Cá nục, mực khô ế chất đầy kho

Theo thông tin từ tỉnh Quảng Trị, đánh bắt và hấp khô cá nục là ngành nghề chủ lực của bà con ngư dân huyện Gio Linh. Mặt hàng này hàng năm vẫn được xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng khoảng 6.000 tấn.

Tuy nhiên, khoảng hơn 2 tháng lại đây, việc xuất khẩu cá nục khô sang Trung Quốc của người dân huyện Gio Linh gặp nhiều trở ngại. Bởi phía Trung Quốc yêu cầu các chủ hàng phải có giấy chứng nhận nguồn gốc cá và an toàn thực phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hương, một chủ lò hấp sấy cá, than thở kho hàng của chị đang tồn 100 tấn. Giữa 6/2019, chị bị trả hai container cá nục khô vì phía bạn hàng Trung Quốc đưa ra điều kiện hàng hóa phải có giấy an toàn thực phẩm nhưng chị không có.

Bà Nguyễn Thị Non ở xã Gio Việt cũng chia sẻ, ngoài 20 tấn cá tồn kho tại nhà, bà còn gửi 20 tấn khác ở Thanh Hóa, mỗi tháng chi phí hết 60 triệu đồng tiền ký gửi. Theo bà, nếu không xuất bán được, chất lượng sụt giảm phải bán cá xay thì giá trị thu về sẽ giảm mất một nửa.

{keywords}
Hàng ngàn tấn mực khô ở Quảng Nam ế ẩm vì Trung Quốc không mua (ảnh: Dân Việt)

Theo chủ các lò sấy cá nục, từ xưa đến nay, mặt hàng này được thu mua trực tiếp từ ngư dân và sản xuất thủ công nên các yêu cầu từ phía Trung Quốc không thể đáp ứng. Hậu quả là thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt (huyện Gio Linh) tồn kho khoảng trên 1.000 tấn cá nục sấy khô.

Cá không xuất bán, còn tồn đọng đầy kho nên nhiều lò sấy cá phải hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm dừng hoạt động. Nhiều lao động trong ngành nghề này cũng gặp khó khăn vì thu nhập giảm, có nguy cơ mất việc.

Cùng thời điểm, tại Quảng Nam, bà con ngư dân ở huyện Núi Thành cũng lâm cảnh khó khăn khi hàng ngàn tấn mực khô rơi cảnh ế ẩm dù giá đã giảm xuống rất thấp. Một số chủ tàu cho biết, giá mực hạ thấp nhưng thương lái vẫn không chịu thu mua. Mực ế chất đống không bán được khiến hàng loạt tàu thuyền phải làm bờ bởi không có tiền trả chi phí nhân cao lao động và phí tổn cho chuyến đi biển trước đó.

Nguyên nhân là do gần đây phía Trung Quốc yêu cầu việc nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp, trong đó có mực khô, phải xuất theo đường chính ngạch, thay vì tiểu ngạch như trước. Vì thế, gần 1.000 tấn mực khô của ngư dân huyện Núi Thành bị tồn đọng. Dự kiến lượng mực khô tồn đọng còn tăng bởi nhiều tàu đánh bắt kết thúc chuyến đi và cập bến thời gian tới.

Ế nhiều quá, Chủ tịch, Bí thư cũng phải đi bán cá

Việc siết đường buôn bán tiểu ngạch với các mặt hàng thuỷ hải sản khiến bà con ngư dân hoàn toàn bị động.

Trước tình trạng hàng ngàn tấn mực khô bị tồn ứ, phía Trung Quốc không thu mua, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Chính phủ các Bộ, ngành Trung ương can thiệp để ngư dân có thể bán được mực với giá phù hợp.

Đầu tháng 7, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT và VASEP kêu cứu, đề nghị hỗ trợ tiêu thụ gần 1.000 tấn mực khô tồn đọng tại địa phương bằng cách đàm phán với phía Trung Quốc để mực khô tiếp tục xuất sang thị trường này trong thời gian sớm nhất.

{keywords}
Ngàn tấn cá nục khô ở Quảng Trị ế ẩm chất đầy kho, địa phương phải tìm cách giải cứu

Tương tự, để giải cứu hàng ngàn tấn cá nục khô đang tồn đọng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, chính quyền đang tìm giải pháp. Trước mắt là giúp chủ cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô tiêu thụ số hàng tồn.

Để có được tấm giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, UBND huyện đã kết nối cho tư thương hợp đồng với Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản miền Trung để cấp giấy chứng thực về an toàn vệ sinh thực phẩm. Về lâu dài, huyện tập trung tuyên truyền để ngư dân thực hiện đúng các quy định như ghi nhật ký khai thác, khai thác đúng vùng biển để sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.

Chia sẻ trên báo Pháp luật Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính nhận xét sự việc đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống ngư dân cũng như các cơ sở hấp sấy cá và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông cho rằng, lỗi một phần là do các cơ quan chức năng không sớm hướng dẫn người dân làm thủ tục về xuất xứ hàng hoá, nguồn gốc sản phẩm. Khi Trung Quốc thay đổi phương thức nhập khẩu, kiểm soát chặt hơn về nguồn gốc, bà con nông dân không có giấy tờ chứng minh nên không thể xuất hàng, dẫn đến tồn kho.

Do đó, ông yêu cầu các ngành phải cùng nhau nghĩ cách để giải quyết cho người dân. UBND huyện Gio Linh cùng với Sở KH-CN, Sở NN-PTNT cần tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời hướng dẫn cho bà con về lâu dài phải làm các thủ tục liên quan nguồn gốc hàng hoá.

“Nếu cá tôm của dân đọng lại không bán được thì Chủ tịch huyện 'đi bán cá' vẫn tốt, không phải xấu hổ gì. Một khi sản phấm ế đọng nhiều, không chỉ Chủ tịch huyện mà Chủ tịch, Bí thư tỉnh cũng phải đi bán bằng cách giới thiệu, quảng bá rộng rãi”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói.

Lưu Minh (tổng hợp)