Căn nhà hoang vắng tiếng nói cười, con chơi đồ chơi, bố mẹ mỗi người mỗi góc, chúi mũi vào màn hình smartphone. Thi thoảng, một trong hai người lại ngẩng lên bảo người kia: “Này anh/em, chỉ like không thôi à, comment đi chứ?”.

Cả nhà “ngáo phây”

Đôi nét phác thảo trên đây để bạn đọc có thể hình dung được về câu chuyện “nạn facebook” và các gia đình trẻ nói chung cũng như gia đình bạn người viết nói riêng. N. và C. lấy nhau mới được 5 năm, con gái đầu còn chưa đi học lớp 1, vậy mà không nói chuyện với nhau ngoài đời thực đã là tình trạng khoảng năm nay của đôi vợ chồng này.

Bạn bè của họ thì nói: “Ngày nào mà thằng N. và cái C. không cập nhật facebook chắc ngày đó mặt trời không mọc”. Mà mặt trời thì vẫn mọc hàng ngày nên bạn bè cứ 15 phút một lần lại thấy tài khoản facebook của mình nhấp nháy báo tin hoặc chàng, hoặc nàng đã tải lên một thông tin mới.

{keywords} 

“Sáng nay dậy sao oải thế, không muốn đi làm” - vợ tự sướng bộ mặt ngái ngủ chán chường của mình lên mạng với dòng chú thích. Gần như ngay lập tức, chồng hồi âm ở dưới: “Phụ nữ gì mà lười biếng, đã dậy muộn còn kêu mệt”. Vợ tức thì “phản pháo” lại ngay: “Ờ thế đấy, thế mà có người vẫn cứ đâm đầu vào”…

Cứ thế, vợ chồng họ tranh luận, cãi nhau, bày tỏ yêu thương, bàn kế hoạch đi chơi, bình luận xem nên ăn món gì, mặc quần áo gì với nhau… ngay trên mạng. Bạn bè lúc đầu còn nói xen vào, sau thì đâm sợ vì ai cũng hiểu, đã trót tham gia thì cả ngày điện thoại sẽ rung lên bần bật báo có comment với hai vợ chồng “ngáo phây” này.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh công tác tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn kể câu chuyện một người vợ rất thích tự chụp ảnh rồi đăng lên trang mạng xã hội, chờ đợi người like và bình luận. Chồng chị cảm thấy bức bối, khó chịu bởi trong những dịp đi chơi cùng chồng, trong buổi tiệc kỷ niệm hay những lần về quê, người vợ vẫn chỉ để ý vào chiếc điện thoại mà không đoái hoài gì đến những người xung quanh mình.

Thậm chí người chồng phải đi cấp cứu mà trước khi lên xe cứu thương, người vợ phải dừng lại để chụp ngay kiểu ảnh rồi đăng lên facebook cho bạn bè biết.

{keywords} 

Khách trọ của nhà

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã liên tục đứng trong top 20 quốc gia có số người dùng internet lớn nhất thế giới với tỷ lệ hơn 30% dân số, đứng thứ 8 trong khu vực châu Á. Báo cáo từ WeAreSocial tính tới tháng 3/2015 cho biết, có tới 45% dân số nước ta dùng internet, tức 41 triệu người. Trong số 41 triệu người đó thì có 30 triệu người dùng các mạng xã hội và số người đang dùng các mạng này trên di động là 26 triệu người.

Thống kê cho thấy chúng ta tốn tới hơn 5 tiếng mỗi ngày để lên mạng đối với người dùng máy tính và gần 3 tiếng với người dùng điện thoại. Hầu hết khoảng thời gian này đều được dùng vào các mạng xã hội. Tổng thời gian trung bình mà một người Việt Nam truy cập vào mạng xã hội trong ngày là 2 tiếng.

“Có thể hình dung khung cảnh thường thấy ở nhiều gia đình thời nay là sau một ngày làm việc, học tập căng thẳng, các thành viên vẫn quây quần đầy đủ bên mâm cơm, nhưng không gian vắng hẳn tiếng chuyện trò rôm rả mà thay vào đó, mỗi người tập trung vào thiết bị di động trên tay mình. Thậm chí những bữa ăn quây quần trở nên hiếm hoi và nếu có cũng diễn ra vội vàng, ai cũng muốn nhanh quay về “tổ kén” của mình với một chiếc máy tính, một chiếc smatphone có kết nối mạng.

Không quá lời khi nói chúng ta đang là những “khách trọ” cô đơn trong chính tổ ấm của mình” - chị Dương Thị Hạnh, đại diện Đoàn cơ sở Thư viện Quốc gia Việt Nam chia sẻ góc nhìn về sự khác biệt giữa bữa cơm xưa và nay khi có sự tác động của công nghệ.

Một khảo sát của Anh mới đây đã phát hiện ra rằng, mạng xã hội Facebook phải chịu trách nhiệm cho trên 20% vụ ly hôn ở đất nước này. Khảo sát được thực hiện trên 5.000 đơn xin ly hôn, và phát hiện 989 trường hợp có nhắc đến các mối quan hệ trên mạng.

Ở Việt Nam, tuy chưa đưa ra được một con số thống kê chính xác về các vụ ly hôn do mạng xã hội nhưng thiết nghĩ, nếu thống kê được cũng là một con số không nhỏ

(Theo PLVN)