Cùng “tiếp sức” chống dịch
Tại buổi gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn, tri ân đội ngũ doanh nhân luôn đồng hành cùng đất nước với những nỗ lực, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp tích cực, kịp thời, hiệu quả, cùng cả nước kiềm chế, kiểm soát được đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 hết sức nguy hiểm.
Những lời chia sẻ đó của Thủ tướng đã khái quát lên những điều doanh nhân, doanh nghiệp đã làm được trong suốt những tháng ngày cả nước đồng lòng chống dịch.
Điểm lại gần 2 năm dịch bệnh căng thẳng vừa qua, không lúc nào không thấy hình ảnh doanh nhân, doanh nghiệp gắn liền với tuyến đầu chống dịch. Nhất là trong đợt dịch khủng khiếp lần thứ 4 này, hình ảnh các doanh nhân, doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội càng rõ nét.
Nhiều doanh nghiệp góp tiền để Nhà nước mua vắc xin. |
Hàng nghìn tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19, không biết bao nhiêu tiền của mua sắm trang thiết bị, xây dựng bệnh viện dã chiến để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Miễn giảm tiền điện cho dân, giảm giãn nợ, những chuyến bay nghĩa tình... đã tiếp sức thêm cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, để hỗ trợ người dân vượt qua thời khắc nghiệt ngã của bệnh dịch.
Những cây ATM gạo, ATM oxy, siêu thị 0 đồng,... của những người chủ doanh nghiệp cũng đã góp phần cho bao người khốn khó vượt qua nghịch cảnh, duy trì hơi thở theo đúng nghĩa đen cho đồng bào.
Họ mang tiền của đi chống dịch không hẳn vì họ... thừa tiền. Trong nhiều tháng qua, không ít doanh nghiệp lâm cảnh khốn khó, phải giảm lương cho người lao động, bộ máy lãnh đạo tình nguyện đi làm không lương... Họ vẫn cố giành những nguồn lực để cùng Chính phủ, địa phương chống dịch, tiếp sức cho người dân qua cơn hoạn nạn. Họ làm điều ấy vì trách nhiệm của một doanh nghiệp với đất nước, và vì họ hiểu rằng dịch giã sớm được kiểm soát ngày nào thì họ còn có cơ hội được hồi sức và phát triển. Cứu người cũng là cứu mình.
Không có sự tiếp sức quý báu ấy, chẳng thể nào có được thành công trong kiểm soát bệnh dịch, từng bước đưa đất nước trở về trạng thái bình thường.
Ông Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khi tham gia tọa đàm của Reatimes vào chiều 12/10 về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đã đúc kết lại bằng câu nói của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô: “Nếu làm được 10 đồng, giữ lại 7 đồng, còn 3 đồng để cho xã hội. Nếu cần cứu nước độc lập thì hiến tất cho đất nước”. Đó là câu nói mà ông Lộc cho rằng “có sức truyền cảm hứng và nói về bản chất của doanh nghiệp Việt Nam". “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là như vậy”, ông Lộc nói khi buổi tọa đàm kết thúc.
Thực tế, cuộc đời kinh doanh của gia đình, dòng họ Trịnh Văn Bô đã để lại một kinh nghiệm quý báu và cũng là quan điểm thể hiện cái tâm của một gia đình thương nhân. “Đã là nhà buôn, thì phải có uy tín làm ăn. Chẳng ai dại gì mua danh ba vạn, bán danh ba đồng... Chúng tôi buôn bán, được 10 thì chỉ giữ lại 7, còn lại thì giúp đỡ người nghèo, làm những việc phúc đức. Đó cũng là lẽ thường tình. Như thế nó mới lâu bền”.
