Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ: Chiến tranh mạng đã trở thành hiện hữu

Cùng với việc nhấn mạnh nguy cơ gia tăng sự tấn công của các thế lực thù địch, tội phạm mạng nhằm thâm nhập vào hệ thống mạng thông tin trọng yếu để thu thập, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước trong bối cảnh CNTT và viễn thông phát triển mạnh mẽ, trong phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới 2016 - 2017 của Học viện Kỹ thuật Mật mã diễn ra ngày 15/9/2016, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã nhấn mạnh: “Chiến tranh mạng đã trở thành hiện hữu”.

Theo ông Đặng Vũ Sơn, trước yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin bí mật nhà nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến ngành Cơ yếu như: Luật Cơ yếu, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật An toàn thông tin mạng; các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng cường công tác bảo mật, an toàn thông tin trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và triển khai Chính phủ điện tử…

“Để đáp ứng  yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin trong giai đoạn mới, trách nhiệm của Ban và ngành Cơ yếu rất nặng nề, trong đó công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học đóng vai trò hết sức quan trọng, cấp bách”, ông Đặng Vũ Sơn cho hay.

Người đứng đầu Ban Cơ yếu Chính phủ cũng cho biết, trong tháng 7 vừa qua, Ban đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật yếu, có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá kết quả đã đạt được và xác định phương hướng, giải pháp để tiếp tục triển khai Luật cơ yếu trong thời gian tới.

Đồng thời, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị 41 ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác cơ yếu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tích cực triển khai các nội dung tổng kết theo kế hoạch được phê duyệt.

Chia sẻ về phương hướng hoạt động thời gian tới, ông Đặng Vũ Sơn nêu rõ 4 nhiệm vụ lớn mà Ban và ngành Cơ yếu sẽ tiếp tục tập trung triển khai. Trong đó, trước tiên là xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia bảo đảm tuyệt đối bí mật nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo , chỉ huy của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang  trong mọi tình huống; triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ cho việc triển khai “Đảng điện tử”, “Chính phủ điện tử” và hoạt động của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng CNTT trọng yếu của Đảng, Nhà nước và phối hợp với các lực lượng Quân đội, Công an, Ngoại giao, TT&TT thực hiện các biện pháp đối phó với cuộc chiến tranh thông tin; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về mật mã dân sự.

Riêng với Học viện Kỹ thuật Mật mã, một đơn vị có vai trò hết sức quan trọng góp phần giúp Ban và ngành Cơ yếu hoàn thành tốt các nhiệm vụ kể trên, ông Đặng Vũ Sơn đề nghị trường tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao và nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ mật mã.

Trước đó, tại sự kiện Security World 2016 được tổ chức hồi cuối tháng 3/2016, trong tham luận “Bảo đảm một số biện pháp An toàn thông tin cho các cơ quan, tổ chức”, Giám đốc Trung tâm CNTT và Giám sát an ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ) cũng đã nhấn mạnh, Việt Nam cần phải quyết liệt hơn trong việc triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn thông tin; bởi lẽ hầu hết các cơ quan, tổ chức của chính phủ Việt Nam đều đang trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công có chủ đích (APT) - loại hình tấn công “có nguy cơ lớn nhất đối với với sự an toàn thông tin mạng của Việt Nam cũng như trên thế giới”.

Thống kê của Trung tâm CNTT và Giám sát an ninh mạng cho hay, khi đó Việt Nam xếp thứ 6/10 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất. Trong đó, 68% doanh nghiệp đã từng bị rò rỉ thông tin và có nguy cơ bị xâm nhập vào hệ thống. Hơn 30% tổ chức tài chính và ngân hàng tại nước ta trở thành đích ngắm của tội phạm mạng.

Trước đó, tại hội nghị “Giám sát, Điều phối, Ứng cứu sự cố trong xây dựng chính phủ điện tử” tổ chức tại Lý Sơn vào cuối tháng 8/2016, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam - VNCERT thuộc Bộ TT&TT, ông Nguyễn Khắc Lịch cũng đã cho biết, trong thời gian gần đây, xuất hiện nhiều cuộc tấn công có chủ đích (APT) nhằm vào các cơ quan chính phủ và hệ thống hạ tầng trọng yếu; các website của các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam liên tục là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng, tiêu biểu là sự cố hệ thống thông tin của Vietnam Airlines bị hack, lộ thông tin khách hàng hồi cuối tháng 7 năm nay.

Thống kê của VNCERT cho thấy, chỉ trong nửa đầu năm 2016, tổng số sự cố an ninh mạng được VNCERT ghi nhận đã là 127.630 sự cố (gồm 8.758 sự cố Phishing; 77.160 sự cố Deface và 41.712 sự cố Malware), gấp hơn 4  lần so tổng sự cố an ninh mạng được Trung tâm này ghi nhận trong cả năm 2015 và gấp gần 6,5 lần số sự cố của cả năm 2014.

Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại Hà Nội, ngày 1/4/2015, IPU 132 đã thông qua Nghị quyết về “Chiến tranh mạng: mối đe dọa nghiêm trong đến hòa bình và an ninh toàn cầu”. Đây là tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế và là cơ sở để tiến tới xây dựng một công ước quốc tế về chống tội phạm công nghệ cao và ngăn chặn chiến tranh mạng.