- Muốn có nhân lực từ tiến sĩ trở lên làm việc các trường đại học không ngại thay đổi cơ chế.
Mỗi năm chi 3- 5 tỷ để thu hút, nâng cao trình độ
Khi thực hiện tự chủ năm 2016, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM có nhiều chính sách về nhân lực,nhằm thu hút các nhà khoa học, nhà quản lý có năng lực, trình độ về làm việc.
Ông Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường, cho hay trường rất muốn thu hút các nhà khoa học có khả năng phát triển các nguồn lực về phát triển đội ngũ cộng sự để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, các chương trình/dự án/đề tài nghiên cứu trọng điểm, phát triển các chương trình đào tạo hay Các nhà khoa học đáp ứng chuẩn quốc tế và khu vực có trình độ tiến sĩ hoặc tương đương trở lên, giảng dạy và nghiên cứu khoa học bằng ngoại ngữ, có công bố quốc tế, đã chủ trì các đề tài cấp bộ hoặc tương đương trở lên/hoặc trưởng nhóm nghiên cứu có thành tích/có sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao có năng lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Để thu hút, trường thực hiện hỗ trợ tài chính đối với các cá nhân có học vị tiến sĩ là 75 triệu đồng/người; phó giáo sư 100 triệu đồng/người; giáo sư là 150 triệu đồng/ người, với điều kiện họ phải làm việc tối thiểu 5 năm ở trường.
Tiến sĩ do Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đào tạo (Ảnh:NS) |
Ngoài điều kiện về tài chính, trường cũng tạo điều kiện hết sức cho những cá nhân này khi về trường như được hưởng 100% lương khi đi học nâng cao, được trọng dụng trong lĩnh vực giáo dục đại học, có cơ hội tiếp cận nguồn lực và được ưu tiên đầu tư theo đề án, dự án; môi trường làm việc tốt và được tôn vinh kịp thời. Ngoài ra, để thúc đẩy nghiên cứu mỗi cá nhân bài báo đăng trên tạp chí khoa học ISI hoặc Scopus sẽ được thưởng thêm 50 triệu đồng.
"Trung bình, mỗi năm chúng tôi chi từ 3.5-5 tỷ để thu hút nhân lực, cử đi học nâng cao trình độ ở nước ngoài. Tuy nhiên nhờ chính sách này mà đội ngũ nhân lực có trình độ cao của trường đang tăng nhanh. Nếu trước năm 2016 chúng tôi chỉ có 4 PGS, 12 TS thì hiện tại đã có 2 GS; 14 PGS; 103 TS làm việc. Trong số này đối tượng chủ yếu theo diện thu hút"- ông Hoàn cho hay.
Trường ĐH Lao động Xã hội cơ sở 2 ở TP.HCM cũng có chính sách "trải thảm" mời tiến sĩ về làm việc. Những tiến sĩ nếu đáp ứng tiêu chuẩn của nhà trường sẽ được nhận khoản ưu đãi 50 triệu đồng với cam kết làm việc đủ 5 năm. Các tiến sĩ sẽ được trọng vọng, ngoài lương theo hệ số, còn có thu nhập tăng thêm, nếu giảng vượt giờ sẽ được trả rất cao. Khi về trường, tiến sĩ cũng được bố trí cho giữ các vị trí như giảng viên phụ trách bộ môn, phụ trách khoa. Ngoài việc "trải thảm", trường cũng tự đầu tư nguồn lực bằng cách bằng cách gửi đi học, đào tạo; chi trả học phí, tài liệu, đi lại; miễn giờ giảng và cho hưởng nguyên lương. Chỉ trong một thời gian ngắn, trường đã đầu tư trên 3 tỷ đồng cho chính sách đào tạo cán bộ giảng viên và và thu hút nhân lực trình độ cao về trường.
Ông Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạoTrường ĐH Nha Trang cũng cho hay, những người có học vị tiến sĩ về trường làm việc sẽ được hỗ trợ tùy theo khả năng tài chính của trường và tùy theo chuyên ngành đào tạo đáp. Mức hỗ trợ do hiệu trưởng xem xét nhưng tối đa là 40 triệu đồng/người. Những cá nhân này sẽ được nhận tiền khi hoàn thành tập sự giảng dạy. Ngoài hỗ trợ tài chính, những cá nhân này sẽ được ưu tiên về giảng dạy, hay tham gia hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.
Tuy nhiên, ông Phương cũng cho hay, những người được nhận hỗ trợ này phải có cam kết làm việc tại trường một khoảng thời gian tối thiểu theo thỏa thuận, ít nhất là 10 năm. Trong trường hợp, nếu chuyển công tác hoăc thôi việc khi chưa đủ thời gian thì phải hoàn lại trường khoản hỗ trợ này.
