“Khi bố mẹ cho trẻ chơi những món đồ có hình thù kinh dị, mang tính bạo lực, không khác gì cho trẻ ăn thức ăn có tẩm hóa chất độc hại. Mỗi ngày một chút, tâm lý trẻ bị “đầu độc” và “lớn” dần lên theo chiều cao, cân nặng của trẻ”.

“Đồ chơi càng ghê rợn càng hút khách”

Chiều 15.9, chị Hoài (35 tuổi) từ tỉnh Thái Nguyên xuống phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhập đồ chơi Trung thu về bán. Những mặt hàng chị Hoài lựa chọn chủ yếu là: Mũ, áo phù thủy, súng nhựa, mặt nạ quái vật, súng phun xà phòng, tóc giả…

Chị Hoài cho biết, vào mỗi dịp Trung thu hay lễ Halloween, những món đồ chơi lạ, có hình thù rùng rợn rất hút khách.

“Mặt hàng đồ chơi truyền thống đa phần giống nhau về kiểu dáng. Trong khi mặt nạ lại rất phong phú về kiểu dáng, màu sắc. Trẻ con thường thích hình quái vật, hình xác chết, mặt nạ trong phim hoạt hình, phù thủy… Năm nào nhập những hàng này về tôi cũng bán hết”, chị Hoài nói.

{keywords}

{keywords}

Những mặt hàng chị Hoài lựa chọn chủ yếu mũ, áo phù thủy, súng nhựa, mặt nạ ma quỷ…

Bà Minh, một tiểu thương bán đồ trang trí trên phố Hàng Mã cho biết, thị trường phục vụ lễ Trung thu năm nay khá phong phú và giá cả không tăng nhiều so với năm ngoái.

“Đồ chơi càng lạ, càng ghê rợn lại được nhiều người mua. Giá mặt nạ nhựa ma quái có giá dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/chiếc; mũ phù thủy giá 60.000 đồng/chiếc; mặt nạ trong phim hoạt hình giá 50.000 đồng/chiếc; mặt nạ xác chết giá một chiếc 40.000 đồng”, bà Minh cho biết.

Khi được hỏi về nguồn gốc các mặt hàng này, theo bà Minh, phần lớn sản phẩm đều là của Trung Quốc.

“Mua đồ chơi theo mùa vụ, khách hàng chỉ chú ý về kiểu dáng và giá cả. Mấy hôm nay, đồ chơi Trung Quốc ở cửa hàng tôi liên tục “cháy” hàng, còn đồ chơi nội lại bán rất chậm”, bà Minh nói.

Bà Minh lấy ví dụ, một mặt nạ hình chú Tễu giá 60.000 đồng, nhưng đơn điệu về kiểu dáng và màu sắc. Trong khi đó, với 20.000 – 40.000 đồng là có thể mua được chiếc một chiếc mặt nạ với nhiều đèn nhấp nháy, nhiều màu sắc. Vì thế, những mặt hàng này bán đi vừa được lòng “thượng đế nhí”, lại vừa túi tiền của phụ huynh.

Hỏi những mặt hàng Trung Quốc đã được các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng chưa thì bà Minh lắc đầu.

Theo quan sát, các mặt hàng đồ chơi Trung thu truyền thống như đèn ông sao, đèn cù, trống bỏi, đèn kéo quân hay mặt nạ giấy bồi… được bày bán rất “khiêm tốn”. Dọc đường Hàng Mã, chỉ có vài cửa hàng bày bán sản phẩm Việt Nam. Những cửa hàng này thường rất ít khách ghé vào hỏi mua.

{keywords}

Những mặt hàng truyền thống chỉ lác đác người hỏi mua

“Trẻ dễ vô cảm nếu chơi đồ chơi kinh dị”

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn, nếu trẻ chơi những thứ đồ chơi mang tính bạo lực nhiều, sẽ trở thành thói quen và bản tính.

“Trẻ em thường rất hay bắt chước một cách vô ý thức. Nếu trẻ thường xuyên tiếp xúc với đồ chơi như dao, kiếm, súng… khi lớn lên nếu có mâu thuẫn trẻ sẽ thường dùng hung khí để chống trả. Còn nếu chơi những đồ chơi như mặt nạ quái quỷ, da mặt nhăn nheo, đầu trọc, tóc tai bơ phờ trông như quỷ hiện hình… sau này trẻ rất dễ vô cảm trước nỗi đau của người khác”, ông Sơn nói.

Ông Chất phân tích, khi trẻ đòi mua những đồ chơi lạ mắt, thông thường bố mẹ sẽ chiều chúng. Bởi họ cho rằng, đồ chơi vừa rẻ lại thỏa mãn được sở thích của trẻ. Chính sự chiều chuộng này vô tình đưa những nguy hiểm vào trong tâm hồn trẻ.

Nhà nghiên cứu tâm lý này khẳng định, những món đồ chơi như mặt nạ quỷ, mặt nạ xác chết, súng nhựa… rất ít tính giáo dục, ngược lại dễ kích thích bạo lực. Phần lớn các đồ chơi này đều sử dụng nguồn năng lượng từ pin, điện sạc tạo cho trẻ sự lười biếng không năng động, thiếu tư duy và phản xạ.

{keywords}

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất khẳng định, những món đồ chơi như mặt nạ quỷ, mặt nạ xác chết, súng nhựa… rất ít tính giáo dục, ngược lại dễ kích thích bạo lực.

“Khi bố mẹ cho trẻ chơi những món đồ có hình thù kinh dị, mang tính bạo lực, không khác gì cho trẻ ăn thức ăn có tẩm hóa chất độc hại. Mỗi ngày một chút, tâm lý trẻ bị “đầu độc” và “lớn” dần lên theo chiều cao, cân nặng của trẻ”, ông Sơn nói.

Còn theo ông Thân Trung Dũng – Trưởng phòng Nghiên cứu Gia đình và Trẻ em (Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển), việc cho trẻ chơi những món đồ kinh dị sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thẩm mĩ của trẻ. Ví dụ,các bé gái thường xuyên đội mũ, mặc quần áo phù thủy, xu hướng lớn lên sẽ chọn những đồ có vẻ quái đản, rùng rợn…

“Hiện trẻ có xu hướng thích những đồ chơi kinh dị do ảnh hưởng từ truyền thông. Hiện có quá nhiều những bộ phim hoạt hình về phù thủy, về người ngoài hành tinh, về ma quỷ… Còn với những bộ về những nhân vật cổ tích, chú Tễu… lại quá ít”, ông Dũng nói.

{keywords}

Theo ông Thân Trung Dũng, cha mẹ nên lựa chọn những những đồ chơi có tính giáo dục, kích thích tư duy

Theo ông Dũng, truyền thông nên có nhiều hơn những bộ phim về những nhân vật truyền thống của ngày tết Trung thu, những nhân vật cổ tích có tính giáo dục. Đặc biệt, cha mẹ cần định hướng giá trị thẩm mỹ nên hay không nên chơi đồ chơi độc hại.

“Cha mẹ nên lựa chọn những những đồ chơi có tính giáo dục, kích thích tư duy như đèn cù, đèn ông sao, tò he… Việc để trẻ thích gì, đòi gì đều chiều theo sẽ rất nguy hiểm”, ông Dũng nói.

(Theo Dân Việt)