Người Hà Nội đi tiêm vắc xin Vero Cell. Ảnh: Phạm Hải |
Đừng để DN phải “nghe sướng tai, nhìn gai mắt”
Thời nào cũng thế, lúc đất nước khó khăn, đội ngũ doanh nhân (Bác Hồ ngày xưa hay gọi là thương nhân và các nhà kinh doanh) lại hiến đất, hiến tài sản để chung tay cùng gánh vác như một trách nhiệm của mình. Thời dịch họ hiến “vắc xin”, thuốc ngừa Covid-19, oxy, trang thiết bị y tế... Lúc bình thường, họ sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách, làm đường, xây cầu, xây nhà từ thiện...
Giờ đây, dịch bệnh dần được đẩy lùi, cũng chính là lúc chính quyền các cấp cần lo trở lại cho doanh nghiệp. Sau thời gian dài kiệt sức, họ cũng cần được “trợ thở”. Doanh nghiệp có khỏe lại, đất nước mới thực sự hồi sinh.
Sự hỗ trợ ấy chẳng có gì tốt hơn là mở cửa dần lại nền kinh tế cùng với tiến độ tiêm vắc xin, những sự thận trọng đến mức cực đoan cần phải được gỡ bỏ.
Những biện pháp quản lý nặng về “quản lý” cần phải được thay đổi, chuyển sang tư duy “phục vụ”. Nói như ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT, nguyên Chủ tịch Hội truyền thông số, chính quyền vẫn còn mang nặng tư duy quản lý khiến doanh nghiệp “khó làm giàu”.
“Doanh nghiệp trả lương anh thì anh phải phục vụ, chăm sóc. Muốn được nâng lương mà không nuôi doanh nghiệp lấy tiền đâu ra nâng lương”, ông Lê Doãn Hợp ví von. Ông cũng không quên nhắc lại thông điệp được nhiều người đề cập hàng thập kỷ qua: Cái gì không cấm thì mở toang cho doanh nghiệp làm, tự quyết tự chọn tự suy nghĩ tự làm, phát sinh doanh thu thì nộp thuế, sai thì sửa.
“Có người nói với tôi rằng cả đời trai tráng đi xin cấp phép hai lần là hết. Cho nên phải xử lý các vấn đề cho doanh nghiệp nhanh hơn”, ông Lê Doãn Hợp nói và lưu ý tránh tình trạng “doanh nghiệp nghe nói thì sướng tai còn nhìn vẫn gai mắt”.
Dịch bệnh đã giúp nhiều người nhận ra rằng có doanh nghiệp cùng gánh vác “công to việc lớn” thì nhà nước cũng đỡ vất vả nhiều phần. Khi đất nước có nhiều doanh nghiệp giàu mạnh, thì như có thêm một trụ đỡ cho cả nền kinh tế lúc nguy nan. Cho nên, làm được gì cho doanh nghiệp lớn lên thì Nhà nước cũng không nên tiếc sức mình, giống như biết bao doanh nhân đã không tiếc sức mình để cùng Nhà nước chống dịch.
Lương Bằng
Lì lợm, gồng mình trước biến cố lịch sử, nhưng 'có lũ thì phù sa mới về'
Giãn cách xã hội kéo dài tại TP.HCM là cú sốc, gây tổn thương nhiều doanh nghiệp và đặc biệt là giới doanh nhân, chủ doanh nghiệp. Nhưng họ đã vượt qua, duy trì hoạt động cùng người lao động và đóng góp cho xã hội theo những cách riêng.
Một trận 'đạn pháo' và giấc mơ 1,3-1,5 triệu DN vào năm 2025
Mục tiêu 1,3-1,5 triệu DN vào 2025 liệu có thành hiện thực, khi MTKD còn nhiều cản trở và Covid-19 như một trận 'đạn pháo' khiến cho DN bị tổn thương nặng. Để DN không nản lòng cần một chương trình phục hồi và cải cách mạnh mẽ.
Đừng để doanh nhân ngồi dự bị, làm khán giả xem 'phục hồi kinh tế'
Các doanh nhân cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa nhận thấy tổn thất của DN chính là tổn thất của địa phương. Tư duy xin cho, ngăn cấm và sợ trách nhiệm trong mùa dịch vẫn còn.