Thay đổi môi trường làm việc
Không chi tiền trải thảm, nhưng nhiều trường đại học hiện nay đang tạo ra những cơ chế đặc biệt trong tuyển dụng môi trường làm việc - điều mà các nhà khoa học cho rằng đây là yếu tố quan trọng thời gian và hiệu quả công việc.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho hay để thu hút nhân lực có trình độ tiến sĩ, nhà trường thay đổi trong môi trường làm việc.
"Chúng tôi xác định vấn đề đầu tiên để họ về trường không phải là tiền mà là môi trường làm việc".
Theo ông Dũng, để thu hút nguồn nhân lực này, trường đã làm những cái chưa từng làm.
"Trước đây, để mời được một tiến sĩ nổi tiếng đang làm việc ở Hàn Quốc về, tôi đã hỏi ông ấy cần gì. Sau khi nhà nghiên cứu này bảo cần một phòng thí nghiệm, chúng tôi đã trang bị một phòng thí nghiệm như ở Hàn Quốc để ông làm việc"- ông Dũng kể.
Ngoài ra, theo ông Dũng, ngoài môi trường làm việc tốt, nhiều cơ chế khác cũng được trường áp dụng như hỗ trợ kinh phí cho những cá nhân này tham gia các hội thảo trong nước, quốc tế; thực hiện chính sách khen thưởng cho nhưng bài báo này đăng quốc tế, trả mức thu nhập cao.
"Bất kỳ tiến sĩ nào khi về trường sẽ thưởng ngay 30 triệu mà không yêu cầu cam kết thời gian làm việc. Chúng tôi không ràng buộc thời gian vì nếu đã muốn đi họ cũng sẵn sàng trả lại tiền để đi, còn không thì họ tự nguyện làm việc"- ông Dũng khẳng định.
Theo ông Dũng, nhờ chính sách này, hiện tạ số giảng viên, nhà nghiên cứu có trình độ từ tiến sĩ trở lên đã tăng lên 5 lần so với trước. Để bổ sung, hàng năm trường thực hiện 2 đợt tuyển dụng, các cá nhân sẽ nộp hồ sơ, thực hiện phỏng vấn, test trình độ tiếng Anh.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thực hiện thu hút nhân lực có trình độ từ tiến sĩ trở lên bằng cách thay đổi cách thức tuyển dụng.
Ông Nguyễn Thiện Duy, Trưởng phòng Công tác chính trị, cho hay theo luật, việc tuyển dụng vào đơn vị công lập sẽ thi tuyển. Nhưng trường áp dụng chính sách đặc biệt đối với nhân lực có trình độ từ tiến sĩ trở lên bằng cách nộp hồ sơ xét tuyển.
"Đây là chính sách lớn nhất được chúng tôi áp dụng để thu hút nhân lực có trình độ cao. Tất nhiên, những nhân lực này khi về trường làm việc được hưởng những chế độ theo quy định"- ông Duy khẳng định.
Ngoài đặc cách tuyển dụng, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng có chính sách thu hút các nhà nghiên cứu nước ngoài làm việc toàn thời gian ở trường. Họ sẽ được hưởng mức lương thỏa thuận được xác định trên mức độ ưu tiên nhiệm vụ khoa học, tính chất quy mô, tầm quan trọng của nhiệm vụ khoa học, trình độ, năng lực hiệu quả, đóng góp cá nhân. Trong thời gian làm việc, sẽ được bố trí một phòng làm việc riêng với diện tích trang thiết bị phù hợp; Được bố trí một phòng ở không thu tiền nhà khách của trường.
Tuy nhiên ông Duy cho hay, do thực hiện chính sách làm việc fulltime tại trường nên sau 1 năm triển khai, tới nay mới chỉ có 1 nhà khoa học làm việc theo diện này.
Ngoài ra, các trường đại học khác như Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn cũng thực hiện thay đổi môi trường, tạo điều kiện cho các nhân lực có trình độ tiến sĩ trở lên về làm việc.
Ông Lê Văn Út, Trưởng Phòng Quản lý Phát triển Khoa học, Công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho hay, trước đây trường có chính sách "trải thảm đỏ" cho những tiến sĩ về làm việc, nhưng hiện tại trường đã bỏ vì những người được trải thảm đỏ về làm việc có hiệu quả.
"Hiện nay chúng tôi lựa chọn nhà khoa học có hiệu suất tốt và nhà trường đãi ngộ xứng đáng bằng thu nhập và môi trường làm việc tốt"- ông Út cho hay
Lê Huyền