Từ ngày 1/4, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chính thức triển khai sử dụng bệnh án điện tử (BAĐT) thay thế bệnh án giấy truyền thống. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình số hóa hoạt động khám chữa bệnh tại huyện, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cũng như tăng cường quản lý, lưu trữ và khai thác thông tin bệnh án phục vụ người bệnh.
"Chỉ trong một buổi sáng đến khám bệnh, tôi đã được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Văn Yên đến khám, thực hiện các bước kiểm tra siêu âm, xét nghiệm… và bất ngờ chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR là tôi đã có đủ thông tin kết quả xét nghiệm, siêu âm, X.quang mà không cần giấy tờ. Bác sĩ cũng giải thích lần sau tôi đến khám, mọi thông tin các lần khám và điều trị đều được lưu trữ tại Trung tâm và đây là cơ sở theo dõi quá trình sức khỏe của mình. Tôi thực sự yên tâm vì cách làm khoa học có hệ thống và không phải lo lắng khi nhận kết quả bằng giấy tờ, dễ bị thất lạc" - bà Bùi Thị Tuyết, thôn Toàn An, xã Đông An, huyện Văn Yên vui vẻ cho biết.
Bác sĩ Vương Ngọc Biên - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên cho biết "Việc triển khai ứng dụng BAĐT tại Trung tâm Y tế huyện là một phần trong kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế của địa phương. Những năm gần đây, chính quyền huyện Văn Yên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải thiện chất lượng các dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế”.
Trung tâm Y tế huyện Văn Yên với 346 giường bệnh, 15 khoa, phòng, với 2 phòng khám khu vực và 279 cán bộ y bác sĩ. Được sự quan tâm của các cấp các ngành, Trung tâm được tăng cường trang thiết bị như hệ thống chụp cắt lớp đa dãy CT-Scanner, hệ thống phẫu thuật nội soi tiêu hóa, X-Quang kỹ thuật số, máy nội soi tiêu hóa, máy siêu âm màu 4D, điện tim, nội soi tai - mũi - họng, máy xét nghiệm sinh hóa tự động 800 thông số, máy huyết học tự động, máy ghi điện não, máy đo loãng xương, máy đo lưu huyết não, ô tô chuyên dụng hiện đại...
Các bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân tại Khoa Ngoại điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế huyện Văn Yên.
Được biết, ngay từ đầu năm 2023, Trung tâm Y tế huyện đã lên kế hoạch, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và triển khai các bước chuẩn bị để chính thức ứng dụng BAĐT trong năm 2024.
Quá trình triển khai được chia thành từng bước. Cụ thể, ngay trong năm 2023, trung tâm đã đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của hệ thống BAĐT. Do vậy, toàn bộ 25 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực ứng dụng thực hiện khám, chữa bệnh bằng phần mềm HIS.ONE và phần mềm giám định bảo hiểm y tế (BHYT) tập trung do Bảo hiểm xã hội (BHXH) cung cấp. Cuối tháng 12/2023, các đơn vị tuyến xã triển khai phần mềm khám chữa bệnh HIS.PRO do Tập đoàn công nghệ Vietsens cung cấp nhằm đồng bộ dữ liệu giữa Trung tâm và trạm y tế; 100% trạm y tế thực hiện phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân hộ gia đình và phần mềm thống kê y tế điện tử, phần mềm tiêm chủng mở rộng, phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm…
Cùng đó, trong năm 2023, trung tâm đầu tư hệ thống máy chủ, mạng lưới máy tính, các thiết bị đầu cuối như máy tính, máy in, máy quét,... song song với triển khai phần mềm hệ thống và ứng dụng BAĐT; triển khai đồng bộ tất cả các hồ sơ BAĐT tại phần mềm HIS, LIS của Tập đoàn Vietsens. Cùng đó, Trung tâm triển khai Hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh (RIS), Hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS); phát hành thẻ khám bệnh thông minh, hướng dẫn cho người dân có thể tự tra cứu thông tin khám chữa bệnh, đăng ký khám bệnh qua ki ốt, đăng ký khám chữa bệnh từ xa, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Song song với xây dựng hạ tầng, trung tâm đã tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế về cách sử dụng hệ thống BAĐT mới. Các khóa đào tạo này giúp nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin và quen thuộc với các quy trình, tính năng của BAĐT. Bên cạnh đó, trung tâm cũng xây dựng các quy trình, quy định mới để quản lý, vận hành hệ thống BAĐT. Các quy định này bao gồm quy trình khám, chữa bệnh, lưu trữ và chia sẻ thông tin bệnh án, bảo mật dữ liệu, phân quyền truy cập,... nhằm đảm bảo hoạt động của hệ thống mới được hiệu quả và tuân thủ các quy định pháp lý.
