vô cùng to lớn. Tuy nhiên, so với các cấp, bậc học khác thì giáo dục đại học lại đang là "vùng trũng nhất của giáo dục Việt Nam".

Hiện nay, cả nước có khoảng 271 rường ĐH, học viện và các cơ sở đào tạo, trong đó có khoảng 200 trường công lập còn lại là các trường tư thục, dân lập và các cơ sở đào tạo nước ngoài. Tuy nhiên, các trường tư thục, dân lập cũng chỉ có vài trường có ngành đào tạo tốt, còn đa phần đang khó khăn về tuyển sinh. Các trường địa phương thì phần lớn được nâng cấp từ CĐ lên nên khó trông cậy về chất lượng.

Ông Nhạ cho rằng, thực ra số lượng trường ĐH của Việt Nam không nhiều, số sinh viên/đầu dân không đông nhưng cái yếu là nhiều trường chất lượng đào tạo kém, hữu sinh vô dưỡng. "Nhiều trường đặt tên hoành tráng lắm, có trường còn đặt tên Tây nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng thì vô cùng khó khăn. Như Thủ tướng đã nói cũng khó là một ĐH cho "ra hồn".

Từ đó, theo ông Nhạ, các trường ĐH cần phải chuyển sang tự chủ, chuyển sang hướng dịch vụ để tăng cường tính cạnh tranh. "Đã là dịch vụ là phải thị trường, thị trường thì phải cạnh tranh" - ông Nhạ nhấn mạnh. "Hơn bao giờ hết, thời điểm này, các hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường, chủ tịch hội đồng quản trị trường sẽgặp nhiều khó khăn, phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khi nhà nước dần dần không bao cấp nữa".

Cũng theo ông Nhạ, vai trò dự báo định hướng nghề nghiệp của các trường hiện này còn rất hạn chế. Việc đào tạo cơ bản xuất phát từ năng lực hiện có rồi đi tìm đối tác còn thị trường trường thế nào, dự báo ra sao thì rất mờ nhạt.

Ông Nhạ cho biết, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tới đây, Bộ GD-ĐT đang tiến hành xây dựng đề án tiếp nối đề án thí điểm chương trình đào tạo tiên tiến 10 năm qua.

Tuy nhiên, mục tiêu tới đây là việc đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động được dự báo. Theo ông Nhạ, đầu tiên cần phải quy hoạch các ngành theo hướng bám sát thị trường lao động, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đi theo chiều sâu.

"Những nhóm ngành như kế toán, KHXH&NV rất cần nhưng mức độ vừa phải. Những nhóm ngành về công nghệ, kỹ thuật , khoa học sức khỏe, nông nghiệp, công nghiệp rất ưu tiên" - ông Nhạ chỉ rõ.

Ông Nhạ cho rằng, cách tốt nhất là lựa chọn từ 35 ngành của chương trình đào tạo tiên tiến vừa qua để đầu tư. Nhiều ngành khác không nằm trong 35 ngành này mà vẫn đáp ứng được vẫn đưa vào. Đối tượng tham gia bao gồm cả các trường ĐH công lập và tư thục. Phương thức đầu tư của pha 2 sẽ theo hướng là hợp đồng giao nhiệm vụ. Ai có sức mạnh thì cạnh tranh. Làm sao Nhà nước bỏ ra lượng tiền nhỏ nhất nhưng thu kết quả tốt nhất.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cũng phải đồng bộ, tránh tình trạng đầu tư "kiểu xôi đỗ". "Một cơ sở đào tạo mà cố gắng có được nhiều chương trình này sẽ thuận lợi xây dựng cơ sở này thành đẳng cấp. Chứ lỗ mỗ chỉ có một cái hoặc 2 cái trong tổng số rất nhiều thứ thì rất khó bền vững" – ông Nhạ khẳng định.

Theo kế hoạch, vào tháng 3, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, ông Nhạ cho biết, Bộ sẽ thành lập một tổ công tác đặc biệt gồm những người am hiểu và có kinh nghiệm về các chương trình tiên tiến để tham gia xây dựng đề án.

Đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến (CTTT) tại một số trường ĐH Việt Nam giai đoạn 2008-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008. Đến năm 2012, Đề án đã có 23 trường đại học triển khai thực hiện 35 chương trình đào tạo của 22 trường đại học trên thế giới.

Đến nay, cả Đề án đã tuyển được 13.270 sinh viên, trong đó có 69 sinh viên các dân tộc ít người. Đề án đã mời tổng cộng 1.833 lượt giảng viên nước ngoài đến giảng dạy, trong đó 1.389 giảng viên đến dạy các học phần thuộc CTTT và 444 giảng viên đến giảng chuyên đề.

Đến thời điểm hiện tại, các CTTT đã có 3.601 sinh viên tốt nghiệp, trong đó 255 sinh viên xuất sắc (7,1%), 1.307 sinh viên giỏi (34,3%) và 1.707 sinh viên khá (47,4%).

Trong số 2.561 sinh viên tốt nghiệp năm 2015 đã tìm được việc làm, có 539 sinh viên xin được học bổng đi học tiếp ở nước ngoài (449 học thạc sĩ, 90 nghiên cứu sinh); 274 sinh viên học trên đại học ở trong nước (241 học thạc sĩ, 33 nghiên cứu sinh); 123 làm giảng viên các trường đại học, cao đẳng; 104 làm việc trong các viện nghiên cứu; 269 làm việc trong các cơ cơ công lập khác; 660 làm việc trong các cơ quan liên doanh với nước ngoài; 592 làm trong các cơ quan tư nhân hoặc tự mở công ty riêng.

Tuy không được bố trí ngân sách, song giảng viên và sinh viên CTTT tham gia nhiều đề tài các cấp có nhiều công trình công bố trong nước và quốc tế; riêng sinh viên CTTT đã tham gia vào 2 đề tài cấp nhà nước, 21 đề tài cấp Bộ/Tỉnh, 13 đề tài hợp tác quốc tế, 175 đề tài cấp trường, thực hiện 409 đề tài sinh viên, tham dự 156 báo ở hội nghị, hội thảo quốc tế, là đồng tác giả của 145 công trình công bố ở nước ngoài và 192 công trình công bố trong nước.

  • Lê Văn