

Bước ra từ cuộc thi Sao Mai 2022 với ngôi Á quân dòng Nhạc nhẹ, Đoàn Hồng Hạnh về đầu quân cho Đoàn văn công Hải Quân. Vì cũng rất yêu biển nên cô đồng ý trở thành người lính hải quân dù biết sẽ rất vất vả. Tại đây, Đoàn Hồng Hạnh đã được đặc cách mang quân hàm và hiện là Trung uý. Từ đó cô được đi biểu diễn khắp nơi phục vụ các chiến sĩ hải quân cũng như nhân dân vùng biển.
Vừa trở về sau chuyến đi phục vụ lính đảo Trường Sa lần thứ 3, Trung uý Đoàn Hồng Hạnh vẫn vẹn nguyên cảm xúc tự hào và xúc động, nhất là khi chỉ còn vài ngày nữa là kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đoàn văn công Hải Quân cũng như 70 năm thành lập Quân chủng Hải quân.

"3 chuyến đi mang đến cho tôi những kỷ niệm và cảm xúc khác nhau, lần nào cũng có niềm bỡ ngỡ và tự hào riêng. Lần đầu ra Trường Sa là chuyến đi khiến tôi tự hào nhất bởi niềm tự hào dân tộc dâng trào. Mỗi chuyến đi để lại cho tôi những ký ức đáng nhớ và không thể nào quên", Hồng Hạnh chia sẻ.
Với một người lính hải quân như Đoàn Hồng Hạnh, việc ra đảo bị say sóng là đương nhiên và cô phải vượt qua như một thử thách của người lính. Văn công hải quân năm nào cũng có chuyến ra đảo để mang tiếng hát là những món ăn tinh thần đến cho người lính đang phục vụ ở Trường Sa.

Đoàn Hồng Hạnh chia sẻ với VietNamNet: "Sân khấu ở đó rất khác với những sân khấu chúng tôi từng biểu diễn. Thường những sân khấu tôi từng diễn rất lung linh, nhiều ánh sáng, nhiều khán giả. Nhưng sân khấu ở đảo đôi khi chỉ là góc sân nhỏ, một hội trường hay một góc nhà.
Chuyến đi vào đảo Song Tử Tây lần này, khi chúng tôi đang hát khi trời rất đẹp nhưng đột nhiên một cơn mưa ào đến. Vậy là chúng tôi cùng kéo nhau vào dưới gốc dừa hát, rất vui''.
Thiếu uý Đoàn Hồng Hạnh kể trong chuyến đi Trường Sa đầu tiên có kỷ niệm mà có lẽ cả đời cô không thể quên. Đảo chỉ có vài người, trong đó có một người lính rất trẻ chỉ ở độ tuổi 18 đôi mươi.

"Chúng tôi hát được vài bài rồi bạn ấy nói xin được hát tặng lại chúng tôi 1 bài. Bạn ấy hát về nỗi nhớ nhà rồi bật khóc. Bạn ấy nói: Các chị đừng về! Em chỉ muốn các chị ở đây mãi để hát thế này. Chúng tôi cứ ôm nhau khóc như thế cho đến khi phải rời đi. Bạn ấy nhìn theo vẫy và khóc làm chúng tôi không nỡ. Đến giờ khi nhớ lại lúc ấy tôi vẫn xúc động", nữ ca sĩ sinh năm 1995 chia sẻ.
Dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đoàn văn công Hải Quân, Đoàn Hồng Hạnh càng cảm thấy tự hào khi được mang lời ca tiếng hát phục vụ các chiến sĩ ngoài Trường Sa.
Trung uý Đoàn Hồng Hạnh hát loa kéo cùng chiến sĩ trên đảo Đá Tây (Trường Sa):
Nữ Trung uý hải quân nói với cô chuyện biểu diễn khi trong người còn mệt và lử đử vì say sóng là rất bình thường. "Với văn công hải quân chúng tôi, dù say sóng vẫn cứ hát bình thường. Có lúc sóng to đứng trên tàu chòng chành chúng tôi vừa chạy vừa hát dù rất mệt.
Có ngày chúng tôi đi 2 đảo và tối giao lưu với các chiến sĩ trên tàu nên một ngày hát 3 ca, cứ liên tục 7 ngày như thế. Đến ngày cuối đuối sức và say sóng nhưng chúng tôi quên hết những mệt mỏi để hát bởi biết những người lính đang rất mong chờ mình. Càng như thế chúng tôi càng phải nhiệt tình và hết mình hơn", Đoàn Hồng Hạnh chia sẻ.
Nữ ca sĩ cho biết chuyến đi nào ra Trường Sa về cô cũng bị sụt cân, chuyến gần nhất Đoàn Hồng Hạnh giảm 2kg. Tuy nhiên với cô sự mệt mỏi và vất vả ấy của mình không là gì so với sự hy sinh của những người lính đảo vô cùng gian khổ và thiếu thốn.

Là một ca sĩ trong Đoàn văn công Hải Quân, Đoàn Hồng Hạnh xác định cô vất vả hơn những người lính bình thường. Những người thân bên cạnh nữ ca sĩ cũng phải chấp nhận thiệt thòi. Bởi những ngày Đoàn Hồng Hạnh ra phục vụ ở đảo thì cũng đồng nghĩa điện thoại không có sóng và liên lạc trở nên khó khăn. Tuy nhiên, nữ ca sĩ vẫn hạnh phúc với lựa chọn của mình.
"Đoàn văn công Hải Quân sắp kỷ niệm 60 năm và là một người lính hải quân tôi rất tự hào. Tôi mong sẽ có nhiều chuyến đi nữa để mang lời ca tiếng hát để cống hiến cho hải quân Việt Nam. Hy vọng sẽ có nhiều MV nữa về Trường Sa", cô nói.
Đoàn Hồng Hạnh hát trên đảo Trường Sa lớn
Ảnh, clip: NVCC