Cán bộ y tế của trung tâm hướng dẫn người dân sử dụng hệ thống bản đồ nhân viên y tế.
Sau khi hoàn tất các bước chuẩn bị, trung tâm tế đã tiến hành triển khai thí điểm BAĐT tại một số khoa, phòng trong vòng 2-3 tháng. Qua quá trình này, các kinh nghiệm được rút ra và hệ thống được hoàn thiện trước khi chính thức triển khai toàn diện từ 0h ngày 1/4/2024.
Hiệu quả mang lại là người bệnh dễ dàng truy cập và kiểm tra thông tin sức khỏe, giảm thời gian chờ khám, giảm chi phí, nhân viên y tế truy cập nhanh dữ liệu hỗ trợ chẩn đoán, điều trị, giảm sai sót, tiết kiệm thời gian; hỗ trợ công tác giao ban toàn viện, nâng cao năng lực quản lý chuyên môn, tài chính, nhân sự.
Điều dưỡng trưởng Trương Thị Hồng - Khoa Khám bệnh- Trung tâm Y tế huyện Văn Yên chia sẻ: "Từ khi sử dụng BAĐT, các thủ tục hành chính được rút ngắn, công tác tiếp nhận và khám bệnh nhanh hơn, khoa học và chính xác hơn, giúp việc hội chẩn giữa các khoa, phòng được thuận lợi. Người dân đến khám bệnh chỉ cần mang điện thoại hoặc thẻ căn cước công dân là được”.
"Hiện tại, Trung tâm Y tế đã triển khai lắp đặt hệ thống giao ban và đào tạo trực tuyến kết nối với các trạm y tế xã nhằm rút ngắn khoảng cách về địa lý cũng như trình độ chuyên môn giữa Trung tâm và các trạm y tế” - Bác sĩ Vương Ngọc Biên thông tin thêm.
Với cách làm khoa học và hiệu quả ban đầu, hy vọng Trung tâm Y tế huyện Văn Yên sẽ có đạt nhiều kết quả cao trong việc ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
BAĐT ra đời nhằm thay thế cho hệ thống bệnh án giấy truyền thống, vốn gặp nhiều bất cập như tính bảo mật thấp, khó quản lý, khó truy xuất thông tin và lưu trữ. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, BAĐT mang lại nhiều lợi ích như tăng cường bảo mật dữ liệu, dễ dàng truy xuất và chia sẻ thông tin, tự động hóa nhiều quy trình khám chữa bệnh, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Một số lợi ích thiết thực từ bệnh án điện tử:
Tăng cường bảo mật và an toàn thông tin bệnh án như thông tin bệnh án được lưu trữ án toàn trên hệ thống máy chủ, đồng thời việc truy cập và chỉnh sửa được kiểm soát chặt chẽ thông qua phân quyền.
Dễ dàng truy xuất và chia sẻ thông tin bệnh án: Dữ liệu bệnh án được số hóa và lưu trữ có hệ thống, giúp nhân viên y tế dễ dàng tìm kiếm, truy xuất và chia sẻ thông tin khi cần thiết.
Nhiều quy trình được tự động hóa như kê đơn thuốc, lập phiếu thu viện phí, yêu cầu cận lâm sàng,… giúp rút ngắn thời gian và giảm sai sót, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế.
Theo Thủy Thanh (Báo Yên Bái)