Trang National Interest đăng tải bài viết “Đông Nam Á đang trở thành trung tâm thế giới” và không ngạc nhiên khi cả Trung Quốc và Mỹ liên tục hiện diện tại đây. Vào tháng 5/2022, tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ ở Washington, Tổng thống Mỹ Biden đã quyết định chi hơn 150 triệu USD ủng hộ sáng kiến của các nước Đông Nam Á.
Đông Nam Á sở hữu vị trí quan trọng khi nằm trên tuyến đường hàng hải nối giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông, nay đã trở thành khu vực kinh tế tiềm năng trong bối cảnh chính sự thế giới căng thẳng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự tính, mức tăng trưởng trung bình của ASEAN-5 (gồm 5 nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam) được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 5,32% trong năm 2022. Nguyên nhân là do giá cả hàng hóa tăng cao và ngành du lịch phục hồi tại Đông Nam Á sẽ giúp khu vực nhanh chóng thoát khỏi lạm phát kinh tế.
Những năm qua, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Đông Nam Á đã phát triển theo cấp số nhân. Trong khi đó, việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã giáng một đòn mạnh vào lợi ích của Mỹ tại khu vực. Đó là lý do tại sao Tổng thống Biden đang tìm mọi cách để cứu vãn lại tầm ảnh hưởng tại ASEAN. Ông đã công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) trong chuyến thăm châu Á vào hồi tháng 5 vừa qua.
Ở một diễn biến khác, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến công du kéo dài 12 ngày tại Đông Nam Á (từ ngày 3-14/7), tờ South China Morning Post cho hay.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định “chuyến thăm diễn ra giữa lúc thế giới phải đứng trước những bất ổn và thay đổi. Đông Nam Á và Trung Quốc cần cùng nhau đối diện với khó khăn, mạnh mẽ duy trì hòa bình và ổn định khu vực”.
Như Quỳnh