Sáng nay (9/10), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đến dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay kể từ khi được thành lập năm 1956, với tên gọi Trường ĐH chuyên nghiệp Bách khoa, trải qua gần 70 năm, ĐH Bách khoa Hà Nội đã từng bước khẳng định vị thế, uy tín, là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật chất lượng cao.

Trong gần 70 năm qua, ĐH Bách khoa Hà Nội đã đào tạo trên 200.000 kỹ sư; 17.000 thạc sĩ; gần 1.200 tiến sĩ. Nhiều trường đại học kỹ thuật trên cả nước được hình thành và phát triển như ngày nay cũng nhờ có sự đóng góp quan trọng của ĐH Bách khoa Hà Nội.

“Ðội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học của trường đạt 74%, là tỉ lệ cao nhất trong các cơ sở giáo dục đại học của cả nước, trong đó, có gần 300 giáo sư, phó giáo sư. Ðây chính là nguồn tài nguyên, tiềm năng, lợi thế và động lực quan trọng nhất cần nuôi dưỡng, phát huy, khai thác, sử dụng có hiệu quả”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói.

20241009 DSC_5869.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: HUST)

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trên bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đại học của Tổ chức QS (Vương quốc Anh), năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội xếp hạng 248 cơ sở giáo dục đại học xuất sắc nhất châu Á; ở vị trí 54 cơ sở giáo dục đại học xuất sắc nhất Đông Nam Á.

Ông nhấn mạnh yêu cầu ĐH Bách khoa Hà Nội hướng tới xây dựng, trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á; một đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tự chủ toàn diện; một trung tâm sáng tạo công nghệ xuất sắc của khu vực.

Để làm được điều này, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cần phối hợp giúp đỡ để xây dựng ĐH Bách khoa Hà Nội cùng một số đại học trọng điểm sớm trở thành đại học đẳng cấp khu vực và quốc tế; đồng thời tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để các đại học phát triển đúng tầm, nhất là vấn đề tự chủ đại học và việc tăng ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục đại học.

20241009 CBO_5325.jpg
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: HUST)

Chia sẻ tại buổi lễ, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm học vừa qua đánh dấu năm đầu tiên nhà trường thực hiện vai trò là đại học. ĐH Bách khoa Hà Nội đã hoàn thành việc tái cấu trúc mô hình tổ chức, chuyển đổi sang mô hình đại học, với 40 đơn vị thuộc/trực thuộc. Số lượng đơn vị hành chính được tinh gọn giảm 25% so với trước khi tái cấu trúc.

Giai đoạn 2030-2035, Đảng và Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho ĐH Bách khoa Hà Nội phải có sự phát triển đột phá, vượt bậc để nằm trong nhóm các trường đại học hàng đầu châu Á. “Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn”, ông Thắng nói.

Theo ông, hiện nhà trường đã hoàn thành “Đề án phát triển ĐH Bách khoa Hà Nội trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á” trình Bộ GD-ĐT để xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2024.