Từ năm 2020 đến nay, 16 doanh nghiệp Bắc Ninh được tư vấn cải tiến, giúp tăng năng suất, giảm tỷ lệ lỗi, giảm thiểu tồn kho; 47 nhà cung ứng của Samsung tại Bắc Ninh đã tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng; Hơn 32 doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận và quảng bá, giới thiệu sản phẩm với các tập đoàn đa quốc gia cũng như tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mô hình hợp tác giữa Bộ Công Thương – Samsung Việt Nam và UBND các tỉnh địa phương

Khởi đầu từ UBND tỉnh Hải Dương, ngày 4 tháng 02 năm 2020, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hải Dương và Samsung Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về cải tiến sản xuất và chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bản tỉnh.

Chương trình đã thực hiện tư vấn cải tiến về sản xuất và chất lượng cho 15 doanh nghiệp trên địa bàn và nhận được những phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, giảm tỷ lệ lỗi, thay đổi nhận thức của cán bộ, công nhân viên tại doanh nghiệp trong vấn đề duy trì các hoạt động cải tiến, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của khách hàng không chỉ về giá cả, chất lượng, giao hàng mà còn cả về trách nhiệm với xã hội trong vấn đề về môi trường, an toàn lao động,…

{keywords}
Mọt doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của Samsung

Tiếp nối những thành công của tỉnh Hải Dương, ngày 21 tháng 9 năm 2020, Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam đã được diễn ra với sự tham gia của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Đặc biệt, Dự án hợp tác với UBND tỉnh Bắc Ninh mang tính dài hạn, định hướng phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với 2 nội dung chính, gồm: Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp và Chương trình phát triển nhà cung ứng được diễn ra trong 6 năm từ 2020 – 2025.

Dù chưa đi hết 1/3 chặng đường, Dự án đã bước đầu khẳng định tính hiệu quả cao với một số kết quả khả quan, cụ thể như Công ty Smart Tech Vina đã có các bước đàm phán tiếp theo với các đối tác mới về việc cung cấp Jig và các hàng hóa phụ trợ; Công ty TNHH Trần Thành đã ký hợp đồng cung ứng bao bì chất lượng cao cho Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất Vinsmart;  Công ty Cổ phần chế tạo máy Autotech Vietnam tiếp tục củng cố vị thế cung cấp các sản phẩm tự động hóa cho các doanh nghiệp đầu chuỗi, triển khai hiệu quả hệ thống ERP trong hoạt động điều hành, quản lý doanh nghiệp...

{keywords}
Trung ương- địa phương- doanh nghiệp chung tay phát triển công nghiệp hỗ trợ (ảnh: Thu Ngân)

Phản hồi về chương trình hợp tác trên, Ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Trần Thành cho biết:“Chương trình tư vấn cải tiến đã giúp chúng tôi thay đổi và đạt hiệu quả cao hơn trong sản xuất kinh doanh . Đây là bước đệm khẳng định năng lực của công ty với các đối tác khác, từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển mới”.

Bên cạnh đó, Dự án hợp tác còn thực hiện Chương trình phát triển nhà cung ứng tiềm năng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, dịch vụ tại tỉnh Bắc Ninh tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung. Đến nay, đã có 47 doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là nhà cung ứng của Samsung với tổng doanh thu là hơn 100 triệu USD trong năm 2020

Cần nhân rộng vai trò của địa phương trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới thông qua số liệu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp FDI tin tưởng Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư có nhiều điểm hấp dẫn, không đặt vấn đề rút vốn khỏi Việt Nam.

Lý do được đưa ra là vì so với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam có nền chính trị, môi trường kinh tế ổn định, các chính sách thu hút FDI ngày càng được cải thiện, nguồn nhân công giá rẻ và trình độ ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng được chú trọng phát triển và các thủ tục hành chính cũng dần được cải cách theo hướng đơn giản hóa. Bên cạnh đó, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP cũng giúp các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nhập khẩu linh kiện với giá rẻ hơn, khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu cũng tốt hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí nhân công đang tăng dần với tốc độ tăng nhanh hơn năng suất lao động, các Tập đoàn công nghiệp đa quốc gia sẽ sớm rời bỏ Việt Nam nếu ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Thay vào đó, xu thế ngày nay TNCs, MNCs sẽ chú trọng đầu tư sản xuất vào những khu vực mà tại đó họ có thể tận dụng được một ngành CNHT tốt, đáp ứng được nhu cầu cung ứng linh kiện, chi tiết sản phẩm phục vụ cho dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm, bởi tỷ lệ của chi phí về CNHT cao hơn nhiều so với chi phí lao động.

Khi GDP trên đầu người tăng lên và Việt Nam dần bước vào giai đoạn già hóa dân số, lợi thế về nhân công giá rẻ không còn, các doanh nghiệp FDI sẽ dịch chuyển sang các quốc gia có giá nhân công cạnh tranh hơn hoặc có hệ thống cung ứng tốt hơn, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa học hỏi, sáng tạo được các công nghệ, kỹ thuật sản xuất. Việc này sẽ dẫn đến hiện tượng giải công nghiệp hóa sớm.

Sự suy giảm các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ kéo theo sự suy giảm các ngành dịch vụ, tiêu dùng và gia tăng nạn thất nghiệp, đồng thời cũng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về mặt an sinh, xã hội. Từ đó, đất nước sẽ có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.

Do đó, nếu không có các chính sách thiết thực, đủ mạnh và đồng bộ từ Trung ương đến địa phươngđể thúc đẩy sự phát triển của CNHT, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ bỏ lỡ các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.

Hiện nay, để rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài sự cố gắng của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ quyết liệt từ cơ quan Trung ương thì vai trò của các địa phương là rất quan trọng. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương chưa xây dựng các tiêu chí cụ thể, chưa có các chương trình hành động cụ thể và chưa bố trí nguồn lực phù hợp để triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp trên địa bàn; trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hoạt động của doanh nghiệp gắn chặt với địa phương.

Do đó, trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được trong chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương – UBND tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam về cải tiến sản xuất và chất lượng cho doanh nghiệp trên địa bàn, Bộ Công Thương kỳ vọng các địa phương chủ động nâng cao nhận thức, vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quốc gia thoát bẫy thu nhập trung bình. Đồng thời, khuyến khích các địa phương trong việc xây dựng các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ nói riêng và công nghiệp nói chung.

Dưới góc độ doanh nghiệp FDI toàn cầu, ông Choi Joo Ho – Tổng giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ “Dự án tư vấn cải tiến cho các doanh nghiệp Việt Nam là sự khẳng định cam kết cũng như những nỗ lực mạnh mẽ của Samsung nhằm đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam trong việc gia tăng tỉ lệ nội địa hóa và sự hiện diện của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng phụ kiện cho Samsung. Chúng  tôi hy vọng rằng các địa phương sẽ cùng chung tay với Chính phủ, Bộ Công thương và Samsung để dự án này được được lan tỏa tới toàn Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.”

Có thể nói, mô hình hợp tác giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai để các địa phương có thể tham khảo, thực hiện đổi mới một cách hiệu quả, từ đó nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Băng Dương